Ngành tài chính - áp lực từ vị trí dẫn đầu về tỷ trọng VNINDEX
Theo dữ liệu thống kê từ Bloomberg, nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản (theo hệ thống phân ngành GICS) trên TTCK Việt Nam chiếm tổng tỷ trọng đến hơn 57% vốn hóa. Con số này cao hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc,… Nếu so với các thị trường hàng đầu trên thế giới, tỷ trọng này của Việt Nam đang vượt trội hơn.
(Nguồn: Bloomberg)
Tỷ trọng cao của nhóm ngành tài chính tuy mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng khiến cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này gặp phải áp lực điều chỉnh rất lớn nếu như câu chuyện tăng trưởng không theo đúng kỳ vọng của thị trường, đặc biệt là giai đoạn thị trường chung biến động mạnh liên tục trong năm 2024 xoay quanh việc khối ngoại bán ròng và áp lực tỷ giá. Điều này gây ra tác động không nhỏ đến cổ phiếu nhóm ngành tài chính như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán nói chung và các doanh nghiệp tài chính khác nói riêng. Dòng vốn ngoài rút ròng mạnh liên tục trong suốt năm 2024 vì sự lên ngôi của tiền điện tử và xu hướng kỳ vọng của cổ phiếu công nghệ Mỹ kèm theo tỷ giá USD neo giữ mức cao đã khiến cho VNINDEX bị đè nén liên tục và chưa thể bức phá khỏi mốc 1300 mặc dù đà tăng trưởng nền kinh tế đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc hơn năm 2023.
EVF là một trong những cổ phiếu ngành tài chính bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xu hướng chung của ngành khiến cho kỳ vọng bị lãng quên. Áp lực bán ròng liên tục từ các quỹ ETF và tổ chức trong nước đã khiến tâm lý nhà đầu tư dần trở nên mất kiên nhẫn. Kết quả là EVF đã có chuỗi đà giảm kỷ lục khiến cho giá cổ phiếu hiện về vùng P/B ~ 0,75 lần, thấp nhất trong lịch sử. Điều này không chỉ phản ánh sự thận trọng của thị trường mà còn cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào tiềm năng của doanh nghiệp đang ở mức rất thấp.
EVF có gì đằng sau mức định giá P/B thấp kỷ lục ?
Bất chấp diễn biến không thuận lợi của giá cổ phiếu, EVF ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2024 tích cực, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 537 tỷ đồng, tương ứng gần 92% kế hoạch năm. Theo dự phóng từ phía doanh nghiệp, dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 của EVF sẽ vượt 700 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch gần 20% và thiết lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thị trường tài chính còn nhiều thách thức về kỳ vọng tăng trưởng, việc duy trì động lực tăng trưởng đều của EVF cũng đã khẳng định được tiềm năng và chiến lược cạnh tranh của một công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường tài chính rộng lớn.
Thu nhập lãi thuần của EVF tăng trưởng liên tục trong giai đoạn gần đây (Nguồn: Wichart) Ngoài câu chuyện tăng trưởng, khả năng quản lý nợ xấu cũng là một điểm mạnh nổi bật của EVF mặc dù là một công ty tài chính tổng hợp, trong đó đòi hỏi hoạt động tài chính tiêu dùng cần phải quản lý nợ xấu thật chặt chẽ. Theo EVF, tỷ lệ nợ xấu luôn được doanh nghiệp chú trọng và duy trì dưới mức 1%, nhờ chiến lược quản lý nợ chặt chẽ và các biện pháp xử lý nợ xấu quyết liệt. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe tài chính mà còn tạo lợi thế cạnh tranh bền vững so với đối thủ trong ngành, giúp nâng cao niềm tin từ nhà đầu tư và đối tác. Một điểm sáng nữa của EVF đến từ việc quản trị hiệu quả các chi phí để giúp tối ưu hóa lợi nhuận, thế mạnh về quan hệ đối với khách hàng doanh nghiệp từ hệ sinh thái doanh nghiệp của EVF sẽ thu hút lượng tiền gửi dồi dào từ phía doanh nghiệp. Điều này góp phần giúp EVF giảm thiểu được chi phí đầu vào và nâng cao hiệu quả cạnh tranh với những đối thủ chung ngành khác.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng và các công ty tài chính như EVF. Trong suốt giai đoạn tăng trưởng 2023-2024, EVF luôn duy trì bộ đệm dự phòng ở mức tương đối cao so với giai đoạn 2021-2022. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp luôn chú trọng và đặt yếu tố rủi ro lên hàng đầu để mở ra giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ phía trước.
Bộ đệm dự phòng của EVF được duy trì cao trong giai đoạn tăng trưởng mạnh 2023-2024 (Nguồn: Wichart)
EVF cũng cho biết doanh nghiệp đang duy trì mức tăng trưởng tín dụng ổn định, đồng thời không ngừng đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Việc phát triển các sản phẩm mới và tối ưu hóa cấu trúc danh mục giúp doanh nghiệp mở rộng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro tập trung, đồng thời tận dụng cơ hội từ các phân khúc khách hàng mới. EVF cũng đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt bổ sung hoạt động mua nợ vào giấy phép kinh doanh, mở ra cơ hội gia tăng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động. Song song đó, EVF cũng nhận được chấp thuận mở thêm hai chi nhánh mới tại Hà Nội (Quận Tây Hồ) và Hải Phòng (Quận Ngô Quyền). Chi nhánh tại Hà Nội dự kiến khai trương vào đầu năm 2025 và Chi nhánh tại Hải Phòng dự kiến khai trương trong quý 2.2025, hứa hẹn mở rộng tệp khách hàng và tăng cường tiếp cận các thị trường tiềm năng mới. Đặc biệt việc mở rộng quy mô ở khu vực có kinh tế biển tăng trưởng mạnh như Hải Phòng sẽ giúp EVF tiếp cận các đối tác khách hàng mới trong lĩnh vực Logistics.
Đón đầu xu thế phục hồi bán lẻ
EVF cũng là số ít doanh nghiệp có chiến lược độc đáo trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tổng hợp khi danh mục cho vay khách hàng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao lên đến hơn 90%. Điều này giúp công ty giảm thiểu rủi ro liên quan đến cho vay tín chấp cá nhân, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn và đầy biến động như năm 2024. Chiến lược này không chỉ bảo vệ EVF trước các áp lực xử lý nợ xấu mà còn đặt nền tảng vững chắc để công ty tận dụng cơ hội trong chu kỳ tăng trưởng mới khi nền kinh tế phục hồi.
Năm 2025 dự kiến sẽ là giai đoạn khởi sắc cho ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Với tăng trưởng GDP được đẩy nhanh theo kế hoạch và thu nhập hộ gia đình cải thiện, nhu cầu vay tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể:
-
Các chính sách cải cách của Chính phủ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Một điểm nổi bật là đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết. Thay vào đó, chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
-
Theo dự báo từ MBS, chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ được cải thiện rõ rệt vào năm 2025 nhờ ba yếu tố chính: (1) Sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thu nhập và khả năng trả nợ của người vay. (2) Các công ty tài chính tăng cường quản lý rủi ro và áp dụng các tiêu chí cho vay chặt chẽ hơn. (3) Nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tài chính mở rộng hoạt động kinh doanh một cách bền vững.
-
Dư địa tăng trưởng lớn trong dài hạn: Báo cáo từ FiinGroup chỉ ra rằng tỷ lệ thâm nhập của cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các quốc gia khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ vay tiêu dùng (bao gồm cho vay mua nhà để ở) chỉ chiếm 28,5% GDP, thấp hơn nhiều so với Hong Kong, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, và Thái Lan. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của ngành còn rất lớn, đặc biệt khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi và cải cách.
Với nền tảng kinh tế vững vàng và chính sách hỗ trợ hợp lý, ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam hứa hẹn sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng bứt phá trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tổng kết:
Với những dự báo lạc quan cho năm 2025, khi nền kinh tế phục hồi và các chính sách hỗ trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Ngành tài chính tiêu dùng được kỳ vọng sẽ trở lại mạnh mẽ khi tiêu dùng tiếp tục là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Mặc dù còn những rủi ro ngắn hạn về tỷ giá, khó khăn cũng mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt với các doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng và nền tảng vững chắc như EVF. Cổ phiếu EVF hiện đang bị định giá thấp bởi chiết khấu kỳ vọng chung của thị trường và các nhà đầu tư lớn liên tục bán ra. Tuy nhiên sau khi các yếu tố này chấm dứt, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ổn định sẽ quay trở lại với một doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng và còn nhiều tiềm năng bứt phá mạnh mẽ như EVF.