Theo dự báo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, trong cao điểm mùa nắng nóng năm nay, phụ tải điện tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc tiếp tục tăng cao có thể gây áp lực rất lớn trong việc bảo đảm cung ứng điện. Ngay từ đầu năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tích cực chủ động triển khai các kịch bản cung ứng điện trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng.
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội vận hành cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Ưu tiên chống quá tải
Nghệ An luôn được xem là một trong những “chảo lửa” trong số các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Nền nhiệt độ của tỉnh này vào cao điểm Hè có thể lên tới hơn 40 độ C. Cùng với việc có bãi biển du lịch Cửa Lò, nhu cầu tiêu dùng điện tại đây luôn thường trực mối nguy quá tải.
Theo ông Bành Đức Minh, Giám đốc Điện lực Cửa Lò (thuộc Công ty Điện lực Nghệ An), đối với thời tiết khắc nghiệt ở khu vực miền biển, hạ tầng đầu tư lâu năm, xuống cấp đòi hỏi đơn vị phải đặc biệt chú ý công tác thường xuyên kiểm tra hệ thống hạ tầng lưới điện để có các giải pháp kịp thời, đảm bảo cho việc cấp điện của mùa du lịch tại địa bàn.
Bên cạnh việc kiểm tra xử lý kịp thời, Điện lực Cửa Lò cũng có các giải pháp kỹ thuật như luân chuyển, nâng công suất máy biến áp tại những khu vực non tải cũng như khu vực quá tải để đảm bảo cung cấp điện cho cho người dân. Để đảm bảo cung cấp điện cho hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn, Điện lực Cửa Lò thường xuyên phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương có các chỉ đạo, tuyên truyền đối với người dân trong việc đảm bảo việc tiết kiệm điện trong sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh vào những ngày cao điểm nắng nóng.
Ông Phan Văn Nga, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, đối với địa bàn tỉnh Nghệ An vào mùa Hè nền nhiệt bình quân thường xuyên từ 38 đến 42 độ C nên việc đảm bảo cấp điện ổn định đòi hỏi sự vào cuộc của cả ngành điện. Dự báo năm 2024 nền nhiệt mùa nắng nóng còn cao hơn; dự báo công suất phụ tải đỉnh trong mùa nắng nóng năm nay có thể đạt khoảng 1.120 MW, tăng hơn 100 MW so với con số 920 MW của năm ngoái. Riêng đợt nắng nóng trước dịp Lễ 30/4 vừa qua, công suất phụ tải trên địa bàn tỉnh đã vào khoảng 963 MW.
Do đó Công ty Điện lực Nghệ An chủ động triển khai các kế hoạch giải pháp; trong đó ưu tiên hàng đầu công tác đầu tư để chống quá tải nguồn điện. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản các công trình đầu tư của năm 2024 đã hoàn thành tới 80% và công ty đã chỉ đạo trong tháng 5 này hoàn thành 100% các công trình để đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ nhân dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Phan Văn Nga cho biết thêm.
Ghi nhận thực tế tại Nghệ An những ngày đầu tháng 5 này, thời tiết đã bắt đầu nắng nóng, đạt ngưỡng 37-38 độ C. Để phục vụ cung cấp điện cho người dân, những công nhân điện đã phải thực hiện sớm việc bảo dưỡng, thay thế đường dây, tránh tất cả nguy cơ gây ra sự cố hay quá tải trên lưới.
Không chỉ đảm nhiệm việc bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, các công nhân của Công ty Điện lực Nghệ An cũng thường xuyên kiểm tra an toàn hành lang lưới điện. Thời điểm này đang là giao mùa giông lốc xảy ra rất nhiều nên ngay từ đầu năm, các điện lực trực thuộc vào cuộc để phát quang hành lang lưới điện, đảm bảo cấp điện ổn định. Ở thời điểm nắng nóng cao điểm nhất, đơn vị đã huy động 100% công nhân vận hành, tuần tra cũng như thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát về các nguy cơ có thể xảy ra trên hành lang lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định.
Điều chỉnh nhu cầu dùng điện
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Công ty Điện lực Nghệ An đã cùng các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện mạnh mẽ điều chỉnh phụ tải điện (DR) và nhận được sự đồng thuận cao của khách hàng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 136 doanh nghiệp đang sử dụng sản lượng từ 1 triệu kWh/năm. Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan là một trong những khách hàng sử dụng điện lớn của Công ty Điện lực Nghệ An. Ông Văn Anh Hùng - Phó Trưởng phòng kỹ thuật công nghệ đầu tư công ty cho biết, giá thành đầu vào của điện chiếm tỷ trọng cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa xơ, sợi của công ty tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu đi các thị trường. Do đó việc tiết kiệm điện là một yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Để tiết kiệm điện, công ty đã phối hợp với ngành điện thực hiện điều chỉnh phụ tải. Riêng việc thay đổi khung giờ sản xuất theo định hướng dịch chuyển giờ cao điểm sử dụng điện là một cái khó của công ty vì đây là dây chuyền hoàn toàn tự động và đồng bộ từ đầu chuyền đến cuối chuyền và liên quan đến sản phẩm đầu ra. “Song chúng tôi cố gắng sắp xếp theo đơn hàng để vận hành dây chuyền đủ tải theo khung giờ sản xuất thích hợp, đồng thời chia sẻ với ngành điện trong việc tiết kiệm điện”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, công ty này cũng có những giải pháp tận dụng ánh sáng tự nhiên, điều chỉnh việc đóng cắt điều hòa; thay các loại bóng đèn neon, bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED. Đặc biệt, công ty đã đầu tư gần 50 tỷ đồng cho máy móc, công nghệ tiết kiệm điện năng. Thống kê sơ bộ, công ty tiết kiệm được hơn 20% tổng lượng điện tiêu thụ.
Theo chia sẻ của ông Lưu Nhật Vũ, Phó giám đốc Khách sạn Mường Thanh Grand Cửa Lò, mùa cao điểm du lịch Hè, lượng du khách đến lưu trú tại khách sạn rất đông, kéo theo nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao. Để thực hiện tiết kiệm điện, khách sạn đã tắt các thiết bị điện không cần thiết, giảm bớt các thiết bị điện ở hành lang, sử dụng ánh sáng cũng như gió tự nhiên.
Ngoài ra, khách sạn cũng thực hiện điều chỉnh phụ tải điện để đồng hành trong việc điều tiết, giảm áp lực cho hệ thống điện trong thời gian cao điểm, ông Lưu Nhật Vũ cho hay.
Theo ngành điện dự báo, trong tháng 5 này, nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng cao với sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 913,6 triệu kWh/ngày, tăng 12,24% so với cùng kỳ, công suất cực đại có thể lên tới 49.000 MW, riêng miền Bắc có thể lên đến 24.500 MW.
Để giảm áp lực cho hệ thống điện, ngay từ đầu năm, EVNNPC đã phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh chương trình Tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hoạt động về tiết kiệm điện; chỉ đạo doanh nghiệp lớn có kế hoạch sản xuất phù hợp hạn chế sử dụng công suất lớn vào mùa hè; vận động khách hàng ký thoả thuận Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR); tuyên truyền tiết kiệm điện.
Ông Vũ Anh Phương, Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, tổng công ty cũng đã chỉ đạo các điện lực tăng cường kiểm tra hệ thống điện, khắc phục khiếm khuyết; hoàn thành sửa chữa, chống quá tải; làm việc với các khách hàng lớn để thống nhất kế hoạch điều chỉnh phụ tải năm 2024.
Cùng đó, khuyến khích tất cả các khách hàng ký phụ lục hợp đồng mua bán điện về dịch chuyển giờ sản xuất và tiết giảm công suất khi hệ thống khó khăn trong cung ứng điện năm 2024…
Theo Đức Dũng
Báo tin tức
https://cafef.vn/du-bao-tieu-thu-dien-tang-cao-nganh-dien-chu-dong-don-dau-188240511141037593.chn