200.000 tỷ đồng margin, 100.000 tỷ đồng nằm trong 5 triệu tài khoản chờ yếu tố để giải phóng
Tác giả Phan Hằng
25/02/2022 15:29
(ĐTCK) Cơ hội khi các cổ phiếu tốt có chiết khấu sâu đang mở ra, nhiều nhóm ngành hưởng lợi từ giá nguyên liệu hàng hoá tăng cao đã ghi nhận dòng tiền đầu cơ nhập cuộc.
Ngay trong phiên hôm qua (24/2), lực cầu bắt đáy đã xuất hiện, khi mà trước đó, một bộ phận dòng tiền lớn vẫn đang đứng chờ bên thị trường từ sau Tết tới nay. Ghi nhận phiên giao dịch hôm nay (25/2), đặc biệt phiên sáng, nhóm cổ phiếu dầu khí, lương thực thực phẩm, phân đạm,…tăng giá mạnh mẽ.
Điều này đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư khi các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, EU đối với Nga sẽ đẩy giá hàng hoá gia tăng, như xăng dầu, phân đạm…, qua đó giúp các doanh nghiệp ngành này có được biên lợi nhuận tốt hơn, đặc biệt các doanh nghiệp có sẵn tồn kho lớn.
Tuy nhiên, ngược chiều với tâm lý tích cực này, nhiều lo ngại áp lực lạm phát sẽ ngày càng gia tăng, trong đó xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của rất nhiều ngành nghề, sẽ khiến chi phí sản xuất gia tăng, biên lợi nhuận doanh nghiệp mỏng hơn, chi phí vận chuyển cũng tăng theo… Vậy diễn biến này có tác động gì tới nền kinh tế và ảnh hưởng cụ thể các ngành ra sao?
Trong chương trình Bí mật đồng tiền số thứ 9, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI cho rằng, tỷ trọng xăng dầu trong CPI không nhiều, chỉ 3%, nếu tính cả vòng ảnh hưởng thứ 2 liên quan đến đầu vào thì khoảng 10%. So với cuối tháng 1 lúc tính CPI, giá xăng dầu tăng khoảng 10%, thì ảnh hưởng đến CPI khoảng 1% thời điểm này. Nhìn ngắn hạn thì tháng 2/2021, CPI tăng khá cao, khoảng 1,5%, nên tháng 2 năm nay có cao nữa thì so với cùng kỳ thì chỉ số CPI chưa xấu lắm.
Lạm phát ở Việt Nam hơi chậm hơn so với thế giới. Năm 2021, lạm phát Việt Nam rất thấp, chỉ 1,8%, trong khi nhiều nước trên thế giới là đỉnh cao 30 năm. Sang năm 2022, chúng ta mới có thể nhìn thấy áp lực lạm phát với Việt Nam cao hơn, nhưng chú ý là trong ngắn hạn Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát tốt hơn, bởi quản lý giá trực tiếp, có danh mục quản lý giá khá dài, các mặt hàng thiết yếu.
Về lịch sử, theo ông Hưng, năm 2017 - 20218, giá xăng dầu tăng mạnh, nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, chỉ thị trường chứng khoán hơi xấu một chút.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho biết, giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành được kỳ vọng hồi phục sau dịch như du lịch, hàng không, nhất là hàng không khi giá nhiên liệu chiếm 30% giá vốn.
Về nhóm ngành hưởng lợi từ giá xăng dầu tăng, chuyên gia này cho biết, hưởng lợi ngay lập tức là trung và hạ nguồn, như BSR có tồn kho giá rẻ, biên lợi nhuận tốt hơn, GAS cũng thế hưởng lợi từ câu chuyện này. Còn PVS thượng nguồn, thì làm dự án nhiều hơn, nên ảnh hưởng trong dài hạn nhiều hơn. Tức khi giá dầu tăng dài và bền thì PVS hưởng lợi, vì nhu cầu đầu tư vào ngành cao hơn thì doanh nghiệp có nhiều việc để làm hơn.
Nhiều nhà đầu tư có cái nhìn tích cực về xu hướng của thị trường, nên những nhịp rung lắc, biến động mạnh là cơ hội mua cổ phiếu với giá rẻ hơn, nên đã giải ngân mạnh trong phiên 24/2. Xu hướng chọn cổ phiếu của nhiều nhà đầu tư năm nay là ưu tiên cơ bản tốt, có lợi nhuận tốt và kế hoạch tăng trưởng, đặc biệt nhấn mạnh câu chuyện chia thưởng, tăng vốn, có đối tác… sẽ được ưu tiên.
Tuy nhiên, ông Hưng tự nhận hơi “nhát”, nên thích cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có tăng trưởng, với các câu chuyện cơ bản, câu chuyện có thật, như trả cổ tức cao, còn trend tăng vốn chắc không còn năm nay.
Còn với ông Thuân, 200.000 tỷ đồng margin, 100.000 tỷ đồng nằm trên 5 triệu tài khoản vẫn chưa hành động, khiến thanh khoản chỉ loanh quanh hơn 20.000 tỷ đồng/phiên kể từ ra Tết đến nay và yếu tố thúc đẩy dòng tiền này sẽ dựa vào hiệu ứng của mùa đại hội cổ đông.
“Năm nay, chúng tôi dự kiến kế hoạch của doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận 20%, nhiều doanh nghiệp lập kế hoạch thấp, nên thực tế có thể kỳ vọng tăng tối thiểu 25 - 30%”, ông Thuân nói.