Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi nhờ tỷ giá đang tăng cao?

, , , , ,

Trong quý I/2024, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng khoảng 2,2%, lên quanh mức 24.800. Đà tăng của tỷ giá xuất hiện từ đầu năm 2024, chậm lại trong giai đoạn Tết Âm lịch, nhưng quay trở lại sau đó. Tuy nhiên, diễn biến của VND so với USD khá tương đồng với một số đồng tiền trong khu vực như JPY (-7%), CNY (-2%), KRW (-4%), THB (- 6%), MYR (-3%).

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận: “Quý I/2024, tỷ giá tiếp tục chịu áp lực tăng”.

Theo ông Đào Minh Tú, có 3 yếu tố chính khiến tỷ giá tăng trong thời gian qua.

Một là, Fed chưa đưa ra thời gian cụ thể để nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, nên giá trị đồng USD tăng, có tác động làm giảm giá đồng tiền của hầu hết nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hai là, chính sách hạ lãi suất rất mạnh của Việt Nam trong thời gian qua tạo ra sự bất cập về chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng (duy trì tình trạng lãi suất âm, tức lãi suất USD thấp hơn VND), khiến USD tăng.

Ba là, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu cao hơn.

Dự báo thị giới chuyên gia, trong quý II/2024, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn chịu nhiều áp lực tăng thêm, mặc dù đà tăng có thể phần nào được hạn chế nhờ các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo, mức tăng của tỷ giá từ 0,5 - 1% so với cuối quý I. Còn trên thị trường quốc tế, đồng USD dự kiến sẽ có xu hướng “giằng co”, bởi nhiều yếu tố tác động đan xen.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán MBS chỉ ra 13 doanh nghiệp có thể hưởng lợi trong bối cảnh tỷ giá tăng cao, chủ yếu do bán hàng thu về USD.

Nhóm cao su gồm Công ty CP Cao Su Đà Nẵng (DRC) và Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM); nhóm dệt may có Công ty CP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL); nhóm thủy sản có Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC).

Nhóm vật liệu xây dựng có Công ty CP Phú Tài (PTB) do thị trường Mỹ đóng góp 60% doanh thu và phần lớn nguyên liệu đầu vào tại thị trường nội địa; Tổng Công ty Viglacera - Công ty CP (VGC) xuất khẩu kính, gạch ceramic ra thị trường EU; Công ty CP Vicostone (VCS) có 70% doanh thu đến từ thị trường Mỹ vì thế trong bối cảnh giá nguyên liệu bột thạch anh giảm, tỷ giá tăng giúp VCS được hưởng lợi.

Nhóm hàng không, MBS chọn Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), doanh thu theo USD từ các dịch vụ hàng hóa, hàng không quốc tế lần lượt chiếm 80% và 60%. Trong khi đó, cơ cấu nợ vay không gồm USD.

2 công ty là Công ty CP Gemadept (GMD) và Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) thuộc nhóm cảng biển, vận tải biển có đơn giá dịch vụ neo theo USD. Đồng thời, cơ cấu nợ vay bằng USD chiếm 1 tỷ trọng nhỏ không đáng kể.

Công ty CP FPT (FPT) thu dịch vụ ngoại tệ lần lượt bằng USD và JPY là 413 triệu USD và 52 tỷ JPY. Trong khi đó, nợ vay USD khoảng 60 triệu USD đã được hedging 100%, nợ vay JPY khoảng 11 tỷ JPY, được hedging khoảng 50%.

Cuối cùng là Công ty CP Vincom Retail (VRE), doanh thu có đơn giá các hợp đồng tính theo USD và gần như không có nợ vay ngoại tệ.