Doanh nghiệp Việt liên tiếp trúng các gói thầu gạo lớn

Việc liên tục trúng các gói thầu lớn cũng như tìm được đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường khó tính đã giúp giá gạo Việt “nóng” trở lại.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã trúng liên tiếp một số gói thầu lớn.

Theo đó, tại thị trường Indonesia, cuối tháng 4/2024 Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã mua 300.000 tấn gạo trong một cuộc đấu thầu quốc tế. Trong lần đấu thầu này Bulog đã mua 109.000 tấn từ Việt Nam với giá từ 588-590 USD/tấn với giá thấp nhất là 585 USD/tấn. Thái Lan trúng thầu 110.000 tấn và Myanmar trúng thầu 56.000 tấn, 25.000 tấn còn lại là Pakistan.

Xuất khẩu gạo đạt kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm 2024

Cùng với việc trúng thầu lớn từ Indonesia, gần đây các doanh nghiệp Việt cũng có thêm cơ hội từ thị trường Hàn Quốc. Cụ thể, theo thông báo trên trang web KAFTC, Tập đoàn Thương mại Thực phẩm và Thủy sản Nhà nước Hàn Quốc (KAFTC) đã mua 8.677 tấn gạo trong cuộc đấu thầu quốc tế kết thúc vào ngày 25/4/2024. Cơ quan này đã mua 7.777 tấn gạo có nguồn gốc từ Mỹ của Công ty TNHH Shinsong Industry với giá 806,34 USD/tấn và 900 tấn gạo hạt dài có nguồn gốc từ Việt Nam của Công ty TNHH Quốc tế Youngwoo với giá 709,88 USD/tấn. Ngoài ra, cơ quan này cũng tìm cách mua 117.105 tấn gạo trong cuộc đấu thầu và kết quả đấu thầu còn lại sẽ được công bố sau khi Cục Quản lý chất lượng nông sản kiểm tra mẫu.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An- chia sẻ, hiện Trung An đang chờ kết quả đợt đấu thầu mới của Hàn Quốc với kỳ vọng sẽ trúng khoảng trên dưới 10.000 tấn.

Cũng theo ông Bình, ngoài chờ gói thầu thì doanh nghiệp này đang chuẩn bị số lượng lớn gạo để giao đi các thị trường như EU, Hàn Quốc trong tháng 5/2024.

Việc trúng các gói thầu gạo đã và đang tác động tới giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày qua.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/5 giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện giữ ở mức 585 USD/tấn (tăng khoảng 5 USD/tấn so với hồi đầu tháng 5/2024). Đáng chú ý, mức giá này cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 3 USD (gạo Thái Lan ở mức 582 USD/tấn) và hơn Pakistan 10 USD (gạo cùng phẩm cấp của Pakistan giá 575 USD/tấn).

Với mức giá hiện nay cùng với nhu cầu thị trường vẫn đang tiếp tục ở mức cao, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ còn cơ hội tăng trưởng.

Thực vậy, khi dự báo về triển vọng của xuất khẩu gạo năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA khẳng định: Xuất khẩu gạo vẫn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường vẫn ở mức cao. Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng. Các quốc gia khác như Indonesia, Philippines, Malaysia sản lượng sản xuất giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng lúa vụ Đông Xuân còn khoảng 3 triệu tấn (tương đương 2 triệu tấn gạo). Với sản lượng còn lại cùng với nguồn nhập khẩu, dự báo 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 4,5 triệu tấn”- ông Nam nói.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.

Theo Mai Ca

Báo Công Thương

https://cafef.vn/doanh-nghiep-viet-lien-tiep-trung-cac-goi-thau-gao-lon-188240508100911396.chn