DRC: Cao su Đà Nẵng (DRC): Sẽ nâng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Brazil
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC) và Oceanside One Trading (Brazil) vừa ký hợp đồng xuất khẩu với mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Brazil lên mức 150 triệu USD/năm.
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) và Oceanside One Trading vừa tổ chức Lễ ký kết hợp đồng xuất khẩu lốp ô tô DRC vào thị trường Mỹ và Brazil. Buổi lễ có sự chứng kiến của ông Marco Farani - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Brazil tại Việt Nam và ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Đà Nẵng.
Oceanside One Trading hiện là doanh nghiệp hàng đầu về ngành lốp tại Brazil. Thông qua hợp đồng này, Cao su Đà Nẵng và Oceanside One Trading đặt mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Brazil từ 70 triệu USD lên 150 triệu USD/năm.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng Giám đốc Cao su Đà Nẵng, cho biết, Oceanside One Trading là doanh nghiệp đã đồng hành cùng Cao su Đà Nẵng trong hành trình 15 năm chinh phục và tăng trưởng mạnh mẽ sản lượng xuất khẩu Lốp ô tô của Cao su Đà Nẵng vào thị trường Brazil.
Brazil và Mỹ hiện là hai thị trường trọng điểm của Cao su Đà Nẵng. Trong đó, Brazil là thị trường xuất khẩu lốp Radial chính, bao gồm lốp Radial dành cho xe tải/xe bus (TBR) và xe khách (PCR). Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, với lợi thế không phải chịu thuế nhập khẩu như các đối thủ đến từ Trung Quốc, dòng sản phẩm lốp PCR của Cao su Đà Nẵng có tiềm năng tăng trưởng lớn trong thời gian tới.
Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ lốp PCR của Cao su Đà Nẵng tại thị trường Brazil cho thấy một số cải thiện sau một thời gian thử nghiệm (từ 12.000 chiếc trong quý 2/2023 lên 58.000 chiếc trong quý 4/2023). Do đó, thị trường Brazil sẽ giúp Cao su Đà Nẵng tăng công mạnh công suất hoạt động của nhà máy lốp PCR lên mức 75% - 84% trong năm nay và đạt 100% vào năm sau, theo SSI Research.
Đối với thị trường Mỹ, với việc Mỹ áp thuế chống bán phá và thuế chống trợ cấp ở mức cao đối lốp TBR xuất xứ từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2019, Cao su Đà Nẵng đã nhanh chóng gia tăng thị phần ở đây.
Hiện thị phần của Cao su Đà Nẵng tại Mỹ có tiềm năng tăng đáng kể trong thời gian tới nếu Mỹ áp thuế chống bán phá với sản phẩm lốp TBR của Thái Lan. Quyết định cuối cùng sẽ được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra vào cuối tháng 6/2024.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu TBR lớn thứ 4 sang Mỹ với thị phần 12% trong năm 2022. Hiện tại, lốp TBR của Việt Nam không phải chịu bất kỳ mức thuế nào khi bán sang Mỹ. Nếu phán quyết của DOC mang tín hiệu tích cực, Việt Nam có thể là quốc gia trực tiếp được hưởng lợi từ quyết định này. Trong đó, Cao su Đà Nẵng đang là đơn vị xuất khẩu lốp TBR Việt Nam lớn nhất vào thị trường Mỹ.
Theo Vietcombank Securities, trong trường hợp tích cực, kết quả sẽ được phản ánh vào kết quả kinh doanh của Cao su Đà Nẵng ngay từ quý 3/2024.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 1.003 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 93%, đạt 49,2 tỷ đồng. Qua đó, doanh nghiệp này hoàn thành được 9,4% mục tiêu doanh thu và 21,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.