DRC trở lại thời kỳ hoàng kim 2012, tăng trưởng từ nhà máy mới hành trình 5x


Kết quả kinh doanh Q4
Cổ phiếu hiện đã phản ánh tác động của việc giảm mạnh chi phí khấu hao, cũng như sản lượng xuất khẩu phục hồi mạnh và giá nguyên liệu thấp trong ngắn hạn. Chúng tôi tin rằng doanh thu xuất khẩu có thể ổn định ở mức hiện tại, trong khi giá nguyên liệu từ Q1/2021 có thể tăng cùng với sự phục hồi của giá cao su tự nhiên và giá dầu. Các yếu tố này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận trong thời gian tới.
DRC đã công bố kết quả kinh doanh Q4/2020 khả quan, nổi bật trong đó là doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 14,5% và 35,7% so với cùng kỳ, đạt 1,1 nghìn tỷ đồng và 136,8 tỷ đồng (cao hơn nhiều so với ước tính của chúng tôi là 90 tỷ đồng trong Q4/2020). Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3,6 nghìn tỷ đồng (-6% so với cùng kỳ) và 315 tỷ đồng (đi ngang so với năm trước), hoàn thành 84% và 112% kế hoạch của công ty mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu săm lốp.
Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 19,8%, do chi phí khấu hao giảm và giá nguyên liệu thấp (nguyên liệu chiếm 51% trong Q4/2020). Mặc dù giá cao su tự nhiên gần đây tăng lên, chi phí đầu vào cao su tự nhiên chỉ tăng 3% so với cùng kỳ, do công ty sử dụng hàng tồn kho giá rẻ. Đồng thời, DRC đã tích trữ các nguyên liệu khác với giá thấp, trong đó, chi phí đầu vào của cao su tổng hợp, hóa chất và than đen lần lượt giảm -19%, -9% và -31%. Do đó, DRC vẫn hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu giá rẻ trong Q4/2020, nhưng có thể bị ảnh hưởng từ Q1/2021 trở đi khi hàng tồn kho giá rẻ đang tăng giá dần. Ngoài ra, máy móc ở nhà máy radial giai đoạn 1 đã được khấu hao hết trong tháng 9/2020 – khiến chi phí khấu hao giảm từ 66 tỷ đồng trong Q4/2019 xuống 26 tỷ đồng trong Q4/2020. Nếu loại mức giảm chi phí khấu hao, lợi nhuận trước thuế Q4/2020 đạt khoảng 96,7 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.
Về thị trường, doanh thu xuất khẩu trong Q4/2020 tăng 30% so với cùng kỳ đạt 25 triệu USD, doanh thu nội địa đi ngang so với cùng kỳ.
Về loại sản phẩm, doanh thu từ lốp radial và bias trong Q4/2020 lần lượt tăng 22% và 11%.
• Lốp radial: Sản lượng tiêu thụ tăng 32% so với cùng kỳ, phần lớn nhờ doanh thu xuất khẩu tăng. Trong khi đó, giá bán bình quân giảm 8% so với cùng kỳ do chi phí đầu vào thấp và cạnh tranh gay gắt hơn từ các sản phẩm thay thế của Trung Quốc. Ngoài ra, tăng trưởng sản lượng tiêu thụ đối với lốp radial chủ yếu đến từ thị trường xuất khẩu, thị trường này có giá bán bình quân thường thấp hơn so với thị trường nội địa. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp đối với săm lốp radial không cải thiện, mặc dù chi phí khấu hao ở nhà máy radial giai đoạn 1 đã giảm (16,5% trong Q4/2019 so với 16,9% trong Q4/2020).
• Lốp bias: Sản lượng tiêu thụ tăng 8% so với cùng kỳ. Mặc dù chi phí nguyên liệu thấp, giá bán bình quân đối với lốp bias tăng 2,6% so với cùng kỳ, và lý giải cho sự cải thiện của tỷ suất lợi nhuận gộp từ 21,7% trong Q4/2019 lên 25,9% trong Q4/2020. Theo như trao đổi với ban lãnh đạo, các công ty sản xuất săm lốp Trung Quốc không xuất khẩu nhiều loại săm lốp bias và cạnh tranh ít gay gắt hơn so với săm lốp radial. Do đó, trong ngắn hạn DRC tăng giá bán bình quân theo đà tăng của giá cao su tự nhiên, nhưng vẫn sử dụng hàng tồn kho giá rẻ để sản xuất khiến tỷ suất lợi nhuận gộp gia tăng.
Chi phí SG&A/doanh thu tăng từ 5,5% trong Q4/2019 lên 6,2% trong Q4/2020. Chúng tôi lưu ý rằng kể từ đầu năm 2020, chi phí bán hàng tăng lên để quảng bá thương hiệu DRC ra quốc tế, giúp sản lượng tiêu thụ xuất khẩu tăng ấn tượng.

2 Likes