Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng vào “đường băng” tăng trưởng

, , ,

Nguồn công việc từ các dự án hạ tầng giao thông lớn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho kết quả kinh doanh quý I/2024 của nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Điểm tích cực hơn là biên lợi nhuận gộp của mảng xây lắp tại một số doanh nghiệp đã được cải thiện.

Nguồn công việc cho các doanh nghiệp ngành giao thông được đánh giá còn rất lớn khi nhiều dự án sẽ đạt cao điểm về sản lượng trong năm 2024. Ảnh: Chí Hùng

Quý I/2024, Công ty CP Lizen đạt 310,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động xây lắp đóng góp 304,2 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Lizen lãi sau thuế 14,5 tỷ đồng, tăng 40,7% so với quý I/2023. Với kết quả này, Công ty hoàn thành 13% kế hoạch doanh thu (2.400 tỷ đồng) và 11% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (131 tỷ đồng) của năm 2024.

Để hoàn thành kế hoạch đặt ra, doanh thu của Lizen sẽ tập trung ở các dự án giao thông và xây lắp điện trị giá 2.274 tỷ đồng, chiếm 95% tổng kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu chủ yếu từ 5 dự án đang triển khai gồm: cao tốc Vân Phong - Nha Trang (850 tỷ đồng), cao tốc Vũng Áng - Bùng (388 tỷ đồng), đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (326 tỷ đồng), đường Tân Phúc - Võng Phan (318 tỷ đồng) và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (70 tỷ đồng). Ngoài ra, còn các dự án khác như BOT Hữu Nghị - Chi Lăng đã ký hợp đồng và một số dự án đang trong giai đoạn đấu thầu.

Bên cạnh doanh thu tăng trưởng, biên lợi nhuận gộp của Công ty cải thiện từ mức 14,36% trong quý I/2023 lên 15,77% trong quý I/2024.

Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lizen đánh giá, cơ hội về nguồn công việc trong lĩnh vực hạ tầng giao thông còn rất nhiều. “Các công trình quốc gia trọng điểm đang được thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Lizen đang hoạch định tham gia theo phương thức này. Vừa qua, Lizen đã ký kết hợp đồng BOT Hữu Nghị - Chi Lăng với UBND tỉnh Lạng Sơn theo phương thức PPP và sẽ bắt đầu triển khai từ năm nay”, ông Bùi Dương Hùng chia sẻ.

Nguồn thu từ các gói thầu thuộc các dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Quảng Ngãi - Hoài Nhơn giúp Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đạt 196 tỷ đồng doanh thu xây lắp trong quý I/2024, tăng 43,27% so với quý I/2023. Cùng với nguồn thu từ các trạm thu phí BOT đạt gần 477 tỷ đồng (tăng 23,13%), Công ty ghi nhận doanh thu quý đầu năm 2024 đạt gần 690 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng hơn 37%, đạt gần 114 tỷ đồng nhờ việc kiểm soát tốt các chi phí. Cụ thể, quý I/2024, tỷ trọng tổng chi phí sản xuất - kinh doanh (chi phí giá vốn, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp) chiếm 84,08% doanh thu, giảm so với mức 85,33% ở quý I/2023.

Năm 2024, Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đặt mục tiêu đạt 3.146 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 404 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 17% và 11% so với năm 2023. Như vậy, kết thúc quý I/2024, Công ty hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và 28% chỉ tiêu lợi nhuận.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2025, bên cạnh Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã khởi công đầu năm, Công ty dự kiến khởi công các dự án PPP lớn khác bao gồm: cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Tổng mức đầu tư của các dự án trên lên đến hơn 42.000 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), dù doanh thu hoạt động xây lắp trong quý I/2024 giảm 1%, đạt 1.359 tỷ đồng, nhưng điểm tích cực là lợi nhuận gộp đạt 54 tỷ đồng, sau khi âm 242 tỷ đồng trong năm 2023.

“Một số công trình cao tốc giai đoạn 1 đã hạch toán hết lỗ trong 2023. Làm dự án đầu tư công có định mức đơn giá doanh nghiệp không quản lý được. Các dự án giao thông thì vật liệu đắp nền là chính, phải mua ở chỗ có nguồn gốc xuất xứ được phê duyệt nên rất khó cho nhà thầu. Do đó, biên lợi nhuận thấp, song Vinaconex sẽ cố gắng đạt tối thiểu 2% trở lên”, Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết tại Đại hội đồng cổ đông ngày 24/4/2024.

Một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2024 còn có: Công ty CP Xây dựng số 5, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP, Công ty CP Tập đoàn Cienco 4...

Năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn 2 năm tiếp theo, các dự án về giao thông mới tiếp tục được khởi công, nhưng số lượng và giá trị sẽ không lớn như năm 2023. Tuy nhiên, giá trị hợp đồng chưa thực hiện (backlog) của các doanh nghiệp giao thông còn rất lớn từ các dự án đã khởi công như: 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Vành đai 4 Hà Nội, sân bay Long Thành giai đoạn 1… Các dự án này sẽ đạt cao điểm về sản lượng trong năm 2024. Do đó, nguồn công việc cho các doanh nghiệp ngành giao thông được đánh giá còn rất lớn.

Tác giả: Hoàng Việt

Link gốc

https://baodauthau.vn/doanh-nghiep-xay-dung-ha-tang-vao-duong-bang-tang-truong-post155102.html