EVN: Kinh doanh thu lỗ, 1 năm 'bốc hơi' hơn 10% vốn chủ sở hữu

Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu tài chính của EVN đạt 4.900 tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi hạch toán các chi phí, EVN lỗ hợp nhất lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 là 29.107 tỉ đồng. Cả năm 2022 EVN lỗ sau thuế hợp nhất 20.743 tỉ đồng, lỗ ròng 22.256 tỉ đồng. EVN ước tính đến hết năm 2023 vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng, giảm 10,6% sau một năm.

EVN lỗ hơn 32 nghìn tỉ trong 6 tháng đầu năm 2023

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2023 tiếp tục là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao.

Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, trong khi giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh tương ứng kịp thời nên không bù đắp được chi phí mua điện. Giá bán lẻ điện bình quân đã được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh 2 lần: lần 1 tăng 3% vào tháng 5/2023 và lần 2 tăng 4,5% vào tháng 11/2023.

Sản lượng thủy điện (là các nguồn điện có giá thành thấp) giảm mạnh so với năm 2022 (giảm khoảng 15,3 tỷ kWh) và kế hoạch đầu năm 2023 (giảm xấp xỉ 8,7 tỷ kWh), chi phí mua điện thị trường điện tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN dự kiến lỗ năm thứ 2 liên tiếp.

Tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022. Giá trị nộp ngân sách năm 2023 toàn tập đoàn ước đạt 21.000 tỷ đồng.

Dù EVN chưa công bố báo cáo tài chính năm 2023 nhưng tính đến kỳ báo cáo cuối quý II/2023, tổng doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của EVN đạt 229.880 tỉ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn là doanh thu điện với 228.866 tỉ đồng, còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ với 1.013 tỉ đồng.

EVN Kinh doanh thu lỗ 1 năm bốc hơi hơn 10 vốn chủ sở hữu EVN dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ trong năm 2023, là năm thứ hai liên tiếp thua lỗ.

Giá vốn ở mức 245.068 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn và giá vốn cao hơn doanh thu khiến EVN lỗ gộp tới 15.188 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước khoản lỗ ở mức 4.216 tỉ đồng. Đáng chú ý, chi phí tài chính trong kỳ lên đến 9.030 tỉ đồng, tăng 11,3%, trong đó chi phí lãi vay ở mức 8.744 tỉ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác cũng đồng loạt tăng. Chi phí bán hàng ở mức 2.677 tỉ đồng, tăng 1,7%; chi phí quản lý doanh nghiệp 6.261 tỉ đồng, tăng 3,4%; chi phí khác 262 tỉ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4.900 tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lãi tiền gửi, tiền cho vay 2.223 tỉ đồng; lãi chênh lệch tỉ giá chưa thực hiện 2.014 tỉ đồng.

Sau khi hạch toán các chi phí, EVN lỗ hợp nhất lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 là 29.107 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước khoản lỗ ở mức 16.586 tỉ đồng. Cả năm 2022 EVN lỗ sau thuế hợp nhất 20.743 tỉ đồng, lỗ ròng 22.256 tỉ đồng.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2023, Công ty mẹ EVN cũng ghi nhận khoản lỗ lên đến 32.055 tỉ đồng, cùng kỳ năm 2022 khoản lỗ này ở mức 22.215 tỉ đồng; cả năm 2022 lỗ 26.498 tỉ đồng.

Vốn chủ sở hữu 'bốc hơi' hơn 10% sau 1 năm

Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng, bằng 94,7% so với cuối năm 2022. Trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng, giảm 10,6% sau một năm.

Tính tới hết quý II/2023, tổng dư nợ vay của EVN là 306.169 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn gần 267.072 tỷ. Chi phí lãi vay cho nửa đầu năm ngoái là 8.744 tỷ đồng.

EVN Kinh doanh thu lỗ 1 năm bốc hơi hơn 10 vốn chủ sở hữu Đến hết năm 2023, EVN ước tính, vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng, giảm 10,6% sau một năm. Nếu tính tại thời điểm 31/6/2023, vốn chủ sở hữu của EVN ở mức 194.456 tỉ đồng, giảm 13,7% so với đầu năm.

Hết quý II/2023, nợ phải trả của EVN ở mức 437.962 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm. Nợ vay chiếm gần 70% cơ cấu nợ phải trả, với mức 306.169 tỉ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay dài hạn ở mức 267.071 tỉ đồng; vay ngắn hạn ở mức 39.097 tỉ đồng.

Nợ vay ở mức cao khiến Tập đoàn này phải chi trả khoản chi phí lãi vay khá lớn, lên đến 8.744 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các khoản phải trả người bán ngắn hạn ở mức 73.850 tỉ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn 35.670 tỉ đồng; các khoản phải trả khác 9.325 tỉ đồng.

Đáng chú ý, nếu chỉ tính tại thời điểm 31/6/2023, vốn chủ sở hữu của EVN ở mức 194.456 tỉ đồng, giảm 13,7% so với đầu năm. Như vậy, số nợ phải trả 437.962 tỉ đồng của EVN cao gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu.

Với tình hình đầu tư, Tập đoàn EVN đầu tư vào 17 công ty con và 29 Công ty liên kết. Bao gồm các công ty truyền tải điện, phát điện, nhiệt điện, thủy điện, cơ điện, xây lắp điện…

Trong đó, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN GECNCO 3 - Mã CK: PGV) và Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2 - Mã CK: GE2) - hai công ty con của EVN đều đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Theo đó, tỉ lệ sở hữu và tỉ lệ biểu quyết của Tập đoàn EVN tại 2 công ty này giảm lần lượt xuống còn 99,19% (từ 27.9.2018) và 99,87% (từ ngày 1.7.2021).

Năm 2024, EVN đề ra mục tiêu sản lượng điện bán của công ty mẹ là 268,846 tỷ kWh.

Kế hoạch vốn đầu tư thuần năm nay là 62.461 tỷ đồng; trong đó công ty mẹ là 12.672 tỷ đồng và các công ty con là 49.789 tỷ đồng.

Hồng Quang

https://thuongtruong.com.vn/news/evn-kinh-doanh-thu-lo-1-nam-boc-hoi-hon-10-von-chu-so-huu-121120.html