Thống nhất lộ trình tăng giá dịch vụ cảng biển từ tháng 1/2021
Đinh Tịnh - 07:42 09/08/2020
(VNF) - Ông Nguyễn Cao Trường, đại diện hãng tàu MSC (thuộc Công ty vận tải Địa Trung Hải S.A.) cho biết: “Hiện giá dịch vụ cảng biển thấp, chủ tàu thu phí cao để ăn chênh lệch lớn là không đúng, chúng tôi thu chênh lệch nhằm để bù đắp quá nhiều cho chi phí hàng hải”. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến của các cảng biển, hiệp hội, đại lý, môi giới hàng hải, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục hàng hải ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị tăng giá dịch vụ cảng biển từ ngày 1/1/2021.
Chủ tàu hưởng lợi cả tỷ USD/năm
Trước đó, các Hiệp hội, đại lý, môi giới hàng hải Việt Nam đã có kiến nghị tới Bộ GTVT, Cục hàng hải Việt Nam (HHVN) về mức giá dịch vụ cảng biển đang rất thấp. Tuy nhiên, các chủ tàu thu phí chủ hàng rất cao và họ hưởng lợi nhiều từ khoản chênh lệch đó.
Ông Nhữ Đình Thiện, Phó tổng thư ký hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam chỉ rõ: “Ở Việt Nam, mức giá thấp nhất cả nước hiện tại thuộc khu vực I (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định), các doanh nghiệp tại đây chỉ thu giá bằng 72% khu vực II (cảng biển khu vực từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và bằng 80% khu vực III (TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…)".
"Chúng ta đang thu mức giá bốc xếp container 20 feet là 33-35 USD; còn với container 40 feet, đang thu 57 – 98 USD (tuỳ theo khu vực). Tuy nhiên, đối với Thái Lan, họ thu 59 USD/container 20 feet, 91 USD/container 40 feet; tại Campuchia thu 65 USD/container 20 feet, 99 USD/container 40 feet; tại Singapore là 111 USD/container 20 feet và 159 USD/container 40 feet, vượt xa mức giá tại Việt Nam”.
“Giá bốc xếp container xuất nhập khẩu tại cảng nước sâu của Việt Nam hiện chỉ bằng 45 - 80% khi so với những cảng chuyển tải lớn như Hongkong, Singapore hay Malaysia, Trung Quốc, Singapore… Thậm chí còn thua xa là cảng Phnompenh (Campuchia)".
Ông Phạm Quốc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải bức xúc: “Trong khi chủ tàu nước ngoài chỉ trả cho các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam phí bốc xếp theo giá sàn là 33 USD/Teu tại khu vực Đình Vũ; 52 USD/Teu tại khu vực Cái Mép và 41 USD/Teu đối với khu vực TP. Hồ Chí Minh… thì họ đang thu các chủ hàng Việt Nam tới 120 USD/Teu. Tức là họ đang lãi gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 4 lần từ các doanh nghiệp Việt".
“Nếu vẫn giữ mức giá sàn hiện tại thì với khoảng 10 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển Việt Nam mỗi năm, các hãng tàu đã hưởng phần chênh lệch phí xếp dỡ xấp xỉ một tỷ USD/năm”, ông Long nhận định.
Sợ tăng giá, chủ tàu dọa "bỏ tuyến"
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Trường, chủ hãng tàu MSC (Công ty vận tải Địa Trung Hải S.A.) cho rằng: “Việc tính toán số lãi cả tỷ USD/năm của các hãng tàu là chưa chính xác. Bởi lẽ, các hãng tàu phải khấu trừ vào rất nhiều các khoản chi phí, trong đó, nặng nhất là chi phí container rỗng”.
Ông Trường phân tích: "Hiện tại, hãng tàu chúng tôi đang nhập khẩu vào Việt Nam là 30% trong khi xuất khẩu đi là 100%, (như vậy sẽ có khoảng 70% là container rỗng), vì thế, nếu quyết định tăng phí cảng biển thì hãng tàu sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Ngoài ra, hãng tàu đang phải trả chi phí hàng hải, hoa tiêu, xà lan, nâng hạ kết nối từ cảng Cái Mép cho hàng nhập, xuất, rỗng đến Hồ Chí Minh rất lớn. Ngay cả container rỗng chúng tôi không thể cấp ở Cái Mép mà phải cấp ở Tp. Hồ Chí Minh nên chi phí tăng lên rất nhiều”.
“Chính vì những bất cấp đó, nếu tăng chi phí xếp dỡ sẽ ảnh hưởng chi phí cho hãng tàu MSC và cho hãng tàu khác. Nên để bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyễn MSC sẽ cũng xem xét tăng giá THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng) hay điều chỉnh tàu vào Cái Mép để cắt giảm chi phí phát sinh. Vấn đề này ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động bởi vì nhiều doanh nghiệp đang phá sản, người lao động đang thất nghiệp do ảnh hưởng dịch covid-19”, ông Trường nói.