Eximbank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 17.470 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) chuẩn bị phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, qua đó vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 2.656 tỷ đồng.

Eximbank ngày 21/8 đưa thông tin liên quan đến việc nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc tăng vốn điều lệ thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Cụ thể, Eximbank dự kiến phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 18%, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được nhận tối đa 18 cổ phần mới.

Lần gần đây nhất EIB đã thanh toán cổ tức năm 2013 vào ngày 30/6/2014 cho cổ đông với tỷ lệ 4% bằng tiền mặt. Như vậy, sau 10 năm cổ đông của Eximbank sắp nhận được cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%.

Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 2.656 tỷ đồng. Dự kiến, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ sẽ hoàn thành trước ngày 31/10/2023.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 21/8, cổ phiếu EIB đóng cửa ở mức 23.000 đồng/ cổ phiếu.

Tại diễn biến liên quan, ngày 18/9 tới đây, Eximbank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) và các nội dung khác thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ.

Về tình hình kinh doanh tại Eximbank, sau 6 tháng đầu năm, khoản giảm trích lập dự phòng tại ngân hàng này chỉ còn 270 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau nửa năm chỉ đạt 1.675 tỷ đồng (giảm 24%) kéo theo lợi nhuận trước thuế tại Eximbank chỉ đạt hơn 1.405 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

So với kế hoạch 5.000 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm 2023, Eximbank mới chỉ thực hiện được 28% sau 2 quý đầu năm.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Eximbank tăng 3% so với đầu năm lên gần 190.301 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 12% còn 1.869 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN tăng 30% đạt 6.676 tỷ đồng, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng 41% đạt 36.734 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng nhẹ 1% đạt 131.849 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến 30/6/2023 là hơn 3.625 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm. Đáng chú ý là nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3,8 lần, chiếm 1.009 tỷ đồng. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu vọt tăng từ mức 1,8% đầu năm lên 2,75%.