Đơn hàng tăng mạnh, Hoá chất Đức Giang nâng công suất phốt pho vàng thêm 16%

Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC) sẽ đưa Nhà máy phốt pho vàng mới vào hoạt động trong quý 4/2023 tới đây nhằm đáp ứng lượng đơn hàng mới ở mức cao. Một số nhà máy sản xuất pin xe điện cũng bày tỏ quan tâm đến việc mua phốt pho vàng từ doanh nghiệp này.

Đơn hàng tăng mạnh, Hoá chất Đức Giang nâng công suất phốt pho vàng

Hoá chất Đức Giang đã nhận thêm đơn đặt hàng từ các khách hàng Đông Á khi hoạt động sản xuất chất bán dẫn và chip điện tử phục hồi trở lại. (Ảnh: The Korea Herald)

Theo cập nhật mới nhất từ hãng chứng khoán Vietcap Securities, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC - sàn HoSE) sẽ đưa Nhà máy phốt pho vàng mới vào hoạt động trong quý 4/2023 tới đây, nhà máy sẽ mở rộng công suất thêm 16% để đáp ứng với lượng đơn đặt hàng tăng mạnh vượt công suất hiện tại.

Cuối tháng 8 vừa qua, ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cho biết, đến cuối năm 2024, nhu cầu phốt pho của Việt Nam sẽ tăng đột biến khi các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hoá nguồn cung ngoài Trung Quốc. Hoá chất Đức Giang hiện là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất châu Á về phốt pho vàng - vật liệu quan trọng trong công nghệ sản xuất chất bán dẫn và trong ngành F&B.

Diễn biến giá phốt pho vàng tại Trung Quốc (Nhân dân tệ/tấn), H3PO4 tại Ấn Độ (USD/tấn), và H3PO4 tại Trung Quốc (Nhân dân tệ/tấn) trong thời gian qua. (Bloomberg, KBSV Research)

Sau 3 quý ghi nhận nhu cầu yếu, Hoá chất Đức Giang đã nhận thêm đơn đặt hàng từ các khách hàng Đông Á. Các dữ liệu cũng cho thấy, lượng phốt pho vàng được hai quốc gia sản xuất linh kiện điện tử lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc đang có tín hiệu tích cực. Trong đó, thị trường Hàn Quốc vẫn duy trì nhập khẩu phốt pho vàng ở mức cao từ đầu năm 2023 đến nay; thị trường Nhật Bản đã có dấu hiệu phục hồi kể từ tháng 7/2023.

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường xuất khẩu phốt pho vàng lớn của Hoá chất Đức Giang; đồng thời, Hoá chất Đức Giang cũng chiếm thị phần cao tại hai quốc gia này.

Đáng chú ý, bên cạnh các nhà sản xuất chip, một số nhà máy sản xuất pin xe điện (EV) đang được xây dựng ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua phốt pho vàng từ Hoá chất Đức Giang. Sự quan tâm này bắt nguồn từ xu hướng ngày càng tăng của các khách hàng trong việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho các nhà cung cấp Trung Quốc về cả pin và hóa chất.

Trên toàn cầu, mặc dù doanh số bán chip tháng 7/2023 giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đã tăng lên so với tháng 6/2023, xác lập tháng phục hồi thứ 5 liên tiếp. Đồng thời, doanh thu khuôn sản xuất chip (foundry) đã có tín hiệu cải thiện so với mức đáy hồi cuối quý 1/2023.

Các tổ chức nghiên cứu gồm World Semiconductor Trade Statistics và Gartner dự báo mức tăng trưởng ngành bán dẫn toàn cầu trong năm 2024 đạt lần lượt 11,8% và 18,5% so với năm 2023, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng phốt pho vàng.

Doanh thu chất bán dẫn và khuôn chip trên toàn cầu đang phục hồi tích cực từ mức đáy hồi tháng 3/2023. (Nguồn: Bloomberg, KBSV Research)

Trong khi đó về phía nguồn cung, mặc dù phía Nam Trung Quốc đã có mưa lớn trong tháng 8/2023 nhưng sản lượng điện tại khu vực này vẫn chưa được cải thiện khiến hoạt động sản xuất phốt pho vàng tại tỉnh Vân Nam (nơi chiếm 50% tổng sản lượng phốt pho vàng của Trung Quốc) tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong nửa đầu năm nay, sản lượng phốt pho vàng của tỉnh Vân Nam đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022 do tình trạng thiếu điện.

Hiện tượng El Nino với nguy cơ hạn hán diện rộng sẽ càng khiến nguồn cung phốt pho vàng từ Trung Quốc nói riêng, trên toàn cầu nói chung có thể suy giảm trong năm 2024.

Giá bán trung bình (ASP) phốt pho vàng của Hoá chất Đức Giang đã giảm từ mức 5.000 USD/tấn trong quý 1/2023 xuống còn 4.000 USD/tấn vào tháng 7/2023 nhưng đà giảm đã dừng lại và giá ASP hiện được giữ ổn định tại mức này. Dựa trên tình hình cung - cầu, ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang kỳ vọng giá bán sẽ tăng lên vào đầu năm 2024. Hiện Vietcap Securities dự báo mức ASP phốt pho vàng của Hoá chất Đức Giang sẽ đạt 4.800 USD/tấn trong năm 2024.

Lùi thời hạn khởi công Tổ hợp hoá chất Nghi Sơn

Bên cạnh đó, Hoá chất Đức Giang đang dành được thị phần đối với sản phẩm axit photphoric trích ly (TPA) (không dùng làm phân bón) từ các doanh nghiệp tại Trung Quốc khi các doanh nghiệp tại Mỹ bắt đầu mua một lượng đáng kể TPA từ Việt Nam kể từ đầu năm nay. Điều này sẽ thúc đẩy triển vọng các đơn hàng TPA đối với Hoá chất Đức Giang khi doanh nghiệp này hiện là đơn vị sản xuất TPA hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, mảng hoá chất cơ bản của Hoá chất Đức Giang có thể sẽ chỉ ghi nhận tăng trưởng ở mức vừa phải khi dự án tổ hợp hoá chất tại Nghi Sơn, Thanh Hoá tiếp tục bị chậm trễ do các vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Hoá chất Đức Giang thâm nhập sâu hơn vào thị trường Xút và Clo, tiến tới hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất đến sản phẩm alumin. Thời gian khởi công dự án này đã được lùi từ quý 3/2023 sang quý 1/2024 và dự kiến có thể đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2025.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, bất chấp áp lực điều chỉnh chung từ thị trường, cổ phiếu DGC vẫn đang có đà tăng mạnh trong những ngày gần đây. Kết thúc ngày 22/9, thị giá cổ phiếu DGC tăng 4,3%, đạt 98.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong vòng 20 ngày giao dịch gần nhất, cổ phiếu DGC đã tăng gần 40%. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu này đã tăng khoảng 79%.

DGC xứng đáng trên 100