Đừng lo lắng, hãy hài lòng về kinh tế Mỹ

Nếu nhãn giá thêm những số 0

Ảnh: Getty

Tôi cũng cảm thấy phẫn uất khi giá cả ở cửa hàng tạp hóa dường như không hợp lý. Tôi ghét việc một món nhỏ khoái khẩu có vẻ không giống tự thưởng mà kiểu như hành động dại dột về tài chính hơn. Và tôi lo lắng cho các con mình khi giá nhà hiện tại trông như số điện thoại.

Nhưng rồi tôi thở nhẹ và nhắc bản thân về góc nhìn hữu ích từ việc mình được đào tạo thành chuyên gia kinh tế. Đôi khi nó có ích nên tôi muốn chia sẻ với các bạn.

Logic kinh tế đơn giản cho thấy hạnh phúc của bạn và của tôi đều không phụ thuộc vào giá trị tuyệt đối của những con số ghi trên nhãn giá.

Để thấy điều này, hãy tưởng tượng bạn ngủ quên, nhiều năm sau tỉnh dậy và phát hiện ra rằng mọi nhãn giá đều có thêm một số 0. Một viên kẹo cao su có giá 2,5 đô la Mỹ thay vì 25 cents; cửa hàng 1 đô la Mỹ là cửa hàng 10 đô la Mỹ; và một ly cà phê có giá 50 đô. Tờ 10 đô la Mỹ trong ví của bạn bây giờ là 100 đô la Mỹ; và bản sao kê ngân hàng của bạn đã biến 800 đô la Mỹ tiết kiệm thành 8.000 đô la Mỹ.

Điều quan trọng là mức giá đáng quan tâm nhất đối với bạn tức mức lương theo giờ của bạn cũng cao gấp 10 lần.

Điều gì thực sự đã thay đổi trong thế giới mới của những nhãn giá tăng cao này? Thế giới có nhiều số 0 hơn nhưng thực sự không có gì thay đổi. Bởi vì điều thực sự quan trọng là bạn phải làm việc bao nhiêu giờ để đủ tiền mua hàng tạp hóa, một món quà nhỏ hay một ngôi nhà? Và không gì trong số những đánh đổi thật này đã thay đổi.

Tâm lý chi phối phần lớn, cho dù số liệu nói ngược lại

Câu chuyện cổ tích này – với ít phóng tác – đại khái là câu chuyện về lạm phát gần đây của nước Mỹ. Lạm phát do đại dịch gây ra không thêm số 0 vào mỗi nhãn giá, nhưng nó đã làm được điều tương tự.

Lạm phát thấp trong nhiều thập kỷ đã khiến nhiều thế hệ không được trang bị đầy đủ để đối phó khi nó quay trở lại. Trong khi những người Mỹ lớn tuổi hiểu rằng nỗi đau do lạm phát chỉ là tạm thời thì người trẻ tuổi lại không chắc chắn như vậy.

Chính các động lực lạm phát đã đẩy những mức giá này lên cao hơn song cũng đẩy tiền lương lên cao hơn 22% so với thời điểm trước đại dịch. Số liệu thống kê chính thức cho thấy những thứ mà một người Mỹ bình thường mua sắm hiện nay có giá cao hơn 20% so với cùng kỳ. Một số giá tăng nhiều hơn một chút, một số giá tăng ít hơn, nhưng tất cả đều tăng gần như song song.

Như vậy, theo số liệu trên, người lao động bình thường giờ đây có thể mua thêm 2% các thứ. Con số này nghe có vẻ không nhiều nhưng đó là tốc độ cải thiện nhanh hơn tốc độ tăng lương thực tế trung bình trong vài thập kỷ qua.

Tất nhiên, đó là mức trung bình của dân số và chúng có thể không phản ánh thực tế của mỗi người. Một số người thực sự đang gặp khó khăn. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, nhiều người cảm thấy họ đang bị tụt lại phía sau, ngay cả khi việc phân tích kỹ lưỡng các con số cho thấy họ không hề tụt hậu.

Đó là bởi vì con người (ngay cả những nhà kinh tế chuyên nghiệp) có xu hướng xử lý thông tin về sự tăng giá và tiền lương song song theo những cách hoàn toàn khác nhau. Tóm lại, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng ta có xu hướng ít lưu tâm đến những lợi ích của lạm phát nhưng lại chú ý đến những tổn thất gây ra bởi lạm phát. Những quá trình khác nhau mang lại những phản ứng cảm xúc khác nhau.

Hãy bắt đầu với mức giá cao hơn. Nhãn giá cao gây sốc và tổn thương người tiêu dùng.

Ngay cả khi là người nghiên cứu sát sao về số liệu thống kê lạm phát, tôi vẫn thường ngạc nhiên trước mức giá cao hơn. Người tiêu dùng cảm thấy không công bằng. Giá cao làm giảm khả năng chi tiêu cũng như cảm giác kiểm soát và trật tự của tôi.

Nhưng trên thực tế, giá cao hơn chỉ là hành động đầu tiên của trò chơi lạm phát. Đó là một trò chơi mà các nhà kinh tế đã từng thấy trước đây. Hết đợt này đến đợt khác, giá cả tăng vọt đã dẫn đến – hoặc đã xảy ra trước đó – một đợt tăng lương tương xứng.

Mặc dù tiền lương có xu hướng tăng song song với giá cả, nhưng chúng ta lại tự kể cho mình một câu chuyện khác, trong đó việc tăng lương mà ta nhận được không có ích gì trước việc tăng giá.

Tôi biết rằng khi mở thư đánh giá hàng năm và thấy mình được tăng lương nhiều hơn bình thường, tôi cảm thấy rất vui. Trong một khoảnh khắc, tôi tin rằng sếp đã thực sự nhìn nhận tôi và cuối cùng cũng đánh giá cao sự đóng góp của tôi.

Nhưng sau đó, bộ não kinh tế học của tôi dần nhận ra rằng tăng lương không phải là phần thưởng cho quá trình làm việc chăm chỉ mà chỉ điều chỉnh chi phí sinh hoạt.

Lờ đi lợi ích và thể hiện chi phí lạm phát sẽ bảo vệ bạn khỏi nhận thức giảm phát này. Nhưng nó cũng bóp méo cảm giác của bạn về thực tế.

Lý do khiến rất nhiều người Mỹ cảm thấy lạm phát đang cướp đi sức mua của mình là vì họ dùng những khoản tín dụng không kiếm được để bù lại phần tăng lương nhằm khôi phục sức mua đó.

Nỗi đau lạm phát chỉ tạm thời

Những người còn nhớ cuộc đại lạm phát những năm 60, 70 và đầu thập niên 80 đã trải qua nhiều chu kỳ tăng giá và tăng lương theo sau. Họ hiểu vấn đề: Lạm phát khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn một chút, nhưng bạn chỉ còn cách điều chỉnh chi phí sinh hoạt.

Nhưng những người trẻ tuổi hơn – bất kỳ ai dưới 60 tuổi – chưa bao giờ trải qua tỷ lệ lạm phát kéo dài lớn hơn 5% trong cuộc đời trưởng thành của mình. Và tôi nghĩ điều này giải thích tại sao họ lại tức giận về tình trạng lạm phát ngày nay.

Họ chưa từng xem vở kịch này trước đây nên không biết rằng khi màn 1 liên quan đến giá cả cao hơn, màn 2 thường thấy tiền lương tăng lên để bắt kịp. Nếu không biết sắp có màn 2, bạn có thể rời rạp khi đang tạm nghỉ vì nghĩ rằng mình vừa xem một chương trình về các tập đoàn lớn khai thác đại dịch để giành lấy miếng bánh kinh tế của bạn.

Bằng cách nói này, lạm phát thấp trong nhiều thập kỷ đã khiến nhiều thế hệ không được trang bị đầy đủ để đối phó khi nó quay trở lại.

Trong khi những người Mỹ lớn tuổi hiểu rằng nỗi đau do lạm phát chỉ là tạm thời thì người trẻ tuổi lại không chắc chắn như vậy. Lạm phát còn đáng sợ hơn rất nhiều khi bạn lo sợ rằng giá cả tăng ngày hôm nay sẽ vĩnh viễn làm suy yếu khả năng kiếm sống của bạn.

Có lẽ điều này giải thích tại sao lần bùng phát nhẹ lạm phát gần đây dường như đã gây nên nhiều lo lắng hơn so với các đợt lạm phát trước đó.

Là nhà kinh tế khiến tôi trở thành một người lạc quan. Các kênh truyền thông xã hội tràn ngập những tuyên bố (sai sự thật) rằng chúng ta đang trong một “cuộc suy thoái kinh tế thầm lặng”, và những người muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại đều chắc chắn rằng nước Mỹ đã từng tốt hơn rất nhiều.

Nhưng trên thực tế, nền kinh tế Mỹ năm nay lớn hơn, năng suất cao hơn và sẽ mang lại thu nhập trung bình cao hơn bất kỳ năm nào trước đó ghi nhận trong lịch sử của đất nước. Và bởi vì Mỹ là nền kinh tế lớn giàu có nhất thế giới, giờ đây có thể nói rằng người Mỹ gần như chắc chắn là một phần của xã hội lớn giàu có nhất vào đúng năm giàu có nhất trong lịch sử nhân loại.

Thu nhập của người Mỹ bình thường sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 39 năm. Và vì vậy khi các con tôi bằng tuổi tôi, thu nhập trung bình sẽ xấp xỉ gấp đôi hiện nay. Không hề lo sợ cho các con mình, tôi thèm muốn sự giàu có phi thường mà thế hệ chúng sẽ được hưởng.

Các nhà tâm lý học mô tả chứng rối loạn lo âu xảy ra khi sự hoảng loạn mà bạn cảm thấy vượt quá mức nguy hiểm mà bạn phải đối mặt. Theo định nghĩa này, chúng ta đang trong cơn lo âu về kinh tế vĩ mô.

Và vì vậy, lời khuyên của tôi với tư cách là nhà kinh tế học phản ánh những gì tôi sẽ nói khi là nhà trị liệu của bạn: Hãy vượt qua nỗi lo lắng đó và nhớ rằng điều này cũng sẽ qua.

(*) Tiến sĩ Justin Wolfers, giáo sư Đại học Michigan và dẫn chương trình “Hãy suy nghĩ như một nhà kinh tế”.

Ngọc Thanh (dịch), theo Justin Wolfers/The New York Times(*)

Link gốc

https://thesaigontimes.vn/dung-lo-lang-hay-hai-long-ve-kinh-te-my/