Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cho Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Australia tài trợ thêm 700 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án sẽ được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 6.018,1 tỷ đồng (tương đương 265,23 triệu USD), tăng gần 700 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu với tổng mức đầu tư 5.339,59 tỷ đồng (tương đương 235,328 triệu USD).
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 1.019,4 tỷ đồng; chi phí xây dựng 4.155,3 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 325,8 tỷ đồng; chi phí dự phòng 417 tỷ đồng…
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia. Trong đó, vốn vay đầu tư dự án từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) của ADB là hơn 187 triệu USD (tương đương hơn 4.249 tỷ đồng).
Dự án sẽ được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 6.018,1 tỷ đồng. Ảnh: Internet
Vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia gần 6,4 triệu USD (tương đương hơn 144 tỷ đồng) được thực hiện thông qua Chương trình Aus4transport của Bộ GTVT sử dụng để thanh toán chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, lập dự toán và hỗ trợ đấu thầu.
Chương trình kiểm soát tải trọng xe; chiến dịch nâng cao nhận thức an toàn giao thông đường bộ; bổ sung khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật Gói thầu XL07 và Gói thầu XL11.
Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 1.624 tỷ đồng (tương đương gần 71,6 USD) được dùng để thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý dự án; tư vấn đầu tư xây dựng công trình; chi phí khác và khoản dự phòng tương ứng.
Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ về thủ tục và tuân thủ các quy định hiện hành.
Được biết, Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đi qua 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 200km, có tiến độ thực hiện 5 năm (từ năm 2019 - 2024).
Dự án được xây dựng nhằm mục đích rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, giúp nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai.