EIB - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam
1. Giới thiệu doanh nghiệp
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), được thành lập vào năm 1989, hoạt động trong lĩnh vực huy động vốn và kinh doanh tài chính, đồng thời cung cấp các dịch vụ liên quan. Đây cũng là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam phát hành thẻ ghi nợ quốc tế Visa Debit.
2. Quan điểm đầu tư EIB
1. EIB duy trì đà tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành trong 2024
Trong 5T24, EIB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng là 5.3% sv đầu năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cả ngành là 2.4%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng trưởng trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái và từ đầu năm EIB đã mạnh tay cắt giảm lãi suất để thúc đẩy mảng cho vay cá nhân.
Cho đến hết Q2/2024, EIB tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng gần 8%, duy trì mức cao hơn trung bình ngành, tuy nhiên không phải một mức tăng trưởng quá nóng và xếp hạng 10/26 ngân hàng được so sánh.
2. NIM cải thiện tích cực nhờ việc EIB cạnh tranh về lãi suất cho vay và được hưởng lợi từ nền lãi suất huy động giảm
***
EIB vốn không phải ngân hàng có quy mô vốn và tài sản lớn, đồng thời cũng không có lợi thế cạnh tranh về mạng lưới chi nhánh (34 chi nhánh toàn quốc), cộng thêm việc tỷ trọng cho vay cá nhân của EIB dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và đang trên đà tăng trưởng nhưng tỷ trọng này vẫn thấp hơn với nhiều ngân hàng (khoảng 60-80%).
Do đó, EIB chủ trương cạnh tranh bằng việc hạ lãi suất cho vay từ T1/2024, giảm từ mức 7% xuống 6.5% (giảm 140 điểm cơ bản so với cùng kỳ 2023). Trong khi đó chi phí vốn (lãi suất huy động) giảm mạnh hơn, giảm 190 điểm cơ bản. Vì vậy, biên lãi ròng (NIM) của EIB đã cải thiện, tăng 34 điểm cơ bản so với năm 2023, đạt mức 2,79% trong quý 1/2024.
Dù tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của EIB có xu hướng tăng trở lại trong quý 2/2024, nhưng mức tăng không nhiều và chỉ quay về mức đỉnh cũ (khoảng 15%) chứ không tăng trưởng mạnh. Đồng thời EIB không lọt top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất nửa đầu 2024 (mức tỷ lệ CASA trung bình để lọt top 10 là 25.75%)
3. Chất lượng tài sản của EIB sụt giảm trong 2024
Thống kê từ những ngân hàng niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2024 duy trì ở mức 2,2%, dù vậy tỷ lệ này ở EIB đang là 2.9%. Điểm sáng là tỷ lệ nợ nhóm 2 của EIB có xu hướng giảm (1.2% tại quý 1/2024). Với tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm, EIB có thể xem xét việc tái cơ cấu danh mục tín dụng, đặc biệt là mở rộng vào các phân khúc ít rủi ro hơn như tín dụng bán lẻ. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng tín dụng mà còn tạo ra cơ hội tăng trưởng doanh thu ổn định hơn, khi nhu cầu tín dụng bán lẻ đang dần hồi phục theo thu nhập cá nhân.
Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu cao hơn trung bình ngành đã cho thấy chất lượng nợ của EIB không được đảm bảo tốt, gây áp lực về chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên ngân hàng này
Dù tỷ lệ nợ xấu cao hơn trung bình ngành và đang có xu hướng tiếp tục tăng, nhưng EIB có tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cho là thấp (khi chỉ xếp thứ 23/29 ngân hàng) với tỷ lệ LLR thậm chí còn có xu hướng giảm trong Q2/2023, từ mức gần 42% trong năm 2023 về 40% trong Q2/2024. Điều này có nghĩa là EIB chưa dự phòng đủ cho các khoản nợ xấu, làm tăng rủi ro nếu tình hình tín dụng xấu hơn
⇒ Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của EIB cho năm 2024 có thể gặp nhiều thách thức do chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao. Ngân hàng đã đề ra mục tiêu khá tham vọng với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 90,4% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu khác như tổng tài sản dự kiến sẽ đạt 223.500 tỷ đồng (+11% so với năm trước), dư nợ tín dụng ước tính 161.000 tỷ đồng (+14,6%) và huy động vốn đạt 175.000 tỷ đồng (+10,5%). EIB cũng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ được giữ ở mức 1,8% trên tổng dư nợ. Tuy nhiên, StockLab cho rằng kế hoạch này khó hoàn thành, đặc biệt do kết quả kinh doanh trong quý 1/2024 chưa đáp ứng được kỳ vọng. Mức tăng trưởng tín dụng trung bình 5 năm qua chỉ đạt 6,6%, khiến việc đạt được mục tiêu 14,6% cho cả năm trở nên không thực tế, nhất là khi quý 1/2024 chỉ đạt 5%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu vẫn gia tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thấp có thể khiến EIB phải tiếp tục tăng mạnh chi phí dự phòng, làm giảm khả năng đạt được tăng trưởng đột phá về lợi nhuận trước thuế trong năm 2024.
III. Rủi ro đầu tư
-
Rủi ro chi phí trích lập dự phòng tăng đi kèm với tỷ lệ nợ xấu tăng và chất lượng tài sản giảm.
-
Rủi ro quản trị nội bộ không ổn định:
-
Rủi ro về việc quản trị nội bộ không ổn định là yếu tố nổi bật, đặc biệt trong bối cảnh EIB chưa có một cổ đông kiểm soát thật sự. Điều này khiến EIB dễ rơi vào các cuộc xung đột quyền lực, làm suy giảm khả năng ra quyết định chiến lược cũng như quản trị hiệu quả. Tính đến nay, GEX với 10% cổ phần và Vietcombank (VCB) với 4.51% vốn điều lệ là hai cổ đông lớn, nhưng không có một bên nào nắm quyền kiểm soát hoàn toàn. Sự phân mảnh cổ phần này tiềm ẩn rủi ro về việc các nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung, gây cản trở trong việc điều hành và phát triển ngân hàng.
- Trong giai đoạn 2014-2020, EIB đã trải qua những bất ổn nghiêm trọng về quản trị, mà điển hình là cuộc chiến ghế nóng và xung đột giữa các cổ đông lớn như Nam A Bank, làm cho lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm. Những tác động tiêu cực này có thể dễ dàng tái diễn nếu không có sự ổn định trong cơ cấu quản trị. Khi nội bộ quản trị yếu kém, những quyết định liên quan đến phân bổ tài sản, quản trị rủi ro và chiến lược dài hạn có thể bị chậm trễ hoặc không được thực hiện hiệu quả, dẫn đến sự trì trệ trong hoạt động kinh doanh. Các rủi ro này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh thị trường tài chính có sự biến động, khi mà các ngân hàng khác như ACB, STB, và TCB đã vượt xa EIB về quy mô tài sản và hiệu quả hoạt động.
- Việc thiếu vắng một cổ đông kiểm soát rõ ràng cũng khiến EIB dễ gặp rủi ro khi phải đối mặt với các quyết định chiến lược lớn, chẳng hạn như việc điều chỉnh cơ cấu vốn, phát triển sản phẩm mới, hoặc sáp nhập với một ngân hàng khác. Điều này có thể làm giảm giá trị cổ phiếu EIB trong dài hạn, do các nhà đầu tư có xu hướng đánh giá thấp các công ty có rủi ro quản trị cao.
IV. Tình hình kỹ thuật mã EIB
Cổ phiếu EIB vừa trải qua một đợt tăng giá mạnh sau khi phá vỡ mô hình tam giác với khối lượng giao dịch lớn, xác nhận xu hướng tăng. Tuy nhiên, hiện tại giá đang điều chỉnh và có khả năng sẽ kiểm tra lại mức hỗ trợ quanh 18±. Nếu giữ được mức này, xu hướng tăng sẽ tiếp tục, nhưng nếu phá vỡ, giá có thể giảm sâu hơn. Chỉ báo MACD cho thấy tín hiệu động lực tăng đang yếu đi, trong khi RSI ở mức trung lập, cho thấy thị trường đang chờ đợi. Khuyến nghị nhà đầu tư mua vào quanh mức 18± nếu giá duy trì trên mức hỗ trợ, và cân nhắc bán quanh vùng 19.50-20 hoặc cut loss nếu giá giảm dưới hỗ trợ gần nhất (17.8)
V. Tổng kết
StockLab nhận định EIB là một mã cổ phiếu không nên nắm giữ nếu theo chiến lược đầu tư dài hạn vì nội tại doanh nghiệp không ổn định, với mức định giá không hấp dẫn (upside potential thấp) và tình hình hoạt động kinh doanh của EIB còn lép vế so với nhiều ngân hàng khác.
Tuy nhiên, NĐT vẫn có thể đánh T+ với mã này.