Dòng tiền chưa trở lại sau nghỉ lễ, VN-Index vẫn lầm lũi hồi phục

Định vị thị trường

Các thị trường chứng khoán châu Á không có những phản ứng bất ngờ với kết quả cuộc họp FOMC. Theo công bố, lãi suất tiếp tục được giữ ở 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 23 năm và được duy trì kể từ tháng 7/2023. Các chỉ số TWSE (-0,85%), HSI (+2,5%), KOSPI (-0,31%), NIKKEI 225 (-0,1%) biến động trái chiều nhau.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại sau kỳ nghỉ lễ với dòng tiền vẫn chưa nhập cuộc. Rung lắc cũng đi kèm nhưng áp lực bán ra lại gần như không có, dẫn đến chiều mua có thể kéo điểm khá nhẹ nhàng trong khoảng thời gian cuối phiên. Mức đóng cửa của chỉ số thậm chí còn cao nhất phiên, qua đó có phiên thứ 4 liên tiếp đóng cửa trên 1.200 điểm.

Chất xúc tác

Sau kỳ nghỉ lễ, thông tin đáng chú ý nhất là số liệu PMI tháng 4 đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm, đạt 50,3 so với 49,9 điểm của tháng 3. Điều này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện nhẹ, và đây là lần cải thiện thứ ba trong bốn tháng qua.

Dù chưa phải là con số ấn tượng nhưng điều này cũng sẽ giúp cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán bớt đi những nỗi lo trong các quyết định đầu tư.

Yếu tố dòng tiền vẫn rất cần một trạng thái tâm lý tích cực bởi các phiên trước nghỉ lễ, HOSE đã chứng kiến 5 phiên liên tiếp khớp lệnh dưới mức bình quân 20 phiên. Phiên hôm nay cũng chưa có sự khác biệt nào và thậm chí còn hụt thanh khoản so với phiên thứ Sáu tuần trước hơn 11%.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng có ngay một phiên bán ròng lớn với giá trị ròng đạt 911 tỷ đồng trong đó BWE (-514 tỷ đồng) là mã bị bán ra nhiều nhất, chủ yếu qua thỏa thuận.

Đóng góp của khối ngoại vào tổng giao dịch 2 chiều đạt 14,7% cũng là kết quả của việc tiền nội chưa quay trở lại. Thông thường, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm chưa đến 9%.

Vận động thị trường

Với việc dòng tiền nội vẫn đang đứng ngoài, vai trò của các cổ phiếu lớn sẽ cần được thể hiện rõ. Ngân hàng chưa tham gia một cách quyết liệt, các mã SHB (+2,2%), VIB (+1,4%), VCB (+0,8%), MBB (+0,7%) chỉ hỗ trợ thị trường vào giai đoạn cuối phiên. Trong khi đó, vẫn còn VPB (-1,3%), TPB (-1,4%), CTG (-1,4%), LPB (-1,4%), STB (-2,1%) xuất hiện ở chiều giảm với biên độ trên 1%.

Dù vậy, việc có một số nhân tố Ngân hàng tăng vẫn tốt hơn so với việc cả nhóm này đồng loạt giảm. Các mã này đã giúp cho đà tăng của POW (+5,7%), SAB (+4%), FPT (+3%), BCM (+3,1%) không bị "lãng phí" và triệt tiêu được những rung lắc xuất hiện trong phiên. Chỉ số đã đóng cửa cao nhất phiên, tăng 6,84 điểm lên 1.216,36 điểm (+0,57%). Thanh khoản đạt 570,36 triệu đơn vị, tương đương 14.399 tỷ đồng.

Hiệu ứng nhóm ngành cũng đã xuất hiện ở nhóm Năng lượng, Bán lẻ với các mã BTP (+6,8%), PPC (+6,7%), NT2 (+4,7%), REE (+4,2%), PET (+1,4%), FRT (+1,9%), QTP (+6,5%) và HND (+5,5%) trên UPCoM.

Thông tin tác động mạnh tới các cổ phiếu Năng lượng là việc tiêu thụ điện trên toàn quốc đã phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đến nay khiến EVN phải huy động nguồn điện từ tất cả các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời huy động các nhà máy nhiệt điện khí. Những cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm Năng lượng đều là những công ty có nguồn thu lớn từ các nhà máy nhiệt điện.

Ngoài ra, nhóm Khu Công nghiệp cũng ghi nhận một số mã tích cực như SIP (+3%), DPR (+2,8%), VGC (+2,2%), SZC (+2%) nhờ có lực đẩy của "ông lớn" BCM. Được biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của BCM đạt 118.12 tỷ đồng, tăng trưởng 29,07% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, VN-Index đã có phiên thứ 4 liên tiếp đóng cửa trên ngưỡng 1.200 điểm và đang tạo vùng đệm dự phòng khá tốt khi chỉ số cần phải quay lại kiểm tra cung cầu.

Trên 2 sàn còn lại, HNX-Index tăng 0,3% còn UPCoM-Index tăng 1,06%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 1.600 tỷ đồng.

Mai Hương

https://nhipsongkinhdoanh.vn/dong-tien-chua-tro-lai-sau-nghi-le-vn-index-van-lam-lui-hoi-phuc-post3115695.html