Dự báo ngành cảng biển phục hồi, cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi?

, ,

Tin tức nổi bật tuần 2 – Tháng 10/2023 báo Nikkei đã có bài viết nổi bật về làn sóng FDI đầu tư vào Việt Nam.

Chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại và phân tích bài báo này:

Dự báo ngành cảng biển phục hồi, cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi?

Các dữ liệu mới nhất cho thấy, chỉ số vận tải đường biển Baltic Dry, đo lường chi phí vận chuyển hàng khô trên toàn thế giới, đang có xu hướng hồi phục trở lại kể từ đầu tháng 09/2023 và đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay, mặc dù vẫn thấp hơn 3 lần so với mức đỉnh điểm hồi đầu tháng 10/2021.

Giá cước vận tải container đường biển cũng đã giảm về mức trước dịch

Chỉ số container toàn cầu – đại diện cho giá cước vận tải container đã mất hơn 80% so với mức đỉnh hồi tháng 09/2021, quay lại mức giá gần với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

Đồng thời, chỉ số cước thuê tàu container Harpex Index kể từ khi giảm mạnh vào tháng 7/2023 đã có dấu hiện chững lại, tạo đáy và hồi phục.

Chỉ số giá cước container 40 feet từ cảng Thượng Hải (Trung Quốc) đến các cảng lớn trên toàn cầu từ tháng 10/2022 đến nay (Nguồn: Drewry)

Theo đánh giá của Yuanta Securities Vietnam (YSVN), nhiều yếu tố đang hỗ trợ giá cước vận tải và giá cước thuê tàu sẽ phục hồi từ cuối năm 2023 và trong năm 2024.

Cụ thể, giá cước đã về mức nền thấp so với giai đoạn trước đó và về ngang bằng với giai đoạn trước dịch COVID-19 nên sẽ khó giảm thêm.

Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục và lạm phát hạ nhiệt. Ngoài ra, nguồn cung tàu không tăng thêm nữa.

Tổng khối lượng hàng hoá (triệu tấn) thông qua các cảng biển tại Việt Nam (Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam, YSVN)

Tại Việt Nam, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 495,8 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2022.

Sau khi giảm tốc kể từ quý 2 – quý 3/2022, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có dấu hiệu tạo đáy trong quý 1/2023 và bắt đầu quay trở lại đà hồi phục.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu đã có dấu hiệu tạo đáy từ đầu năm và hồi phục dần những tháng gần đây.

Đồng thời, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã phục hồi tích cực. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng vốn FDI vào nước ta được dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Tất cả những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nhóm doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển, theo YSVN.

Cổ phiếu cảng biển, vận tải biển nào sẽ hưởng lợi?

Theo đánh giá của YSVN, mã cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Xếp dỡ Hải An) và mã cổ phiếu GMD của Công ty Cổ phần Gemadept (Cảng Gemadept) sẽ là hai mã cổ phiếu hưởng lợi lớn nhất từ sự phục hồi của ngành cảng biển và vận tải biển. Cụ thể…:

Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An – HAH

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HAH của Xếp dỡ Hải An kể từ đầu năm 2023 đến nay

Đối với Xếp dỡ Hải An sẽ hưởng lợi từ việc giá cước vận tải phục hồi. Doanh nghiệp này đang sở hữu đội tàu container lớn nhất Việt Nam và tiếp tục mở rộng quy mô, dự kiến nhận thêm 4 tàu container mới cỡ 1.800 TEU trong giai đoạn 2023 – 2024, nâng tổng sức chở đội tàu lên 23.000 TEU vào cuối năm 2024.

Đây sẽ là lợi thế để Xếp dỡ Hải An gia tăng thị phần, mở rộng tệp khách hàng khi thị trường sôi động trở lại, theo YSVN.

Bên cạnh đó, Xếp dỡ Hải An còn đang duy trì cơ cấu nguồn vốn lành mạnh, tổng nợ vay cuối quý 2/2023 đạt 1.171 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước và giảm 8% so với quý 1/2023. Tỷ lệ Nợ vay/Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ ở mức thấp khoảng 0,4 lần.

Mức định giá P/E, P/B của cổ phiếu HAH. (Nguồn: Fiinpro, YSVN)

Về mặt phân tích kỹ thuật, mã cổ phiếu HAH đang được giao dịch tại mức P/E 6.4x lần và P/B 1.5x lần. Theo YSVN, đây là mức khá thấp so với trung bình 3 năm trở lại đây của cổ phiếu HAH.

Công ty Cổ phần Gemadept – GMD

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu GMD của Cảng Gemadept kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đối với Cảng Gemadept, YSVN nhận định doanh nghiệp cảng biển này đang sở hữu nhiều lợi thế trong trung hạn nhờ cảng Gemalink và cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2.

Trong đó, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đã được đưa vào hoạt động từ tháng 5/2023, kì vọng sẽ nhanh chóng được lấp đầy nhờ sản lượng hàng từ cảng Nam Hải Đình Vũ chuyển sang.

Cảng Gemadept còn có thể được hưởng lợi nếu như Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT (Thông tư số 54) với đề xuất tăng giá sàn xếp dỡ container từ 10% – 20% tại các cảng biển được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Theo YSVN, Thông tư số 54 sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của Cảng Gemadept khi tất cả các cảng của doanh nghiệp này đều thuộc đối tượng áp dụng mức tăng giá sàn; đặc biệt cảng nước sâu Gemalink thuộc cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ được áp dụng mức tăng đến 20%.

Mức định giá P/E, P/B của cổ phiếu GMD. (Nguồn: Fiinpro, YSVN)

Xem thêm: “Lợi nhuận cả năm nay của Cảng Gemadept (GMD) có thể tăng 141%” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cảng Gemalink hiện là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và lọt top 19 thương cảng của thế giới có thể tiếp nhận cỡ tàu lớn nhất hiện nay (250.000 DWT). Hiện tại Cảng Gemadept đang triển khai dự án cảng Gemalink giai đoạn 2, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2025, mở ra triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn cho doanh nghiệp cảng biển này.

Cảng Gemadept hiện duy trì cơ cấu nguồn vốn lành mạnh khi tỷ lệ Nợ vay/Vốn chủ sở hữu chỉ ở mức thấp khoảng 0,2 lần; đồng thời, doanh nghiệp này nắm giữ lượng tiền và tiền gửi lên đến 2.325 tỷ đồng (tính đến cuối quý 2/2023), tương ứng với 17% tổng tài sản.

Về mặt phân tích kỹ thuật, mã cổ phiếu GMD đang được giao dịch tại mức P/E 7.9x lần – mức khá thấp so với trung bình 3 năm trở lại đây của cổ phiếu này, theo YSVN.

Góc nhìn Simplize

Nhờ việc tham gia rất nhiều các hiệp định tự do thương mại và hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo tăng trưởng cao 8 – 9%/năm cho tới 2030.

Tôi cho rằng dù tiềm năng dài hạn là có, tuy nhiên còn quá sớm để kỳ vọng ngành cảng biển sẽ diễn biến tích cực trở lại trong thời gian ngắn.

Dự báo kết quả kinh doanh HAH, Nguồn: Simplize

Dự báo kết quả kinh doanh GMD, Nguồn: Simplize

Với việc tình hình thế giới còn rất nhiều bất ổn và chính sách duy trì mặt bằng lãi suất cao ở các thị trường lớn như Mỹ, EU để kiềm chế lạm phát sẽ khiến tổng cầu chưa thể phục hồi ngay.

Rất có thể sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới thấy lại được giá cước vận tải biển tốt như đợt covid – 19.

Biểu đồ phân tích kỹ thuật, nguồn: Simplize

Trong khi đó, giá của rất nhiều cổ phiếu cảng biển như VOS, HAH đã tiệm cận lại đỉnh cũ.

Có lẽ thị trường đang kỳ vọng quá mức về giá vận tải biển sẽ phục hồi và sớm tăng trở lại.

Do đó, tôi cho rằng những cổ phiếu này không hấp dẫn để đầu tư dài hạn ở thời điểm này. Chúng ta sẽ trở lại khi ngành cảng biển có định giá hấp dẫn hơn.