Năm 2021 và 2022 được xem là năm huy hoàng của nhiều doanh nghiệp phân bón khi doanh thu và lợi nhuận thiết lập được mốc kỷ lục mới. Thành quả này có được là nhờ giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 nhờ đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu gặp thuận lợi.
Sang năm 2023, khi giá phân bón điều chỉnh giảm trở lại, trong khi chi phí đầu vào vẫn neo cao khiến ngành phân bón đối mặt với bức tranh kinh doanh kém khả quan. Cụ thể DPM có kết quả kinh doanh thấp nhất trong 4 năm gần nhất, trong khi đó DCM lãi ròng giảm 75% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bước sang năm 2024 giá phân bón thế giới đã có nhiều khởi sắc nhờ tiêu thụ phân bón tại Ấn Độ tăng và giá ure ở mức nền thấp.
Trong quý I/2024, giá ure thế giới đã xác định rõ hơn xu hướng tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu bắt đầu nhập vào nhiều hơn cũng như có thông tin đầy đủ hơn về giá nông sản thế giới.
Bên cạnh ure, giá phân bón tổng hợp DAP và MAP được dự báo sẽ cao hơn dự kiến trước đây, mặc dù có mức độ biến động lớn hơn trong những tháng đầu năm 2024 do lệnh hạn chế xuất khẩu mới nhất của Trung Quốc và Nga để bảo vệ thị trường nội địa. Ngoài Nga và Trung Quốc, Chính phủ Ai Cập quyết định kéo dài vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn cung ure toàn cầu, đặt biệt đối với khu vực EU.
Diễn biến giá ure (đồng/kg) tại thị trường trong nước thời gian qua
Lợi nhuận ngành phân bón được dự báo tăng mạnh trong năm 2024-2025 nhờ phục hồi kinh tế, nguồn cung hạn chế và một số dấu hiệu đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm. Ước tính lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Vậy đâu là những cổ phiếu phân bón lựa chọn đầu tư cho các tháng tiếp theo. Anh Chị NĐT hãy cùng NgotMienTay đi qua hết bài viết này.
I. Tổng quan về cổ phiếu phân bón
Cổ phiếu phân bón là cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón. Giá cổ phiếu phân bón phụ thuộc vào một số yếu tố như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu phân bón, giá nguyên liệu đầu vào, tình hình thị trường nông sản, tình hình kinh tế toàn cầu, các yếu tố địa chính trị, an ninh lương thực thực phẩm, tỷ giá,…
Với nền kinh tế nông nghiệp, nhu cầu phân bón trong sản xuất lớn, do đó phân bón được xem là ngành trọng điểm tại Việt Nam. Những năm gần đây sản xuất phân bón không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, mà còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới như Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar, Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan… Vì vậy, ngành phân bón không những góp phần phát triển nông nghiệp mà còn giúp ổn định mùa vụ, đảm bản an ninh lương thực quốc gia, ổn định an ninh xã hội,…
II. Đặt điểm cổ phiếu ngành phân bón
1. Thuộc nhóm cổ phiếu phòng thủ
Từ trước đến nay, nông nghiệp luôn là ngành kinh tế cốt lõi của Việt Nam, là một trụ chính trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Phân bón là nguyên liệu không thể thiếu trong nông nghiệp, vậy nên nhu cầu phân bón tại Việt Nam tương đối ổn định, hoạt động của các công ty phân bón ít bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường. Do đó, cổ phiếu ngành phân bón ổn định, được xếp vào nhóm cổ phiếu phòng thủ, nghĩa là cổ phiếu này sẽ mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận ổn định ngay cả khi thị trường đang biến động.
2. Phụ thuộc nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào
Quá trình sản xuất phân bón phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào như điện, khí, kali, ure, lưu huỳnh, apatit, ammoniac,… Vì vậy, khi giá những nguyên liệu này biến động, giá phân bón cũng biến động, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của các công ty sản xuất phân bón. Chẳng hạn, khi giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất sẽ tăng, lợi nhuận kinh doanh giảm, giá cổ phiếu phân bón cũng có thể bị ảnh hưởng.
3. Phụ thuộc vào nhu cầu phân bón trong nông nghiệp
Nguồn tiêu thụ phân bón trọng yếu đến từ canh tác nông nghiệp nên ngành phân bón phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu phân bón trong nông nghiệp. Mặt khác, nông nghiệp mang tính mùa vụ và bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Khi thời tiết thuận lợi, canh tác tốt, nhu cầu phân bón tăng cao, giá cổ phiếu phân bón tăng và ngược lại.
4. Ảnh hưởng bởi tỷ giá, biến động đia chính trị
Tỷ giá hối đoái và tình hình chính trị – xã hội là 2 yếu tố tác động tới hoạt động xuất khẩu, nguyên liệu đầu vào của ngành phân bón. Cụ thể, tỷ giá hối đoái ảnh hưởng trực tiếp đến giá xuất khẩu phân bón và lợi nhuận kinh doanh. Tình hình chính trị có thể ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu, chi phí vận chuyển, số lượng khách hàng, đơn hàng,… từ đó cũng gián tiếp tác động tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón.
Chẳng hạn, xung đột Nga – Ukraine khiến giá thực phẩm ở những khu vực chịu ảnh hưởng tăng cao, sản lượng phân bón giảm, buộc họ phải tìm đối tác nhập khẩu. Các doanh nghiệp phân bón Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội này để xuất khẩu phân bón với giá tốt, ngành phân bón phát triển hơn.
5. Công nghệ sản xuất
Ngành xản xuất nông nghiệp đang có xu hướng chuyển hóa nhanh từ sử dụng phân bón vô cơ có nguồn gốc hóa học sang hữu cơ thân thiện với môi trường nên ngành phân bón cũng cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu này. Nhiều doanh nghiệp phân bón tại Việt Nam đã đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón hữu cơ, đón đầu xu hướng, mở ra tiềm năng phát triển lớn trong tương lai. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp giá cổ phiếu ổn định và tăng trưởng.
III. Triển vọng ngành phân bón trong năm 2024-2025
-
Từ đầu năm 2024 giá ure thế giới đã khởi sắc trở lại sau khi tạo đáy trong Quý 2/2023 trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới tiếp tục bị siết chặc khi Trung Quốc và Nga cùng hạn chế xuất khẩu.
-
Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.
-
Ấn Độ, nước nhập khẩu phân bón ure lớn của thế giới đang chuẩn bị mở thầu mua mới từ 500.000 tấn đến 1 triệu tấn vào quý 1, đang có kế hoạch mở thầu mua tiếp trong năm nay.
-
Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) và NUE dự báo, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay tăng khoảng 1.8%-2%, chủ yếu nhờ nhu cầu phân bón tăng ổn định 5 - 7% tại khu vực Nam Á và Mỹ Latinh.
Dự báo tăng trưởng tiêu thụ phân bón toàn cầu -
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Argus, nhu cầu phân ure ở Mỹ, Châu Âu, Australia và Đông Nam Á đang tăng lên trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, chính là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến giá ure còn leo thang trong năm nay.
-
Xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas chưa thấy điểm dừng. Hạn hán ở Panama và các cuộc tấn công của Houthi ở biển Đỏ khiến hai tuyến vận tải biển huyết mạch bị tắc nghẽn, việc giao hàng bị kéo dài và đẩy chi phí vận tải, bảo hiểm, giá thuê container tăng cao kéo theo giá phân bón.
-
Nếu xung đột Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn cung urê trong khu vực đó. Đây là cơ hội cho những quốc gia xuất khẩu urê khác, trong đó có Việt Nam
-
Giá các loại nông sản, đặc biệt là gạo xuất khẩu đang được giá đã giúp người dân trong nước tăng mạnh sản lượng sản xuất. Nhu cầu sử dụng phân bón theo đó cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
-
Năm 2024 này, nông sản Việt tiếp tục gặt hái nhiều thành quả khi Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia Trung Đông ưa chuộng nông sản Việt.
-
Ảnh hưởng của El Nino dự báo sẽ khiến nguồn cung lương thực thế giới giảm sút và đây là cơ hội cho các mặt hàng nông sản Việt Nam mở rộng thị trường.
-
Nhiều khả năng thuế VAT đối với mặt hàng phân bón có thể tăng lên 5%. Nếu được thông qua, các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón có thể khấu trừ VAT vào chi phí sản xuất, bán hàng giúp biên lợi nhuận gia tăng mạnh, cạnh tranh được với các doanh nghiệp nhập khẩu.
-
Các doanh nghiệp phân bón tích cực chuyển đổi để bắt nhịp với xu hướng phát triển xanh của thế giới. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp từ 2017 đến tháng 6/2022 tăng từ 6,3% lên 23%, mục tiêu đạt 25% trong 2025. Với định hướng này, những doanh nghiệp phân bón chuyển đổi sản xuất sản phẩm hữu cơ sẽ có lợi khi phát triển trong dài hạn.
-
Một số doanh nghiệp phân bón tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng từ cuối năm 2024 khi giá phân bón tăng trở lại (năm 2023 giảm mạnh), nhu cầu trồng trọt tăng, giá các nhiên liệu và nguyên liệu sản xuất giảm. Ước tính mức lợi nhuận tăng trưởng của các công ty phân bón ở Việt Nam sẽ tăng 40% trong năm 2024.
Tỷ lệ tăng giá của một số cổ phiếu phân bón từ đầu năm đến 3/6/2024.
Như vậy có thể thấy, ngành phân bón có tiềm năng lớn trong 2-3 năm tới và là nhóm cổ phiếu cho khả năng sinh lời cao trong dài hạn. Vậy đâu là những cổ phiếu A/C Nhà đầu tư ưu tiên quan tâm ở thời điểm này?
IV. Cổ phiếu khuyến nghị
1. DPM – Cty phân bón hóa chất và dầu khí
Sàn niêm yết: HoSE
Khối lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành: 391,334,260.
Vốn hoá thị trường: 13,481.5 tỷ đồng.
Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất: 5,1tr cổ.
Tính đến hết 2023, DPM đã xuất khẩu sang 18 quốc giá trên thế giới, phần lớn là các nước ở ĐNÁ, châu Á, Mỹ La Tinh. Nhiều nhất là thị trường Campuchia chiếm 38%, kế đến là Hàn Quốc, Maylaysia, Brunei,… Mục tiêu năm 2024 tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới, bao gồm New Zealand và Australia – 2 thị trường nổi tiếng khắt khe về chất lượng phân bón nhập khẩu.
Kết quả kinh doanh quý đầu năm 2024
Trong cả năm 2023, toàn ngành phân bón tăng 39% vượt trội gấp nhiều lần so với mức tăng 8% của chỉ số VN-Index. Các cổ phiếu tăng ấn tượng có thể kể đến như LAS tăng 95%; BFC tăng 68%; DCM tăng 34%. Ngược lại DPM là cổ phiếu duy nhất giảm giá 4%.
Tuy nhiên bước sang năm 2024, DPM đã có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét. Cụ thể trong quý 1/2024, DPM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.159 tỷ đồng, tăng 19% svck. Lãi sau thuế ghi nhận hơn 276 tỷ đồng, tăng 46,4% svck. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng được cải thiện từ 16% trong quý 1/2023 lên 18,2% trong quý 1/2024. Với kết quả trên DPM đã hoàn thành 45% kế hoạch năm 2024.
Kế hoạch kinh doanh của DPM trong năm 2024.
Triển vọng cho cả năm 2024-2025
Giá cổ phiếu đã tăng mạnh hơn 20% sau khi DN công bố KQKD Q1/2024 tích cực trở lại. Dự kiến tăng trưởng lợi nhuận của DPM năm 2024 sẽ không cao so với mức nền năm 2022, tuy các diễn biến về hồi phục trong nhu cầu tiêu thụ, giá urê tăng và các biến động trên thế giới diễn ra phức tạp,… DPM được dự báo KQKD sẽ cải thiện mạnh mẽ trong năm 2024-2025 nhờ:
Giá phân bón Urê phục hồi: Giá Urê trong nước trong tháng 3/2024 trung bình 10,550 đồng/kg tăng 5% so với tháng 12/2023, trong khi đó giá Urê thế giới hiện tại đã tăng lên trên mức 350 USD/tấn, tăng hơn 16% so với mức thấp cuối năm trước. Đạm Phú Mỹ hiện là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu mảng Ure cả nước với 46% thị phần.
Nhu cầu phân bón tăng nhẹ: Theo IFA tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón có xu hướng tăng nhẹ 1.2% trong năm 2024, chủ yếu nhờ khu vực Nam Á và Mỹ Latinh tăng ổn định 5 – 7%/năm trong giai đoạn 2024 – 2027.
Giá khí đầu vào hạ nhiệt: Theo IRI dự báo khí hậu El Nino bắt đầu suy yếu từ Q2/2024 hỗ trợ huy động nguồn điện giá rẻ từ thuỷ điện, các nhà máy phân bón cũng giảm huy động từ nguồn điện khí. Điều này sẽ giảm mức độ cạnh tranh về giá khí cho DPM khi chủ yếu sử dụng nguồn khí trong nước.
Sản xuất ổn định sau bảo dưỡng: Trong năm 2023 DPM đã trải qua đợt bảo dưỡng tổng thể trong 26 ngày và 10 ngày khắc phục sự cố thiết bị ở phân xưởng NH3 dẫn đến sản lượng Urê, NH3, NPK sụt giảm lần lượt 11%, 26%, 23% so với cùng kỳ. Sau bảo dưỡng và khắc phục sự cố nhà máy đã hoạt động bình thường. Dự kiến sản lượng sẽ ổn định trở lại trong năm 2024.
Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure: Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ 3 thế giới (chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu). Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure bằng cách thắt chặt kiểm tra pháp lý để đảm bảo nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó Agromonitor cho biết ngoài Sino-Agri thì hai công ty nhà nước còn lại là Sino-Chem và Blue-Chem đã ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới trong từ quý 4/2023.
Nga tiếp tục gia hạn hạn ngạch xuất khẩu: Nga hiện là quốc gia xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 14% sản lượng xuất khẩu toàn cầu, Nga tiếp tục chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân đạm trong 6 tháng. Ngày 1/10/2023, Nga bắt đầu áp dụng thuế xuất khẩu linh hoạt gắn với tỷ giá đồng Ruble với nhiều loại hàng hóa, mức thuế áp dụng với mặt hàng phân bón có thể lên tới 10% và duy trì đến cuối năm 2024 để bảo vệ thị trường nội địa.
Sản xuất ure ở EU dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp: Do giá thành sản xuất urê ở khu vực này vẫn ở mức 380-390 USD/tấn, cao hơn nhiều so với chi phí nhập khẩu urê từ Ai Cập. Do đó, công suất urê ở khu vực châu Âu vẫn sẽ chưa được cải thiện mặc dù giá khí ở châu Âu đã hạ nhiệt. Nhà máy sản xuất ở Malaysia, Brunei và Indonesia đang trong quá trình bảo dưỡng. Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.
Dư thừa nguồn cung ure được cải thiện: Sản lượng tiêu thụ khí tự nhiên toàn cầu dược cho là tăng 2,5% so với năm 2023 trong đó Mỹ tăng 4,3% do mùa đông ở Mỹ dự kiến lạnh hơn trong năm 2024. Các nhà máy LNG xây mới ở nước này cũng chậm tiến độ khiến nguồn cung khí bị hạn chế. Các yếu tố này được dự báo thúc đẩy giá khí tự nhiên tiếp tục neo cao đặt biệt ở khu vực châu Âu khiến các nhà sản xuất ure phải giới hạn công suất do biên lợi nhuận suy giảm, qua đó giảm thiểu tình trạng dư thừa nguồn cung ure toàn cầu.
Nhu cầu trồng trọt toàn cầu tăng trưởng: Các yếu tố như bất ổn địa chính trị, điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng trưởng ổn định đã khiến giá của các mặt hàng nông sản chủ đạo gồm lúa gạo, lúa mì và ngô trong năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao so với trung bình 10 năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ cho các mặt hàng trên cũng đang duy trì thấp hơn mức trung bình 7 năm, nghĩa là nguồn cung lúa gạo, lúa mì và ngô đang ở trong trạng thái thắt chặt nếu so sánh tương quan với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Chất lượng tài sản: Trái ngược với kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán chính là điểm sáng trong bức tranh tài chính của DPM trong năm 2023. Lượng tồn kho của DPM tăng đột biến 40% yoy lên 3,871 tỷ VND trong năm 2022 do giá phân bón neo ở mức quá cao, khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu gần như biến mất. Cuối năm 2023, lượng tồn kho đã giảm 51% yoy xuống mức 1,911 tỷ VND, giúp đưa số ngày tồn kho về mức cân bằng. Cũng trong khoảng thời gian này, DPM đã trả hết nợ gốc vay ngắn và dài hạn, từ đó giúp giảm thiểu gánh nặng lãi vay trong tương lai.
Trả cổ tức: Với cơ cấu không nợ vay, cộng với lượng tiền mặt 6,627 tỷ và dự báo nhu cầu đầu tư ở mức tối thiểu, DPM sẽ có khả năng chi trả lượng cổ tức bền vững vào khoảng 2,000-2,500 VND/cổ phiếu, tương đương với mức lợi suất cổ tức khoảng 6-7%.
Khuyến nghị MUA cổ phiếu DPM và giữ cho 3 quý tới. Giá mục tiêu 48-52.
2. DCM – Cty phân bón dầu khí Cà Mau
DCM là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân bón và hoá chất, chiếm đến 60% thị phần phân bón cả nước. Sở hữu nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn Ure/năm và nhà máy NPK Cà Mau có công suất 300.000 tấn/năm. Ngoài ra, DCM đã đẩy mạnh xuất khẩu trên 18 quốc gia, sản lượng xuất khẩu 2023 đạt 344 nghìn tấn, chiếm 26% tổng sản lượng tiêu thụ, trong đó Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của DCM.
Sàn niêm yết: HoSE
Khối lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành: 529,400,000.
Vốn hoá thị trường: 20,778.95 tỷ đồng.
Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất: 5,4tr cổ.
Kết quả kinh doanh quý đầu năm 2024
Trong năm năm 2023, DCM ghi nhận tổng doanh thu 13.172 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế 1.110 tỷ đồng, bằng 26% so với mức nền cao kỷ lục của năm 2022 nhưng Cty vẫn vượt 21% kế hoạch năm 2023.
Kết thúc quý 1/2024, DCM ghi nhận doanh thu đạt 2.885 tỷ đồng tăng 2% svck nhưng lãi ròng tăng hơn 51%, đạt 346 tỷ đồng chủ yếu do đóng góp tích cực từ mảng ure khi sản lượng xuất khẩu tăng và nhà máy ure hết khấu hao từ Q4/2023. So với kế hoạch đề ra tại ĐHCĐ 2024, doanh nghiệp đã hoàn thành 24% mục tiêu doanh thu và 44% lợi nhuận cả năm.
Diễn biến giá ure trong nước và thế giới
Triển vọng cho cả năm 2024-2025
Trong giai đoạn 2024-2025, DCM được kỳ vọng sẽ có nhiều động lực tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận ròng nhờ:
Mảng NPK: Công suất tăng thêm 120% thông qua thâu tóm Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF). Trong tháng 5/2024, DCM đã hoàn thành giao dịch mua 100% vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF) với công suất thiết kế đạt 360 nghìn tấn NPK/năm. Với việc thâu tóm KVF, vị thế của DCM trên thị trường phân bón NPK trong nước sẽ được củng cố và nâng cao nhờ: (1) Nâng tổng công suất sản xuất NPK lên 660 nghìn tấn/năm (so với mức hiện tại: 300 nghìn tấn/năm); (2) Mở rộng thị phần tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (khu vực có nhu cầu tiêu thụ phân NPK khá cao khi có diện tích trồng cà phê và cao su lớn) tốt hơn nhờ vị trí thuận lợi của nhà máy phân bón Hàn – Việt. Dự phóng sản lượng NPK sản xuất của DCM trong giai đoạn 2024-2025 lần lượt đạt 285 nghìn tấn (+88.6% svck) và 318 nghìn tấn (+11.6% svck); sản lượng NPK tiêu thụ lần lượt đạt 257 nghìn tấn (+85.1% svck) và 286 nghìn tấn (+11.6% svck); giá NPK nội địa tăng nhẹ 1.2% so với năm 2023 khi nhu cầu ổn định trong khi nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế=> dự báo doanh thu mảng NPK của DCM trong giai đoạn 2024- 2025 tăng trưởng lần lượt 87.3% và 11.0% svck, biên lợi nhuận gộp lần lượt đạt mức 10.9% và 15.1% svck.
Nhà máy hết khấu hao: Việc nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức hết khấu hao kể từ Q4/2023 giúp chi phí khấu hao năm 2024 giảm 62.8%(bao gồm ước tính khấu hao trong năm của nhà máy mới NPK Hàn Việ) so với chi phí khấu hao năm 2023 bù đắp vào việc giá khí tăng, từ đó hỗ trợ tăng biên lợi nhuận gộp. Tác động trái chiều của việc giá khí tăng và chi phí khấu hao giảm giúp biên lợi nhuận gộp mảng ure của DCM trong năm 2024 dự báo tăng 85% svck.
Tỷ lệ mua khí bên ngoài từ Petronas giảm dần: Tỷ lệ khí mua ngoài từ Petronas trong năm 2024 dự báo giảm so với năm 2023 do thời tiết sẽ thuận lợi hơn từ quý 2/2024. Giá khí đầu vào đang được DCM tạm trích dựa trên tỷ lệ mua từ quyền nhận của PVN và mua ngoài từ Petronas là 50%-50%. Như vậy trong năm có thể DCM sẽ phải dự phòng nếu giá khí thực tế cao hơn giá khí tạm tính từ đầu năm. Như vậy, nếu lượng khí thực tế mua từ Petronas thấp hơn 50%, DCM sẽ có thể hoàn nhập một phần chi phí khí đầu vào, qua đó hỗ trợ phục hồi lợi nhuận trong các năm tới.
Đánh thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón: Theo dự thảo tại kỳ họp Quốc hội tháng 5-6/2024, mặt hàng phân bón sẽ chịu thuế VAT đầu ra 5% kể từ ngày 01/01/2025 giúp doanh nghiệp được hoàn thuế VAT đầu vào, từ đó giảm chi phí so với các năm trước đó nhờ: (1) giảm trích lập chi phí sản xuất kinh doanh=>cải biên lợi nhuận. (2) Có thể cạnh tranh tốt hơn với các mặt hàng phân bón nhập khẩu. Nếu luật thuế mới được áp dụng ước tính biên lợi nhuận gộp của DCM trong năm 2025 tăng 26 % svck. Chi phí đầu vào, chiếm khoảng 65-70% tổng chi phí sản xuất hằng năm của các DN phân bón.
Mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm: Dù chiếm giữ đến 60% thị phần phân bón của cả nước, xuất khẩu đến hơn 18 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ nhờ hoạt động xuất khẩu bứt phá trong bối cảnh công ty luôn chủ động tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường. Trong quý 1/2024, Đạm Cà Mau đã triển khai ký kết một số hợp đồng quan trọng, xuất khẩu phân bón vào các thị trường “khó tính” hàng đầu thế giới như Australia và New Zealand. Việc đẩy mạnh xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường quốc tế sẽ giúp công ty giảm rủi ro trong kinh doanh trong bối cảnh thị trường nội địa bão hòa, cạnh tranh quyết liệt ở Đông Nam Á và Châu Á khi có thêm nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động.
Đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, hạ tầng: Mới đây, Phân bón Cà Mau đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Công trình Ngũ Hoàn Trung Quốc ((Wuhuan Engineering Co., Ltd) nghiên cứu dự án nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngoài ra doanh nghiệp còn đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển 22,7 ha tại Thạch Hóa, tỉnh Long An; đầu tư vào kho nhà máy NPK Bình Định – Quy Nhơn…
Chất lượng tài sản: Cơ cấu tài sản của DCM rất an toàn, lượng tiền hiện nay mà doanh nghiêp đang nắm giữ lên đến 10.928 tỷ đồng tại ngày 31/03/2024, tương đương 69% tài sản của doanh nghiệp. Cơ cấu nguồn vốn DCM rất lành mạnh, tổng số nợ vay của doanh nghiệp chỉ là 847 tỷ, chỉ chiếm khoảng 5.5% nguồn vốn của doanh nghiệp. Cho nên, DCM không có áp lực liên quan đến lãi vay. Cty dự kiến duy trì mức cổ tức từ 2,500-3,000 đồng/cổ phiếu giai đoạn từ 2024-2028.
Khuyến nghị MUA cổ phiếu DCM và giữ cho 3 quý tới. Giá mục tiêu 50-54.
Với mong muốn đồng hành cùng cộng đồng nhà đầu tư cá nhân, NgotMienTay chia sẻ đến ACE NĐT những phân tích trên, dựa vào kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình. Mọi nhận định trên là quan điểm cá nhân để ACE NĐT tham khảo, có thêm góc nhìn.
Rất mong nhận được ngày càng nhiều ý kiến đóng góp giá trị của ACE NĐT quan tâm hoặc đồng hành cùng em tại SSI với phí giao dịch 0.15%, lãi suất margin chỉ từ 7.99%/năm.