Động thái mua bán cổ phiếu DVN của các cổ đông lớn diễn ra trước thềm họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, dự kiến ngày 26/04. Cuộc họp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, danh sách cổ đông chốt vào 23/03.
Từ ngày 01-05/04, cổ đông lớn thứ hai tại Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (UPCoM: DVN) là Tập đoàn Đầu tư Việt Phương đã bán toàn bộ 40,3 triệu cổ phiếu sở hữu. Ngược lại, Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI tăng sở hữu lên trên 16% sau khi gom vào hơn 19 triệu cổ phiếu.
Trước giao dịch, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương là cổ đông lớn thứ hai tại DVN với sở hữu 17% vốn, xếp sau Bộ Y tế (65%). Về mối quan hệ, bà Hàn Thị Khánh Vinh là Phó Tổng Giám đốc ở cả Việt Phương và DVN.
Nhằm mục đích tái cấu trúc danh mục đầu tư, Việt Phương đã bán hết toàn bộ 40,3 triệu cổ phiếu đang sở hữu vào đầu tháng 4.
Ở chiều ngược lại, ngày 05/04, cổ đông lớn thứ ba là Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI đã mua vào hơn 19 triệu cổ phiếu. Theo đó, cổ đông này nâng sở hữu từ mức 19,1 triệu cổ phiếu (8,09%) lên 38,5 triệu cổ phiếu (16,24%).
Trong phiên 05/04, DVN ghi nhận khối lượng thỏa thuận đạt 23,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 402 tỷ đồng. Chiếu theo giá bình quân 16.860 đồng/cp, ước tính Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI đã chi 325 tỷ đồng.
Như vậy sau các giao dịch, Việt Phương đã thoái vốn khỏi DVN, còn Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Bộ Y tế.
Động thái mua bán của các cổ đông lớn diễn ra trước thềm họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, dự kiến ngày 26/04. Cuộc họp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, danh sách cổ đông chốt vào 23/03. Như vậy, Việt Phương vẫn có tên trong danh sách dự họp, đồng thời nhận cổ tức tiền mặt còn lại năm 2020 tỷ lệ 5,7% (570 đồng/cp).
Về kết quả năm 2021, trong quý IV, Dược Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.073,97 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 49,62 tỷ đồng, lần lượt bằng 70,7% và 69,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp ghi nhận 107,34 tỷ đồng, bằng 66,1% so với cùng kỳ; doanh thu tài chính ghi nhận 19,9 tỷ đồng, bằng 78,7% so với cùng kỳ; chi phí tài chính giảm 77,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 18,9 tỷ đồng về 5,6 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 17,43 tỷ đồng, bằng 40,6% so với cùng kỳ; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 33,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 43,09 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Luỹ kế trong năm 2021, DVN ghi nhận doanh thu đạt 4.874,6 tỷ đồng, bằng 91,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng 0,1% lên 216,09 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2021, DVN đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 5.420,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 152,9 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính với lợi nhuận trước thuế đạt 233,17 tỷ đồng, công ty đã thực hiện được 152,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tổng Công ty Dược Việt Nam (VINAPHARM) với tiền thân là Tổng Công ty Dược được thành lập vào ngày 01/04/1971 trên cơ sở sát nhập 03 cục trực thuộc Bộ y tế là Cục phân phối dược phẩm, Cục dược liệu, Cục sản xuất. VINAPHARM chuyên kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược.
Tổng Công ty Dược Việt Nam chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 12/2016. VINAPHARM hiện là một trong 3 đơn vị được Bộ Y tế cho phép tiến hành nghiên cứu tương đương sinh học với năng lực nghiên cứu tương đương sinh học là khoảng 20 nghiên cứu/năm.
Ngoài ra, Tổng Công ty là đơn vị đầu mối thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Y tế để cung ứng thuốc trong các trường hợp khẩn cấp thiên tai, dịch bệnh. VINAPHARM được giao dịch trên thị trường UPCOM từ tháng 05/2017.