Nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng tốt trong tháng 6/2023 và được nhận định sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm nay.
Cơ hội với cổ phiếu “vua”
Chính sách tiền tệ nới lỏng đang dần “ngấm” vào thị trường, lãi suất huy động giảm mạnh. “Tiền rẻ” thực sự thể hiện trên liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm nằm sâu dưới 0,5%/năm. Thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan, không chỉ điểm số tăng mà giá trị giao dịch được cải thiện mạnh mẽ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Mức tăng 4,1% của VN-Index trong tháng 6/2023 đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất khu vực châu Á. Kết quả này phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất lần thứ 4 liên tiếp kể từ tháng 3/2023. Tính đến giữa tháng 7/2023, VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1.150 điểm, P/E bình quân trên 15 lần, dẫn đến tương quan định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi P/E chủ yếu từ 5 - 7 lần.
Với việc tâm lý thị trường được cải thiện các nhà đầu tư cá nhân có thể chuyển đổi từ các khoản tiền gửi lãi suất cao đáo hạn (nếu tái gửi sẽ có lãi suất thấp) sang tìm kiếm cơ hội ở thị trường chứng khoán phần nào được hiện thực hóa. Theo thống kê, giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong tháng 6/2023 đạt hơn 100 triệu USD.
Thực tế, cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng tốt trong tháng 6/2023, trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là nhóm dẫn dắt với mức tăng 5,9%. Đây là những ngân hàng có danh mục cho vay được hưởng lợi từ việc lãi suất giảm và những tín hiệu ấm dần từ thị trường bất động sản. Ngoài ra, thu nhập từ đầu tư giấy tờ có giá cũng được kỳ vọng mang lại kết quả tốt trong quý II/2023.
Dự báo cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm 2023 nhờ triển vọng tăng trưởng tín dụng cao hơn nửa đầu năm và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được cải thiện.
Triển vọng đối với ngành ngân hàng, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, vẫn tích cực với mức dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) khoảng 10% cho năm 2023.
Khó có giai đoạn nào có thể mua cổ phiếu ngân hàng, nhất là ngân hàng tư nhân, với định giá thấp như lúc này. Cổ phiếu TCB, MBB, ACB đang giao dịch xung quanh giá trị sổ sách, cổ phiếu VPB thì giao dịch thấp hơn 40% so với giá bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Hiện có nhiều lựa chọn đầu tư hấp dẫn đối với cổ phiếu ngân hàng
Thực tế, nhiều nhà đầu tư từng có góc nhìn thận trọng về nhóm cổ phiếu ngân hàng trước những khó khăn liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và rủi ro nợ xấu. Nhưng khi các vấn đề này dần được tháo gỡ bằng những quyết sách của Ngân hàng Nhà nước như Thông tư 02/2022/TT-NHNN và Thông tư 03/2022/TT-NHNN về tái cơ cấu nợ xấu, khơi dòng chảy cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin dần trở lại và cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn với mức định giá thấp. Định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng thấp nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước và ngành này được hưởng lợi nhiều nhất từ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Cơ hội lớn nhất đối với ngành ngân hàng nửa cuối năm nay là lãi suất. Lãi suất huy động giảm sẽ giúp giảm chi phí vốn của ngân hàng. Đồng thời, xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nửa cuối năm 2023 cũng như năm 2024.
Khả năng phân hóa và vượt qua thách thức
Khó có giai đoạn nào có thể mua cổ phiếu ngân hàng, nhất là ngân hàng tư nhân, với định giá thấp như lúc này.
Trong 14 ngân hàng NIM bình quân năm 2023 dự kiến giảm 2 - 3%, nhưng lợi nhuận 6 tháng cuối năm có thể tăng trưởng trên 20% so với mức tăng 12 - 15% trong nửa đầu năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV khá dè dặt khi lên kế hoạch kinh doanh năm nay, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10 - 13%. Ngược lại, một số ngân hàng thương mại cổ phần tự tin đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như VPBank (33%), VIB (25%), HDBank (24%). VPBank và HDBank nằm trong Top 3 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất quý I/2023.
Dự báo HDBank và Vietcombank có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2023 cao nhất nhóm, lần lượt đạt 17,7% và 16,1%. Sang năm 2024, HDBank có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất, trên 20%.
Ngân hàng Nhà nước, lợi nhuận trước thuế quý II/2023 tăng trưởng với các nhân tố nội tại (chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị) và khách quan (chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước) có sự cải thiện so với quý liền trước, mặc dù NIM suy giảm.
NIM bình quân ngành ngân hàng tiếp tục thu hẹp trong quý II/2023 khi nguồn vốn huy động giá cao trước đó chưa được hấp thụ hết, đồng thời nguồn vốn giá rẻ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) giảm mạnh. Trong nửa cuối năm 2023, NIM có khả năng gia tăng nhờ lãi suất huy động giảm. Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành từ giữa tháng 3/2023 đến nay và được kỳ vọng sẽ giảm thêm trong thời gian tới.
Về nợ xấu, khả năng phân hóa trong thời gian tới, nhất là năm 2024 được nhận định sẽ rõ nét hơn. Cụ thể, nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao, đồng thời có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập dự phòng cao.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và các quyết sách của Ngân hàng Nhà nước được doanh nghiệp, người dân và tổ chức tín dụng kỳ vọng giúp giảm nguy cơ gia tăng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho doanh nghiệp, người dân; duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới để trả nợ đến hạn, mở rộng sản xuất - kinh doanh sau này và ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi.