Dư địa và cơ hội lớn từ sân chơi hạ tầng điện khí LNG

Vai trò điện khí hóa lỏng được xác lập từ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và cụ thể hóa trong tổng sơ đồ điện VIII. Nhận thức sớm điều này, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng đề xuất và triển khai gấp rút các dự án liên quan trực tiếp tới điện khí LNG trên cả nước.

Sức hút của điện khí

Trước hết, cần nhắc lại quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch…; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện”.

Đây là lý do khoảng 3 năm nay, chứng kiến loạt dự án được đề xuất, cấp chủ trương tại một số địa phương. Đơn cử: nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu (công suất 3.200MW) do Delta Offshore Energy triển khai với tổng vốn khoảng 4 tỷ USD; tổ hợp điện khí LNG Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) công suất 1.600MW giai đoạn 1; Khí điện LNG Cái Mép Hạ (Bà Rịa – Vũng Tàu); hai tổ hợp điện khí LNG tại Hải Phòng (một dự án tại Tiên Lãng do Exxon Mobil đề xuất với công suất 4.500MW, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD và một dự án tại đảo Cái Tráp 1.600MW); điện khí LNG Quảng Ninh 1.500MW với tổng chi phí khoảng 47.500 tỷ đồng…

Dư địa và cơ hội lớn từ sân chơi hạ tầng điện khí LNG LNG tại khu công nghiệp Cái Mép

Trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện quốc gia, 13 dự án điện khí LNG được xác định sẽ hoàn thành giai đoạn trước 2030. Riêng năm nay sẽ hoàn thành Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4.

Đồng pha, bản quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia được phê duyệt mới đây cũng xác định tập trung triển khai đầu tư, xây dựng hạ tầng dự trữ LNG tại khu công nghiệp Cái Mép và tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP. Hải Phòng với tổng công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm.

Trong số này, riêng ba dự án là kho tiếp nhận khí LNG và tái hóa khí thiên nhiên hóa lỏng Hải Linh Vũng Tàu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kho chứa LNG 1MMTPA THị Vải tại KCN Cái Mép dự kiến hoàn thành trong năm 2023, dự án kho LNG miền Bắc tại TP. Hải Phòng công suất sức chứa 80.000 m3 sẽ hoàn thành giai đoạn 2026-2030.

Một trong các kịch bản được tính tới trong Quy hoạch điện VIII là tăng cường phát triển năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và tăng cường xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG nhập khẩu.

Kịch bản này đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt mục tiêu phát triển giai đoạn đến năm 2030 trong bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

13 dự án nhiệt điện LNG thuộc danh mục ưu tiên quan trọng của ngành điện cũng như quy hoạch điện VIII đang tìm cách đẩy nhanh triển khai để kịp tiến độ trước 2030.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, chậm nhất đến 15/7 phải lựa chọn được nhà đầu tư cho các dự án điện sử dụng khí LNG tại Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Thuận.

Đồng thời, ngay sau khi lựa chọn được nhà đầu tư phải yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ Đối với những dự án đã có chủ đầu tư, bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát vướng mắc, chủ động xử lý theo thẩm quyền, nhất là các vấn đề quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư… để triển khai các dự án.triển khai.

Tầm nhìn của Công ty TNHH Hải Linh

Một phần không tách rời khỏi các dự án nhà máy nhiệt điện khí, là hạ tầng khí hóa lỏng phục vụ trực tiếp.

Trong số các doanh nghiệp sớm nhận diện sức hút sân chơi hạ tầng điện khí, Công ty TNHH Hải Linh (công ty Hải Linh) được coi là lá cờ đầu về độ nhay nhạy, cũng như mức độ thành công ban đầu.

Doanh nghiệp (do ông Lê Văn Tám làm chủ tịch) tới nay sở hữu bộ sưu tập các dự án hạ tầng xăng dầu, kho chứa LNG từ Bắc vào Nam rất ấn tượng.

Điển hình, dự án kho tiếp nhận khí thiên nhiên hóa lỏng và tái hóa khí thiên nhiên Hải Linh Vũng Tàu quy mô 220.000m3 (giai đoạn 1 là 120.000m3) tại KCN Cái Mép có tổng trị giá khoảng 8.400 tỷ đồng (30% là vốn tự có, còn lại là vay ngân hàng trong nước). Dự án này đã được phê duyệt vào Quy hoạch phát triển công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Với diện tích đất 9ha, dự án nhằm tiếp cận LNG từ nguồn nhập khẩu và sau đó tái hóa khí để cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ khí tại khu vực miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong số các khách hàng mục tiêu của dự án, bao gồm cả các nhà máy điện, đạm trong KCN Phú Mỹ và có tính đến KCN Nhơn Trạch.

Dự án này nhận được quan tâm của Vietcombank – chi nhánh Đền Hùng và ngân hàng này cam kết sẽ cho Công ty Hải Linh vay vốn thực hiện dự án khi Công ty đáp ứng đủ các quy định cho vay hiện hành. Chủ đầu tư cho biết chỉ mất 5 năm 7 tháng là thu hồi vốn.

Công ty Hải Linh cũng đã mua lại nhà máy điện Hiệp Phước và đang tiến hành nâng cấp, cải tạo để có thể phát điện bằng nhiên liệu khí. Nhà máy điện Hiệp Phước (đầu tư theo hình thức BOO) được cấp phép đầu tư từ năm 1993 với nguồn nhiên liệu đầu vào là dầu diesel, tổng công suất 375MW và vốn đầu tư 280 triệu USD. Dừng hoạt động từ 2011, nhà máy điện Hiệp Phước được công ty Hải Linh mua lại từ đối tác Đài Loan và được lên kế hoạch xây nhà máy điện sử dụng khí quy mô 1.500-1.700MW.

Đáng chú ý, trong một diễn biến mới đây, công ty Hải Linh đã xúc tiến đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và dự kiến vận hành ngay trong đầu quý III năm nay.

Đặc biệt, dự án cảng LNG Cái Mép – cảng khí hóa lỏng thứ hai của Việt Nam sau cảng Thị Vải do PTSC dầu tư, đón nhận vai trò tham gia điều hành của nhà đầu tư Nebula Energy (Hoa Kỳ) sau khi nhận chuyển nhượng 49% cổ phần dự án này.

Ngoài ra, khoảng 4 năm trước, Công ty Hải Linh cũng đã thương thảo với Tổng công ty phát điện 3 để cung cấp nguồn khí LNG nhập khẩu cho các nhà máy đặt tại khu vực Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Doanh nghiệp này cho biết sẽ phối hợp với các đối tác nước ngoài hợp tác với EVN để cung cấp, cải tạo các nhà máy của EVN chuyển đổi công năng từ chạy dầu sang chạy khí.

Ra đời từ năm 2002, Công ty TNHH Hải Linh đến nay được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là đảm bảo cung ứng và ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hà Nam, Yên Bái, Hải Phòng…

Ở khu vực nêu trên, thị phần xăng dầu của công ty Hải Linh đã có thời điểm chiếm 20-30%, khí gas nhiên liệu chiếm tới 50%.

Linh Hải

https://thuongtruong.com.vn/news/du-dia-va-co-hoi-lon-tu-san-choi-ha-tang-dien-khi-lng-120889.html