Việc tỷ giá tăng đang tác động đến doanh nghiệp vay USD và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu ngay trong quý I/2024.
Để mua 1 USD tại ngân hàng Vietcombank, hiện người dân phải bỏ ra 25.458 đồng. Con số này đã tăng thêm hơn 1.000 đồng, tương đương 4,2% so với đầu năm.
Tỷ giá chịu tác động lớn
Sau khi chạm mức đỉnh trong vòng 1 năm qua (107,05 điểm), chỉ số U.S Dollar Index (DXY) trên thị trường quốc tế ngày 30/4 giảm 0,29%, về mốc 105,65 điểm.
Chênh lệch giữa xu hướng giảm lãi suất của Việt Nam và duy trì lãi suất cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạo ra một khoảng cách nhất định, gây áp lực lên tỷ giá.
Áp lực tỷ giá có thể vẫn lớn trong nửa đầu năm nay và sau đó suy giảm dần từ giữa quý III khi Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể bắt đầu hạ lãi suất.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), DXY trên thị trường quốc tế tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đến đồng nội tệ. Theo đó sự mất giá VND so với đầu năm 4,9% là mức đáng quan tâm.
Tuy nhiên, NHNN cho biết tỷ giá không chỉ gây áp lực đến VND mà nhiều đồng tiền trong khu vực có sự biến động mạnh hơn như đồng đô la Đài Loan (Trung Quốc) mất giá 5,96%; Yên Nhật Bản mất giá 9,69%; đồng won Hàn Quốc 7,71%... So sánh hai con số USD tăng 5% và VND mất giá 4,9%, lãnh đạo NHNN cho rằng, sự mất giá VND vẫn thấp so với sự tăng giá của đồng USD nếu tính theo quy mô nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng việc can thiệp, cân đối lợi - hại như thế nào trước áp lực tỷ giá cũng là bài toán khó với cơ quan điều hành vì cần dựa trên lợi ích tổng thể.
Theo dõi diễn biến trên thị trường thời gian gần đây có thể thấy, để ổn định cung cầu ngoại tệ, NHNN đã phát hành gần 200.000 tỷ đồng tín phiếu. Tuy nhiên “sức nóng” tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt, do đó nhà điều hành đã công bố phương án can thiệp ngoại tệ mạnh mẽ hơn đó là công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng. Đồng thời, giảm nhu cầu mua vàng bằng USD. Điều này giúp tỷ giá đã hạ nhiệt khoảng 30 đồng.
Trả lời báo chí tại phiên họp báo thường kỳ quý I/2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết về khả năng NHNN có tính đến giải pháp tăng lãi suất VND? Ông Tú cho hay, đây cũng là vấn đề đặt ra nhưng áp dụng ở thời điểm nào, chứ thời điểm này chưa thể được bởi mục tiêu hiện nay là phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Tú chia sẻ thêm nếu giảm lãi suất sâu quá thì có hệ lụy là người gửi tiền sẽ không gửi nữa mà xoay sang các kênh đầu tư khác. Hơn nữa, lãi suất thấp quá cũng ảnh hưởng đến tỷ giá.
Lợi - hại ra sao khi tỷ giá tăng cao?
Theo các chuyên gia Việt Nam là nước xuất khẩu, nhưng cũng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nên nhu cầu ngoại tệ là khá lớn. Biến động của tỷ giá đang tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.
Mỗi tháng Công ty TNHH Fine Mold Việt Nam (Hà Nội)– gia công và chế tạo các sản phẩm vỏ khuôn, khuôn và linh kiện khuôn, phải chi 160.000 USD tương đương khoảng 4 tỷ đồng để nhập khẩu thép nguyên liệu gia công, sản xuất khuôn mẫu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Fine Mold Việt Nam, cho biết: Chỉ 1 đồng tăng thêm của tỷ giá hối đoái sẽ khiến cho chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp tăng thêm khoảng 200.000 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, riêng tiền nhập khẩu nguyên vật liệu đã bị cộng thêm 500 triệu đồng.
Để duy trì được lợi nhuận, doanh nghiệp lên kế hoạch tăng giá bán, nhưng rất có thể phải đối mặt với đơn hàng sụt giảm."Giá bán sẽ phải tăng lên 5-10%, chi phí cơ hội để mình cạnh tranh với các đơn vị khác đầu tư ở Việt Nam hoặc chính những doanh nghiệp nội cũng khó khăn hơn rất nhiều", ông Hùng nói.
Ngoài ra, các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Điều này sẽ làm sụt giảm lợi nhuận. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng như thế nào còn tùy vào doanh nghiệp cụ thể.
Ngược lại, với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu lại được hưởng lợi từ việc đồng USD tăng giá, doanh thu quý I của doanh nghiệp tăng hơn 45%.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán MBS chỉ ra 13 doanh nghiệp có thể hưởng lợi trong bối cảnh tỷ giá tăng cao, chủ yếu do bán hàng thu về USD.
Điển hình là Công ty CP Phú Tài do thị trường Mỹ đóng góp 60% doanh thu và phần lớn nguyên liệu đầu vào tại thị trường nội địa; Tổng Công ty Viglacera - Công ty CP xuất khẩu kính, gạch ceramic ra thị trường EU, Công ty CP Vicostone có 70% doanh thu đến từ thị trường Mỹ, vì thế trong bối cảnh giá nguyên liệu bột thạch anh giảm, tỷ giá tăng giúp doanh nghiệp này được hưởng lợi.
Ngoài ra một số doanh nghiệp khác như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam, Công ty CP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, Công ty CP Vĩnh Hoàn… lợi nhuận quý I sẽ tăng mạnh nhờ biến động tỷ giá.
Việc nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá chủ yếu do đồng USD đã mạnh lên khoảng 5%. Theo các chuyên gia, áp lực tỷ giá vẫn lớn trong nửa đầu năm nay và sau đó suy giảm dần từ giữa quý III khi Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất.
Ngoài ra, các chuyên gia kỳ vọng quý I vừa qua, Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD cũng góp phần giảm áp lực tỷ giá.
Để đối phó với áp lực tỷ giá, các doanh nghiệp đang hướng về thị trường trong nước khi nhu cầu tiêu dùng có dấu hiệu tăng trở lại. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm Sao Ta nhận định: "Ánh sáng lóe ra ở cuối đường hầm là người tiêu dùng có sở thích gì, những sản phẩm nào có thể bán được tốt thì chúng ta tập trung vào, khai thác mảng đó, lấy lượng bù cho đồng lời".
Huyền Anh
https://vnbusiness.vn/tien-te/doanh-nghiep-khoc-cuoi-vi-bien-dong-ty-gia-1099531.html