Dù doanh thu tăng, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG ) giảm khoảng 6,2% trong 3 tháng đầu năm 2024.
Quý 1/2024, doanh thu của Đạt Phương đạt 425,7 tỷ đồng, tăng 35 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,9% so với cùng kỳ. Dù vậy, giá vốn tăng mạnh khiến lãi gộp ghi nhận ở mức 123,6 tỷ đồng, giảm 17,8% so với quý 1/2023.
Khép lại 3 tháng đầu năm, Đạt Phương lãi 77,8 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty mới hoàn thành 9,3% doanh thu và 22,6% lợi nhuận so với kế hoạch đề ra tại ĐHCĐ thường niên 2024.
Tổng tài sản của Tập đoàn tại 31/3/2024 ở mức 6.456 tỷ đồng, giảm hơn 230 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng, chủ yếu do tài sản ngắn hạn giảm mạnh. Trong đó, tiền và tương đương ‘bốc hơi’ 415 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm từ 219,6 tỷ đồng xuống còn 76 tỷ đồng.
Đạt Phương giảm lãi trong quý 1/2024
Ở chiều ngược lại, điều đáng ngại là hàng tồn kho lại tăng từ 1.144,7 tỷ đồng lên 1.286,5 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng gần 180 tỷ đồng lên hơn 1.052,5 tỷ đồng. Điều này đặt dấu hỏi về chất lượng tài sản của Công ty.
Trong cơ cấu vốn, nợ phải trả đã giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vẫn đang hơn 4.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Nợ vay hiện còn khoảng 2.330 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm 1.437 tỷ đồng. Tại 31/3/2024, Công ty có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 1.117 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng và Công ty vẫn báo lãi khá ổn định trong quý đầu năm, điểm tối là dòng tiền kinh doanh bị âm đến 497,6 tỷ đồng (cùng kỳ âm 473,4 tỷ đồng). Trong kỳ, Công ty trả nợ gốc vay được hơn 434,9 tỷ đồng, và cũng vay thêm hơn 225,6 tỷ đồng. Dòng tiền thuần trong kỳ ở mức âm 175,8 tỷ đồng.
Lượng tiền cuối quý đầu năm của Công ty vẫn rất dồi dào, hơn 1.017,9 tỷ đồng. Trong đó, Công ty có ‘của để dành’ là hơn 1.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, gồm 396,7 tỷ đồng gửi không kỳ hạn và 619,6 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng.
Tại 31/3/2024, Đạt Phương đang nắm giữ 16.450 cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (khoảng 860 triệu đồng), và nắm giữ trái phiếu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam giá trị hơn 12,2 tỷ đồng.
Chủ nợ của Đạt Phương gồm những ai?
Trong khối nợ vay 2.330 tỷ đồng của Đạt Phương, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm phần lớn. Trong ngắn hạn, 3 chủ nợ lớn nhất gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Nam Thăng Long (263,2 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long (239,5 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thăng Long (101,7 tỷ đồng).
Ngoài ra trong ngắn hạn, Đạt Phương còn lô trái phiếu thường đến hạn trả với giá trị 200 tỷ đồng. Đây là số trái phiếu nằm trong lô trái phiếu không chuyển đổi kỳ hạn 3 năm, mệnh giá 100 triệu đồng phát hành tháng 10/2021, tổng mệnh giá phát hành 300 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được cung cấp cho Công ty CP Đạt Phương Hội An để thực hiện Dự án Khu đô thị Cồn Tiến. Trong năm 2022, Đạt Phương đã mua lại trước hạn 1.000 trái phiếu với tổng giá trị 100 tỷ đồng.
Vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm phần lớn nợ vay của Đạt Phương
Về dài hạn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long đang là chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Đạt Phương, với khoản vay hơn 1.066,2 tỷ đồng. Đây là khoản vay có thời hạn 60 tháng, lãi suất thả nổi, thế chấp bằng tài sản hình thành từ khoản vay (máy móc, thiết bị).
Đạt Phương cũng đang có khoản vay hơn 265,1 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Nam Thăng Long, để thanh toán chi phí đầu tư Khu đô thị dịch vụ Cồn Tiến (công ty con là Công ty CP Đạt Phương Hội An thực hiện), thời hạn vay 60 tháng. Khoản vay này nằm trong hợp đồng tín dụng có hạn mức 1.675 tỷ đồng, thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại Khu đô thị dịch vụ Cồn Tiến.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long, Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Quận 5, TP HCM cũng nằm trong danh sách các chủ nợ dài hạn của Đạt Phương.
Cao Thái