Trước những tác động của biến đổi khí hậu, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Đổi mới công nghệ đóng vai trò như chìa khóa để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số, từ đó là nền tảng cho kinh tế xanh phát triển.
Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững...
Theo ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong sản xuất. Tuy nhiên, hiện nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh.
Tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế.
"Vai trò của đội ngũ công nghệ đóng vai trò như một chìa khóa hay là một yếu tố đầu vào để thúc đẩy cho quá trình phát triển kinh tế số; từ đó là nền tảng để cho kinh tế xanh phát triển và ứng dụng được. Thực tế Việt Nam chủ yếu tập trung vào đổi mới công nghệ ở mức độ ứng dụng các nguồn sẵn có, còn nếu như chúng ta nghiên cứu tạo ra công nghệ lõi công nghệ mới, công nghệ nguồn thì vẫn còn hạn chế. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là cái lõi của đội ngũ công nghệ thực hiện quá trình chuyển đổi số chuyển đổi xanh, song, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn với hơn 97% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp vừa doanh nghiệp lớn hạn chế", ông Chử Đức Hoàng cho biết.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, theo Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi "xanh" của nền kinh tế. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, triển khai các chương trình dự án xanh.
"Cần tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường. Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng được, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường", bà Tạ Thị Yên khuyến nghị.
Kinh tế số và kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và con đường để Việt Nam đột phá, hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Vì thế, cần có lộ trình và giải pháp đồng bộ, cụ thể để thực hiện hoá mục tiêu này.
(Theo Vov.vn)
https://nhadautu.vn/doi-moi-cong-nghe-co-vai-tro-quan-trong-de-phat-trien-kinh-te-xanh-d85508.html