Dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ tích cực từ cuối quý II

Dòng tiền đầu tư bất động sản còn khó khăn nhưng dòng tiền chứng khoán sẽ tích cực vào cuối quý II. Diễn biến này phản ánh trước kỳ vọng kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm.

Trong chương trình Vstock LIVE với chủ đề “Đọc vị kết quả kinh doanh quý I và triển vọng kinh tế Việt Nam” diễn ra cuối tháng 4, ông Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng cho biết tình hình kinh tế quý I khả quan, sản xuất đã có sự phục hồi, các công ty bắt đầu tuyển dụng lại mạnh mẽ. Một điểm sáng rất rõ trong quý I nằm ở sự phục hồi rõ rệt từ xuất khẩu, kim ngạch xấu khẩu quý I tăng 17%, đem lại xuất siêu 8 tỷ USD.

Tuy nhiên, CPI quý I ở mức 3,77%, có cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, gây lo ngại nhất định về vấn đề lạm phát, song song đó tỷ giá cũng tăng khá mạnh trong quý I với trên 5%. Điều này là điểm mà Chính phủ cần chú ý giữa cung tiền để kích thích kinh tế và kìm chế lạm phát.

Nhìn chung, quý I đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng chuyên gia Đinh Thế Hiển lưu ý giới đầu tư không nên quá lạc quan bởi dòng tiền của năm nay còn khó khăn. Có 2 dòng tiền gồm dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và dòng tiền đầu tư (chủ yếu đầu tư bất động sản và chứng khoán). Dòng tiền sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đang bị ảnh hưởng rất nặng bởi chính dòng tiền đầu tư bị kẹt kể từ đầu năm 2023.

Các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, Fitch vẫn đánh giá GDP Việt Nam năm nay trên 6% với động lực đầu tư công, xuất khẩu, thu hút dòng vốn FDI. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh, không bị trì trệ như năm 2023.

Ông Hiển chia sẻ, tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm nhưng đã phục hồi vào tháng 3 và 4. Dòng tiền từ ngân hàng đã chảy vào doanh nghiệp, đầu tiên là xuất khẩu, sau đó đến tiêu dùng và vào khu vực người dân khi họ tăng việc làm, tăng thu nhập và tăng tiêu dùng. “Tôi dự đoán dòng tiền sản xuất, tiêu dùng sẽ mạnh lên rõ rệt vào quý III”.

Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp bất động sản phải xử lý vấn đề nợ trái phiếu đến hạn khoảng 382.000 tỷ đồng trong năm 2024. Số tiền này sẽ được xử lý kỹ thuật giữa công ty bất động sản với trái chủ, làm cho dòng tiền đầu tư không mạnh nhưng cũng không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, ngân hàng hay dòng tiền sản xuất kinh doanh. Điều này chỉ làm cản trở dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư sẽ gặp khó khăn từ nợ xấu của ngân hàng - đã tăng cao nhất trong 5 năm trở lại. Theo chuyên gia, đây là sự tích lũy nhiều năm, từ năm 2020 và các ngân hàng vẫn tiếp tục đổ vốn vào thị trường bất động qua nhiều hình thức, khi thị trường gặp khó khăn thì nợ xấu xuất hiện. Điều này đã xảy ra ở giai đoạn 2010 – 2012 và bây giờ tiếp tục lặp lại với quy mô lớn.

“Chính phủ cũng như NHNN đang tập trung xử lý và vấn đề đã được kiểm soát. Nhưng kiểm soát để giữ hệ thống ngân hàng được an toàn chứ không thể giúp dòng tiền được đưa ra mạnh để đầu tư”, ông Hiển nói.

Cuối năm 2023, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản cho thấy doanh thu trên hàng tồn kho đều giảm thấp nhất 5 năm trở lại, làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn và tất nhiên cản trở dòng tiền đầu tư rất nhiều.

Một điểm nữa là nguồn cung tiền của Chính phủ cũng trở nên thận trọng hơn. Khi cung tiền để phát triển kinh tế thì có thể chấp nhận góc độ nào đó về lạm phát nhưng Chính phủ sẽ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, nghĩa là không thể đánh đổi tăng trưởng kinh tế với lạm phát. Giá vàng và tỷ giá tăng rất mạnh tác động tâm lý đến việc cung tiền.

Tóm lại, ông Hiển cho rằng dòng tiền còn khó khăn trong quý I và II khi doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, tiêu dùng hạn chế do việc làm chưa phục hồi và nhóm trung lưu phải giải quyết nợ vay bất động sản. Kể từ quý III dòng tiền dần cả thiện hơn nhờ xuất khẩu từng bước phục hồi, tạo việc làm và tiêu dùng; đầu tư công và cung tiền của Chính phủ cải thiện tạo dòng tiền mới; niềm tin tiêu dùng dần phục hồi giúp thương mại dịch vụ tăng.

“Tôi cho rằng dòng tiền sản xuất kinh doanh sẽ có triển vọng rất tốt vào quý III và IV. Dòng tiền đầu tư bất động sản không thể đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư nhưng dòng tiền đầu tư chứng khoán sẽ có sự tích cực vào cuối quý II. Đặc biệt, tháng 5 và 6 chúng ta sẽ thấy có một dòng tiền trở vào lại thị trường chứng khoán, thể hiện đi trước một bước của thị trường khi phản ánh bức tranh nền kinh tế”, ông Hiển nhận định.

Tường Như

Link gốc

https://nhadautu.vn/dong-tien-vao-thi-truong-chung-khoan-se-tich-cuc-tu-cuoi-quy-ii-d85520.html