Pyn Elite Fund là một trong những quỹ ngoại lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản quản lý vào cuối tháng 4 lên đến 742 triệu EUR (~20.000 tỷ đồng).
Quỹ ngoại Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 4 với hiệu suất đầu tư âm 8,2% do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng và sự suy yếu của VND. Kết quả này đã chấm dứt chuỗi 5 tháng ghi nhận hiệu suất dương liên tiếp của quỹ. Trong tháng 4, VN-Index cũng có thời điểm mất đến 8,5% nhưng sau đó đã hồi phục trở lại và kết thúc tháng với mức giảm 5,8%.
Theo Pyn Elite Fund, VND đã mất giá 2,1% so với USD trong tháng 4, làm rấy lên lo ngại về việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, quỹ cho rằng mức khấu hao phù hợp với khu vực tiền tệ và phản ánh sự phục hồi gần đây của USD. Vào cuối tháng, lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng đã tăng 10-50 điểm cơ bản từ mức thấp lịch sử, quỹ ngoại đánh giá mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thuận lợi.
Về vĩ mô, PMI sản xuất đã tăng trở lại để đạt mức 50,3, được thúc đẩy bởi sự mở rộng vững chắc về số lượng đơn đặt hàng mới. Doanh số bán lẻ tăng 9% so với cùng kỳ trong tháng 4, với doanh thu du lịch tăng 58%, được thúc đẩy bởi sự gia tăng trở lại của du khách Trung Quốc. Khách du lịch quốc tế trong 4 tháng đầu năm tăng 58,2% so với cùng kỳ, vượt mức trước đại dịch.
Vốn FDI giải ngân từ đầu năm tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất nhập khẩu tháng 4 cũng tăng trưởng mạnh, lần lượt 10,6% và 19,9% so với cùng kỳ, góp phần tạo nên kỷ lục mới thặng dư 8,6 tỷ USD. Ngoài ra, vào đầu tháng 5, Chính phủ đã kiến nghị gia hạn chương trình giảm thuế VAT đến ngày 24/12, thúc đẩy môi trường thuận lợi cho sự tăng trưởng tiêu dùng.
Pyn Elite Fund là một trong những quỹ ngoại lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản quản lý vào cuối tháng 4 lên đến 742 triệu EUR (~20.000 tỷ đồng). Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục của quỹ vẫn có sự áp đảo của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tuy nhiên đã có một số thay đổi đáng chú ý.
Theo đó, FPT đã bất ngờ trở lại top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục của quỹ vào cuối tháng 4 với tỷ trọng 3,4%, tương đương giá trị khoảng 25 triệu EUR (~680 tỷ đồng). Đây là lần đầu tiên cổ phiếu FPT lọt vào top 10 danh mục của Pyn Elite Fund kể từ khi quỹ công bố báo cáo hoạt động.
Kết quả này phần nào đến từ việc thị giá FPT tăng mạnh trong tháng 4 nhưng không loại trừ khả năng Pyn Elite Fund đã mua thêm thời gian qua. Trong trường hợp mua thêm, quỹ có thể phải chấp nhận chịu khoản chênh lệch (premium) khoảng 7% so với thị giá do cổ phiếu này thường xuyên kín room.
Ngoài FPT, Pyn Elite Fund còn đầu tư lớn vào một cổ phiếu công nghệ khác của Việt Nam là CMC Corp (mã CMG). Quỹ ngoại đến từ Phần Lan hiện là cổ đông lớn thứ 3 tại tập đoàn này với tỷ lệ 7% vốn, chỉ sau Samsung SDS và Đầu tư MVI. CMG cũng là cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất trong danh mục của quỹ trong tháng 4 vừa qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đặc biệt, danh mục của Pyn Elite Fund còn một cái tên rất đáng chú ý là "gã khổng lồ" ACV với tỷ trọng 7,9% vào cuối tháng 4, tương ứng giá trị khoảng 57 triệu EUR (~1.600 tỷ đồng). Ước tính, quỹ ngoại này nắm khoảng 19 triệu cổ phiếu ACV tính đến cuối tháng 4. Cổ phiếu này đã tăng hơn 20% từ đầu tháng 5 và hứa hẹn có thể sẽ "gánh" hiệu suất cho Pyn Elite Fund trong tháng.
Việc nắm giữ nhiều cổ phiếu đang có xu hướng tích cực giúp Pyn Elite Fund tự tin dù hiệu suất đầu tư tháng vừa qua không như kỳ vọng. Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý quỹ, giữ quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trên đà đi lên kể từ vùng đáy hồi tháng 11/2022.
Người đứng đầu Pyn Elite Fund đánh giá động thái chốt lời của nhà đầu tư thời gian qua là chưa tương xứng với triển vọng thị trường nếu xét tới những điều kiện như lãi suất thấp, tính thanh khoản tốt trong hệ thống ngân hàng và mức tăng trưởng thu nhập dự kiến từ các doanh nghiệp niêm yết trong năm nay.
Hà Linh
An ninh Tiền tệ