Doanh nghiệp sản xuất bao bì trên sàn UPCoM gây bất ngờ với cổ đông khi chia cổ tức tới 350%

Theo phương án chia cổ tức 350%, cổ đông Hàn Quốc này sẽ nhận 462,7 tỷ đồng cổ tức từ Bao bì Tân Tiến cho năm 2023.

Doanh nghiệp bất ngờ chi cổ tức 350%, cao gấp 23 lần mọi năm

Trên sàn chứng khoán Việt Nam, có những doanh nghiệp không nổi bật nhưng vẫn làm nhà đầu tư kinh ngạc nhờ kết quả kinh doanh tốt và cổ tức cao. Công ty CP Bao bì Tân Tiến (UPCoM: TTP) là một ví dụ điển hình.

Vào ngày 24/5/2024 tới đây, Bao bì Tân Tiến sẽ chốt quyền chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 350%. Điều này có nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được cổ tức 35.000 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/5 và cổ tức dự kiến được thanh toán vào ngày 14/6/2024.

Phương án chia cổ tức này gây ngạc nhiên lớn cho cổ đông. Trong ba năm gần đây, tỷ lệ chia cổ tức của TTP chỉ là 15%, tức cổ tức năm 2023 cao gấp 23 lần. Trước năm 2020, tỷ lệ này chỉ đạt 5%.

Công ty CP Bao bì Tân Tiến (UPCoM: TTP)

Ai sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ phương án trả cổ tức lần này?

Trong cơ cấu lãnh đạo của Bao bì Tân Tiến, tất cả thành viên Hội đồng Quản trị đều là người Hàn Quốc. Chủ tịch HĐQT là ông Cho Jum Kun, thay ông Song Jong Sun từ ngày 7/2/2024. Các thành viên còn lại gồm ông Kim Sung Kon và ông Lee Jeongki. Tính đến hết năm 2022, cổ đông chính là công ty Dongwon Systems Corporation nắm 88,16% vốn điều lệ, tương đương 13,22 triệu cổ phiếu.

Theo phương án chia cổ tức 350%, công ty Hàn Quốc này sẽ nhận 462,7 tỷ đồng cổ tức từ Bao bì Tân Tiến cho năm 2023.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, Bao bì Tân Tiến ghi nhận doanh thu thuần 1.734 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi sau thuế tăng vọt lên 153 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Với phương án chia cổ tức 350%, số tiền cổ tức công ty mẹ nhận được cao gấp 3 lần lợi nhuận cả năm của Bao bì Tân Tiến.

Trong quý 1/2024, doanh thu Bao bì Tân Tiến đạt 371 tỷ đồng, giảm mạnh 14% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ giá vốn hàng bán giảm đáng kể hơn 15% cùng với khả năng tiết chế các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý nên sau 3 tháng Bao bì Tân Tiến báo lãi sau thuế tăng 22,2% lên 36 tỷ đồng.

Kết thúc ngày 31/3/2024, tổng tài sản Bao bì Tân Tiến tăng lên gần 1.600 tỷ đồng, tương đương mức tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, nợ phải trả có tín hiệu giảm nhẹ hơn 30 tỷ đồng về con số 429,61 tỷ đồng, ghi nhận giảm 7% so với quý 1/2023.

Tính hết 3 tháng đầu năm 2024, TTP ghi nhận vốn chủ sở hữu 1.171 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu chỉ 150 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 735 tỷ đồng.

Phương án chia cổ tức 350% sẽ rút một lượng lớn lợi nhuận chưa phân phối này để chuyển về công ty mẹ tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, công ty cũng có thặng dư vốn cổ phần 155 tỷ đồng và Quỹ đầu tư phát triển 177 tỷ đồng.

Trong chiều diễn biến khác, đầu năm nay, Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định số 2060/QĐ-TCT ngày 30/12/2022, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Bao bì nhựa Tân Tiến, có trụ sở tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Công ty CP Bao bì nhựa Tân Tiến bị phát hiện có hành vi khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Vì vậy, công ty này bị áp dụng mức phạt 20% trên số thuế truy thu, tương đương 1,087 tỷ đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc công ty nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước, tổng cộng hơn 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn phải nộp khoản tiền chậm nộp thuế lên đến hơn 700 triệu đồng. Tổng số tiền mà công ty phải nộp liên quan đến vi phạm thuế là trên 7,2 tỷ đồng.

Bao bì Nhựa Tân Tiến được thành lập vào năm 1966. Đến tháng 10/2015, công ty chính thức thuộc sở hữu của tập đoàn Dongwon Systems. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1977 và là một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực nguyên vật liệu đóng gói bao bì, bao gồm bao bì phức hợp, chai, vỏ lon, vỏ hộp, màng công nghiệp và màng nhôm.

Tuấn Khải

https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-san-xuat-bao-bi-tren-san-upcom-gay-bat-ngo-voi-co-dong-khi-chia-co-tuc-toi-350-234893.html