ESG 'nóng' hơn trong mùa đại hội đồng cổ đông 2024

Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, có thêm nhiều doanh nghiệp đưa định hướng theo đuổi mục tiêu ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào chiến lược dài hạn.

Nhiều doanh nghiệp được định hướng theo đuổi ESG vào mục tiêu dài hạn. Ảnh Net0.

Biến đổi khí hậu không “tận đâu đâu”

Hạn mặn, nắng nóng, mưa lũ cùng hàng loạt hình thái thời tiết cực đoan liên tục xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới và Việt Nam trong những năm qua. Với lĩnh vực hoạt động lõi là giống cây trồng, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) chịu ảnh hưởng trực tiếp khi những biến đổi khí hậu tác động ngày càng nhanh, mạnh trên diện rộng và ngày càng rõ nét đối với chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinaseed thừa nhận, Công ty đã trải qua cuộc khủng hoảng về chiến lược sản phẩm khi thiếu vắng giống cây cho vụ lúa hè thu. Vinaseed gần như bỏ trống vụ hè thu với khoảng 3,5 triệu ha khi không có giống chịu nhiệt. Các giống lúa chủ lực bị bệnh, lép hạt… khi nhiệt độ nóng lên và độ ẩm không khí cao.

Trong khó khăn, Vinaseed luôn nỗ lực tìm ra giải pháp. Lãnh đạo Vinaseed đã tiết lộ về sản phẩm mới, dự kiến sớm được công nhận trong năm nay, đăng ký lưu hành và kỳ vọng thương mại hoá từ vụ hè thu năm 2025.

Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những nỗ lực toàn cầu đối phó với khủng hoảng khí hậu, năng lượng cũng đang đòi hỏi sự thay đổi của các Chính phủ, doanh nghiệp vì mục tiêu chung. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) năm 2021, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Châu Âu đã có cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định chống phá rừng (EUDR)…

Các yêu cầu khắt khe được đặt ra hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường. Tại Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), một trong những thách thức đối với ngành dệt may được Vinatex chỉ ra cũng chính là các yêu cầu sản xuất mới, từ thách thức của ngành dệt may trong thực hiện cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (ERP), CBAM, đến các chứng chỉ phi tài chính từ yêu cầu của khách hàng, các quy định thẩm định chuỗi cung ứng bền vững.

Thay đổi mang đến thách thức và cả những cơ hội. Việc Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0 đòi hỏi nhiều nguồn lực để theo đuổi mục tiêu, nhưng lại có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của các đối tác quốc để triển khai các dự án cụ thể trong giai đoạn 2024 - 2028 để hiện thực hóa Tuyên bố chính trị Thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Hay với Vinaseed, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 cũng đang mở ra cơ hội mới khi mục tiêu mà Đề án hướng tới là 70% sử dụng lúa xác nhận. Trước đó, tình trạng vi phạm bản quyền đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng kinh doanh của doanh nghiệp này.

ESG - xu thế tất yếu

Không chỉ dừng lại ở việc xác định thách thức, cơ hội, cuộc họp đại hội đồng cổ đông của nhiều doanh nghiệp năm nay đã đưa vào nội dung về ESG - bộ 3 tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), lãnh đạo Công ty tiết lộ, PNJ đã có tiểu ban ESG trong Hội đồng Quản trị. Ngân sách để triển khai các dự án mang tính chiến lược về ESG trong năm 2024 là 10 tỷ đồng.

Chiến lược ESG của PNJ được tích hợp vào cùng chiến lược phát triển tổng thể. Mọi chiến lược điều hành vĩ mô, sáng kiến, sản xuất - kinh doanh, hoạt động xã hội của PNJ đều lấy ESG là kim chỉ nam.

“PNJ đang xây dựng các hoạt động ESG để tăng thêm giá trị thương hiệu. Giá trị thương hiệu của PNJ đã đạt gần 500 triệu USD, mục tiêu tương lai là đạt 1 tỷ USD”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ chia sẻ. Bà Dung nhấn mạnh, phát triển bền vững không chỉ là xu hướng, mà ngày càng cần thiết hơn trong môi trường thế giới nhiều bất ổn.

Tương tự, tại cuộc họp thường niên vào giữa tháng 3/2024, Đại hội đồng cổ đông của EVNFinance cũng thông qua chiến lược phát triển EVNFinance theo hướng tích hợp các yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh. Hội đồng Quản trị được giao thực hiện xây dựng lộ trình, chính sách liên quan đến việc tích hợp các yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh của EVNFinance; phê duyệt kế hoạch và nguồn lực triển khai tại EVNFinance và giám sát tình hình thực hiện các yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.

Nghiên cứu và xây dựng chiến lược về phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG cũng là một trong các mục tiêu mà Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đề ra trong giai đoạn 2024 - 2029. Không chỉ là xu thế tất yếu, theo lãnh đạo PJICO, hướng tới ESG cũng hỗ trợ công ty thực hiện mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh doanh an toàn - bền vững - hiệu quả, chuyển đổi số toàn diện, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

(Theo Báo Đầu tư)

Thanh Thủy

https://nhadautu.vn/esg-nong-hon-trong-mua-dai-hoi-dong-co-dong-2024-d85736.html