Kế toán là ngôn ngữ của kinh doanh. Khi chúng ta hiểu được ngôn ngữ này thì sẽ thấy câu chuyện kinh doanh biến động qua các kỳ công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, nó còn giúp chúng ta thấy được tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Làng đầu tư sẽ dùng CTD để làm ví dụ minh họa.
Chú thích: Kể từ ngày 1/7/2023, năm tài chính của CTD có sự thay đổi, bắt đầu từ 1/7 và kết thúc 30/6 năm sau.
1. Hiệu quả kinh doanh
1.1 Doanh thu thuần (DTT)
DTT tăng mạnh trong giai đoạn 2015 – 2018 nhờ thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Năm 2014, Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực, nhiều dự án BĐS quy mô lớn được triển khai. Với vị thế top đầu trong ngành xây dựng, CTD có thêm nhiều hợp đồng ký mới. Đặc biệt trong năm 2016, CTD đã chiến thắng nhiều nhà thầu quốc tế để giành quyền thi công dự án The Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam tại TP. HCM.
Bước sang giai đoạn 2019, nội bộ CTD diễn ra mâu thuẫn giữa Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và nhóm cổ đông Kusto. Nguyên nhân chính của mâu thuẫn xuất phát từ lo ngại về xung đột lợi ích giữa CTD và các công ty liên kết như Ricons và Unicons. Kusto cho rằng các công ty này là “sân sau” của ban lãnh đạo CTD, vừa là nhà thầu phụ cũng vừa là đối thủ cạnh tranh trực tiếp dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn diễn ra vào tháng 6/2020, khi Kusto yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông bất thường nhằm bãi nhiệm ông Nguyễn Bá Dương và các thành viên ban lãnh đạo chủ chốt khác. Kusto cũng đề xuất tiến hành kiểm toán đặc biệt để làm rõ các vấn đề liên quan đến xung đợt lợi ích và giao dịch với các bên liên quan.
Mâu thuẫn này kéo dài và dẫn đến việc ông Nguyễn Bá Dương từ chức chủ tịch HĐQT vào tháng 10/2020, chấm dứt hơn 17 năm lãnh đạo công ty.
Trong giai đoạn 2020 – 2022 dưới tác động của đại dịch Covid, khủng hoảng trái phiếu khiến CTD phải trích lập dự phòng mạnh tay, cũng như dàn lãnh đạo cấp cao rời bỏ công ty khiến cả doanh thu và lãi ròng giảm mạnh, thậm chí có nhiều quý bị lỗ.
Từ năm 2024 trở lại đây, kết quả kinh doanh có sự cải thiện rõ rệt nhờ những chiến lược mới dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Bolat Duisenov như:
-
Tỷ lệ thắng thầu cải thiện mạnh từ 20% - 30% trước năm tài chính 2024 lên 58% trong năm 2024 nhờ chiến lược repeat sales (các dự án trúng thầu từ khách hàng cũ hoặc được chỉ định bởi các chủ đầu tư mà CTD đã phục vụ trước đó). Tỷ trọng doanh số dự án “repeat sales”/ Tổng số dự án trúng thầu tới Q2.25 chiếm 70%.
-
Chiến lược đa dạng hóa: Mảng xây dựng công nghiệp – nhà máy đóng góp 50% tổng doanh thu hoạt động xây dựng trong năm 2024. Phần lớn khách hàng này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trước năm 2024, DTT của CTD chủ yếu đến từ mảng xây dựng dân dụng, chiếm 70% - 80% cơ cấu doanh thu hoạt động xây dựng. Nhà máy LEGO Vietnam của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tại Bình Dương được xem là bước ngoặt đánh dấu năng lực cạnh tranh vượt trội của CTD khi đấu thầu các dự án FDI. (Báo cáo thường niên 2024).
Trong Q2.25, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh chủ yếu do CTD tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho khoảng 72 tỷ làm tăng giá vốn. Do đây là khoản gia tăng không thường xuyên nên Làng đầu tư cho rằng không có nhiều rủi ro trích lập lớn trong các quý tới.
2. Cấu trúc lợi nhuận trước thuế
2.1 Lợi nhuận cốt lõi
Lợi nhuận cốt lõi = Lợi nhuận gộp – Chi phí bán hàng – Chi phí quản lý doanh nghiệp.
Lợi nhuận cốt lõi tăng mạnh từ Q1.25 nhờ doanh nghiệp bắt đầu hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi (giúp giảm chi phí quản lý doanh nghiệp).
Khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã có xu hướng giảm nhẹ trong 2 quý gần đây. Điều này giúp CTD giảm áp lực gia tăng chi phí quản lý doanh nghiệp vì được hoàn nhập dự phòng.
2.2 Lợi nhuận tài chính
Lợi nhuận tài chính = Doanh thu tài chính – Chi phí tài chính.
Lợi nhuận tài chính của doanh nghiệp luôn duy trì dương. Do doanh nghiệp duy trì lượng tiền lớn 4,400 tỷ đồng, trong đó với gần 2,500 tỷ đồng tiền và tương đương tiền và hơn 1,900 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó nợ vay trả lãi chỉ hơn 2,600 tỷ đồng. Như vậy Lượng tiền ròng = Lượng tiền – Nợ vay trả lãi = 1,800 tỷ đồng.
2.3 Lợi nhuận khác
Lợi nhuận khác = Doanh thu khác – Chi phí khác.
Lợi nhuận khác của doanh nghiệp cao đột biến trong Q3.24 do lãi từ hoạt động mua rẻ, sau khi sáp nhập Cty TNHH Cơ và Điện Việt Nam (UGVN) đem lại lãi 58.4 tỷ đồng.
Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Singapore, hoạt động trong lĩnh vực cơ điện tại Việt Nam. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, công ty chuyên thi công và lắp đặt các hệ thống (điều hòa không khí, điện, phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước). CTD đã mua 100% vốn cty nhằm hoàn thiện hệ sinh thái của Coteccons trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là mở rộng sang mảng cơ điện (M&E). Điều này giúp Coteccons tăng cường năng lực thi công trong việc triển khai các dự án xây dựng phức hợp, cung cấp dịch vụ toàn diện hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh trong các dự án yêu cầu tích hợp cao về cơ điện.
Còn tiếp…
(Ban dữ liệu Làng đầu tư)