F0 đánh chứng - cần làm gì để tồn tại?

Cảm ơn các bạn đã tham gia topic này. Mục tiêu topic chỉ là chia sẻ kinh nghiệm, không khuyến nghị đầu tư, các bạn cố giữ tinh thần đó cho nhẹ đầu khi đọc topic này nhé. Mỗi người có quan điểm đầu tư riêng, quan điểm đó có thể thay đổi tùy theo kinh nghiệm hay hoàn cảnh, chúng ta chỉ chia sẻ với nhau trên tinh thần học hỏi thôi.

Hôm nay mình muốn viết một chút về giá cả cổ phiếu và giá hàng hóa.

Tại sao giá hàng hóa tăng/giảm mà giá cổ phiếu lại đi ngược chiều?

Đầu tiền mình xin giải thích về hàng hóa: doanh nghiệp nào thì cũng có hàng hóa, nhưng ở đây mình muốn tập trung vô các mặt hàng nhạy cảm với thay đổi thị trường như dầu khí, thịt, cá, cao su,…

Điểm sai lầm lớn nhất của các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm là nghĩ giá cổ phiếu sẽ tăng giảm theo giá hàng hóa. Chúng ta hãy nên nhớ rằng ngoài yếu tố đầu cơ thì giá trị cổ phiếu còn lệ thuộc vào kỳ vọng về tương lai của nhà đầu tư. Kỳ vọng đó có thể là quý tới, năm sau, vài năm sau nữa, nhưng chắc chắn đó không phải là kỳ vọng về ngày mai hay tuần sau. Việc giá cả một mặt hàng lên xuống trong ngày hay trong tuần về bản chất chỉ ảnh hưởng đến tâm lý một số nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm chứ không ảnh hưởng mấy đến kỳ vọng tương lai lâu dài về một doanh nghiệp cụ thể.

Việc theo dõi giá hàng hóa từng ngày để quyết định mua hay bán một cổ phiếu nhất định là một việc làm vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe tinh thần và cũng như cho danh mục đầu tư/đầu cơ của chúng ta.

Một sai lầm nữa là chúng ta không tìm hiểu rõ về doanh nghiệp. Lấy ví dụ cũng là về thép, nhưng HPG, HSG, và NKG sẽ bị ảnh hưởng khác nhau bởi việc lên xuống của giá thép nói chung và giá từng loại thép đặc biệt nói riêng. Dầu khí cũng vậy, có đơn vị khai thác, có đơn vị chế biến sản phẩm, có đơn vị phân phối, vận chuyển, và cung cấp các dịch vụ liên quan. Việc lên xuống của giá dầu đầu vào, đầu ra sẽ có ảnh hưởng khác nhau đối với từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sai lầm quan trọng nhất vẫn là hiểu sai bản chất của giá. Đa phần các cổ phiếu ở VN tính đầu cơ rất cao. Một khi dòng tiền thông minh họ chưa gom đủ hàng, thì giá sẽ không thể lên được. Một khi dòng tiền thông đã gom đủ hàng, thì dù tình hình kinh doanh có xấu họ vẫn có thể đẩy giá lên. Nói một cách đơn giản là họ đã bỏ ra nhiều, rất nhiều tiền để gom hàng, thì họ không thể nào để dòng tiền của họ bị mắc kẹt trong cổ phiếu được. Họ cần phải phân phối lại các cổ phiếu đó với giá tốt hơn (nhiều) so với giá họ mua vào.

Chúng ta hãy nhớ rằng thị trường VN nói chung và thị trường toàn cầu nói riêng bị chi phối bởi các tay to có thể khuynh đảo thị trường. Họ sẽ bán trên vùng giá cao và mua ở vùng giá thấp. Đó là cách làm giàu của họ. Tất cả những thông tin mà chúng ta đọc được từ bất cứ nguồn nào thì:

  1. Có thể chính họ là người đưa ra các thông tin đó
  2. Hoặc bản thân họ đã nắm thông tin đó trước chúng ta

Tin chạy sau giá, hay tin ra để hợp thức hóa giá là vậy. Đối với F0 chưa có “tinh thần thép”, các bạn có thể hạn chế tham gia mua những cổ phiếu hàng hóa có độ biến động giá trong ngày/tuần quá cao (ví dụ như dầu). Các bạn nếu có tham gia thì hãy hạn chế đọc tin (trừ khi đã luyện được trình độ sàng lọc tin thượng thừa). Khi đọc tin thì chớ vội đưa ra bất kỳ nhận xét nào cả. Quan sát bảng điện là cách thức duy nhất để chúng ta nhìn được phản ứng của thị trường và đưa ra quyết định phù hợp.

2 Likes

Xử lý hàng bị kẹt
Nhân có bạn bị kẹt hàng, và mình cũng từng bị kẹt nặng đợt sụp vừa rồi, xin chia sẻ một số kinh nghiệm để xử lý với các bạn. Đây là kinh nghiệm của mình, có thể đúng, có thể sai, các bạn thấy sai cứ góp ý nhé.

I. Sàng lọc lại danh sách bị kẹt/kẹp
Việc đầu tiên là cần lọc lại danh sách theo các tiêu chí sau:
Margin:
a. Hàng có dùng margin
b. Hàng không dùng margin
Capital:
a. Hàng Large/cap
b. Hàng Mid cap
c. Hàng Small cap/penny
Loss:
a. Lỗ dưới 10%
b. Lỗ dưới 20%
c. Lỗ trên 20%

Đầu tiên là chúng ta cần ưu tiên xử lý hàng margin, vì hàng này chúng ta phát sinh lãi suất hàng tháng, và dễ xảy ra nguy cơ giải chấp. Nếu hàng margin lỗ dưới 10% mà thị trường vẫn đang đà sụp chúng ta nên mạnh dạn cắt một phần hoặc toàn bộ.

Với các cổ phiếu penny làm giá khi thị trường sụp đổ thì khả năng những cổ phiếu này giảm cực sâu là rất cao (đơn cử như DIG tạm gọi là mid cap đi thẳng từ ~18k về ~7k như hiện tại. Cắt ngay khi còn có thể là giải pháp tốt nhất.

Với các mức lỗ từ 20% trở lên thì khả năng cắt lỗ là rất rất thấp (đặc biệt là nếu có margin thì lỗ còn nhiều hơn nữa). Những cổ phiếu nào không cắt được chúng ta cần phải đi sang bước 2 để xử lý.

II. Đánh giá khả năng phục hồi
Thị trường có xuống sẽ có lên, đó là điều chắc chắn. Trăm năm rồi thị trường thế giới sao thì thị trường VN cũng vậy. Nếu bạn chờ 10 năm thì trừ khi công ty phá sản (ROS, FLC), giá cổ phiếu của bạn cũng sẽ quay về giá cũ. Tuy nhiên, chắc chắn là chúng ta không muốn chờ 10 năm rồi.

Việc đầu tiên là đánh giá khả năng hồi phục của từng cổ phiếu bạn nắm giữ. Thông thường VN30, big cap thì sẽ có khả năng hồi phục chắc chắn hơn, vì đơn giản thị trường muốn đi lên thì phải được dẫn dắt bởi những cổ phiếu “trụ” này.

Đối với các cổ phiếu còn lại, chúng ta cần đánh về mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Nói một cách đơn giản là những doanh nghiệp không kinh doanh bài bản mà chỉ buôn bán cổ phiếu thì sự hồi phục nếu có không nằm ở nội tại doanh nghiệp mà ở ý chí đội lái. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, thì cho dù giá cổ phiếu bị sụp do sự hoảng loạn của thị trường chung thì nó cũng sẽ từ từ quay lại giá trị thực của nó. Với các cổ phiếu làm giá (ví dụ như BII) thì cần phải xem là lái còn kẹt nhiều hàng phía trên không, hay họ đã gom đủ hàng để đánh lên tiếp chưa.

Nếu buộc phải cắt lỗ thì mình thiên hướng sẽ cắt dòng penny trừ những cổ phiếu mình đã hiểu rất rõ cách hoạt động của nó (ví dụ như HUT).

Khi thị trường sụp, hầu như ngành nào cổ nào cũng tràn ngập tin xấu. Bạn sẽ cảm thấy tận thế sắp đến. Hãy ngừng đọc tin và nghe khuyến nghị. Diễn biến giá và dòng tiền trên thị trường là thứ duy nhất bạn nên quan sát.

III. Chuẩn bị tiền mặt
Một khi bạn đã bị lỗ từ 20% hay thậm chí trên 30% thì khả năng chờ thị trường hồi về vùng giá cũ là rất lâu. Như vậy ngoài việc chờ và chờ bạn chỉ có 2 lựa chọn để phục hồi:
a. Kiếm lời từ những cú hồi để bù lỗ
b. Trung bình giá xuống để thoát hàng

Cho dù cách nào đi nữa, bạn cũng phải có tiền mặt. Nếu bạn không may mắn đã bỏ hết toàn bộ tiền vào cổ phiếu thì cách duy nhất là cơ cấu lại danh mục bằng cách bán một phần cổ phiếu đang nắm giữ. Một số kinh nghiệm của mình trong việc sử dụng bắt đáy:
a. Tập trung vào việc mua các cổ phiếu mình đang nắm giữ nếu có thể và không mua nhiều hơn tổng số cổ phiếu đang nắm giữ của mã đó (để có thể thoát hàng t0 ngay lập tức nếu cần thiết)
b. Không bắt dao rơi. Một cú hồi của thị trường sẽ kéo dài nhiều phiên chứ không chỉ một vài phiên. Nếu chỉ một vài phiên thì nó đơn giản là cũ nảy của mèo chết. Khi thị trường chung và cổ phiếu của chúng ta vẫn đang rơi thì tuyệt đối không mua thêm vào, hãy cứ để nó rơi, nảy lên, và lại rơi tiếp đến khi ngừng rơi hoàn toàn và bắt đầu đi lên.
c. Cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính (margin). Đây là lời đề nghị táo bạo của mình, và không dành cho những người không có kinh nghiệm nhất định, nhưng nó là cách nhanh nhất để khôi phục tài sản của bạn. Khi thị trường đã rơi rất sâu, tất cả các tài khoản bị giải chấp và giải chấp chéo đều đã bị bán ra (và chính việc này làm thị trường sụp sâu). Sau khi thị trường sụp về vùng đáy, đa phần các nhà đầu tư đều rất sợ việc dùng margin do ảnh hưởng sang chấn tâm lý. Điều này khiến cho việc sử dụng margin khá an toàn vì không còn sợ bị giải chấp chéo.

IV. Đừng vội bán ra khi về bờ
Mình có một cổ phiếu từng lỗ đến hơn 30% và sau đó quay lại lời đến 15% trước khi mình bán ra. Đa phần các nhà đầu tư như chim sợ cành cong, khi giá vừa hồi đến mức hòa vốn của họ là họ bán ngay lập tức. Điều này rất lãng phí vì nhiều khả năng cổ phiếu của bạn sẽ còn hồi tiếp tục nữa, và việc này sẽ tùy thuộc vào từng mã cổ phiếu nhất định (một số kinh nghiệm về quan sát dòng tiền mình đã có chia sẻ). Hãy trang bị kiến thức cho mình để tự đưa ra các quyết định phù hợp về việc khi nào bán ra là hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy rủi ro, bạn cũng có thể bán ra một phần cổ phiếu ở điểm hòa vốn và giữ lại một phần để quan sát.

3 Likes

Nếu nghĩ khó như vậy thì khó chơi lắm. Tay lớn cần thanh khoản lớn nên nhảy vào rút ra cần tgian dài, không linh hoạt như nđt nhỏ.

Nếu suy nghĩ đánh ck như lướt sóng, nhảy vào ở chân sóng nhảy ra ở đỉnh sóng thì sẽ dễ hơn, thị trường rất tự do và cơ hội lúc nào cũng có, mấu chốt là mình phải có chiến thuật hợp lý và xác định dc chân và đỉnh. Bài toán rõ ràng

1 Likes

Thực ra không ai biết được chân và đỉnh đâu. Chân và đỉnh chỉ xác định khi nó đã hình thành. Có đồng chí nào đó từng hô hào về 950 đó thôi. Nhiều nhà đầu tư huyền thoại của Mỹ cũng từng bắt dao rơi khi tìm cách bắt đáy.

Vì không xác định được đỉnh: nên chúng ta không thể tự ám ảnh mình bằng một đỉnh tưởng tượng và lui hết khỏi thị trường khi đến điểm đó. Nhiều khi chúng ta sẽ hụt ăn một con sóng lớn. Nếu dự đoán đỉnh chúng ta có thể có chiến lược đi tiền hiệu quả để phòng rủi ro chứ không thể đứng ngoài thị trường hoàn toàn. Có những người tự hào họ đã đứng ngoài thị trường tự đầu năm và mình thấy mắc cười về việc đó. Họ đã bỏ qua rất nhiều con sóng hồi nhỏ có thể mang lại lợi nhuận to lớn cho họ.

Vì không đoán được đáy: chúng ta không nên bắt dao rơi. Không mua khi chưa có sự phục hồi, và có chiến lược đi tiền hiệu quả để phòng những cú nảy mèo chết. Cũng có nhiều nhà đầu tư bắt dao rơi và đã lỗ càng thêm lỗ trong đợt sụp vừa rồi. Cũng có nhiều nhà đầu tư xác định đáy quá sâu nên ngồi chờ mãi thành ra lại ăn hụt những cú hồi vì quá cẩn trọng.

Cuối cùng thì người thắng là người kiếm được tiền và giữ được tiền các bạn ạ. Giữ mà không kiếm thêm thì cũng không thắng. Mà kiếm rồi không giữ được thì cũng là thua.

2 Likes

Đỉnh và đáy mình nói là điểm mua - điểm bán luôn là sóng dương là được, còn đỉnh và đáy thị trường thì vô chừng. Thị trường này tự chiến thắng bản thân thôi, vì mua hay bán là bản thân tự quyết định, chẳng ai làm khó được bạn trên con đường kiếm tiền từ thị trường này cả.

1 Likes

OCB xem như đã phân phối hết 1 vòng rồi (xem đồ thị tuần). Giá đã sát đáy và gần hỗ trợ. Volume đang bóp lại dần. Khả năng là vào vùng tích lũy lại nhé bác. Có thể sideway khoảng 16-20 để lái gom hàng lại đã. Có thể có sóng ngắn, vào ăn t+ rồi ra thôi chắc ăn còn chờ 1 con sóng to thì chắc còn lâu.

1 Likes

Mua chi nhiều cổ ngân hàng vậy bác? Hạn chế mua nhiều cổ phiếu cùng 1 ngành vì không phân chia rủi ro được nha. Mã này chưa mình coi sau nhưng bác hạn chế hỏi mã ở topic này nha vì đây không phải topic dành cho việc này và mình không phải chuyên gia (nhắc lại lần n). Hỏi mình trả lời sai thì đổ bể.

LPB có điểm trừ là giá lên, volume xuống chứng tỏ lực mua vào chưa đủ mạnh. Điểm cộng là trong 1 tháng gần đây giá dao động biên độ hẹp chứng tỏ đang có sự tích lũy. Cổ phiếu này đã phục hồi 40% từ đáy rồi, nên có thể sẽ còn sideway. Điểm quan trọng là thị trường chung đang hướng về vùng 1300 thì dễ có sự rung lắc mạnh thậm chí là một cú sụp rũ bỏ nhà đầu tư. Với LPB mình nghĩ nên quan sát, cẩn trọng, và nếu thị trường sụp mà nó không sụp mạnh hay không thủng vùng 12-13 thì có thể mua vào.

1 Likes

Nếu ai thắc mắc MM (market maker) làm gì, làm sao có lợi nhuận thì có thể tham khảo link này : https://www.nyse.com/publicdocs/nyse/markets/liquidity-programs/arca_lmm_fact_sheet.pdf

Đây là mẫu chương trình MM của NYSE, xem thì cũng có thể hiểu job description và incentive của MM ntn.

Ngày hôm qua CPI của Mỹ công bố lệch .2% so với dự tính, thị trường Mỹ có 1 phiên giảm điểm nghiêm trọng. Theo mình đây là phản ứng thái quá của thị trường, vì:

  1. Thị trường Mỹ đã có 4 phiên tăng điểm nhảy GAP
  2. CPI lần này tăng chủ yếu là do Shelter (https://www.bls.gov/news.release/pdf/cpi.pdf), chỉ số này có độ trễ rất lớn

Tóm lại đây rất giống 1 cú shakeout lớn của MMs. Dĩ nhiên Mỹ shakeout thì chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng, chưa kể là việc lãi suất sẽ tăng 75 điểm phần trăm là chắc chắn và sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế.

Hành động của chúng ta là:

  1. Quan sát, quan sát, quan sát. Không phải cổ phiếu nào cũng sẽ giảm, và không phải hành động giảm nào cũng “thật”
  2. Cân nhắc chiến thuật, ví dụ như mua thấp chờ hồi, hay bán cao mua thấp. Mỗi chiến thuật tùy thuộc vào tiềm lực tài chính, khả năng chấp nhận rủi ro, và lượng/loại cổ phiếu các bạn đang nắm.

Chúc các bạn một ngày giao dịch thành công, không mất hàng.

1 Likes

Các bác có còn thở không ạ? Đợt này thị trường sụp kinh quá.

Đợt này mình ôm cash nhiều, nhưng vẫn tiếc vì:

  1. Không dứt khoát cắt lỗ 1 số cổ phiếu ở vùng cao. Sau đợt này thề rằng thà cắt nhầm hơn bỏ sót.
  2. Quá lạc quan trong nhận định về vùng đáy thị trường. Sau đợt này thì cứ vùng đáy nhận định trừ đi thêm 10-15% cho chắc ăn.

Nhân tiện chia sẻ cho các bác một số mẹo để thoát hàng trong các đợt sụp, các bác suy xét xem phương pháp nào phù hợp với mình:

re-balance

Nếu mình đang lỗ 1 cổ phiếu, hôm đó cổ phiếu đó tăng mạnh (vẫn lỗ) nhưng mình dự đoán nó sẽ lại giảm, mình bán ra, và khi nó giảm mình mua lại một lượng cổ phiếu bằng đúng số tiền mình đã bán ra. Như vậy là mình tăng tổng số lượng cổ phiếu sở hữu ở mức giá thấp hơn nha các bác.

Ví dụ

  1. Mua 1000 cổ phiếu ở mức giá 120 (giá tổng là 120,000)
  2. Cổ phiếu lùi về 70
  3. Cổ phiếu tăng lên 100, bán ra toàn bộ (giá tổng là 100,000)
  4. Cổ phiếu lùi về 80, mua lại 1250 cổ (giá tổng là 100,000)
  5. Cổ phiếu lên lại 100 (giá tổng là 125,000)

Động tác này chỉ làm khi mình nắm chắc cổ phiếu trên sẽ đi lên chứ ko phải đi xuống vĩnh viễn nha các bác, nên cẩn thận với cổ phiếu rác không xài chiêu này được nha.

trung bình giá

Tương tự như trên, nhưng khi bán ra xong thì mua lại bằng đúng số lượng cổ phiếu đã bán (chứ không phải bằng đúng giá trị đã bán). Phương pháp này là phương pháp phòng thủ, vừa giảm bớt giá vốn vừa rút ra 1 phần tiền mặt để phòng thủ. Trong giai đoạn rủi ro này thì phương pháp này an toàn hơn phương pháp re-balance trên dù rằng việc hòa vốn hay có lời sẽ lâu hơn, nhưng lỡ như thị trường có sụp tiếp thì an toàn hơn.

Với cả 2 phương pháp trên, chúng ta có thể tăng thêm độ an toàn bằng cách chỉ rebalance/tbg 1/2 hay 1/4 tài khoản 1 ngày để đảm bảo lúc nào cũng có 1 lượng cổ phiếu sẵn sàng trên tay có thể bán tháo bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, nếu tài khoản còn tiền mặt thì chúng ta cũng có thể linh hoạt trong vận dụng, ví dụ như là mua trước bán sau (ví dụ đầu phiên cổ phiếu nhảy gap giảm mạnh mà vol không cao thì ta có thể mạnh tay mua vào hồi ra bán sau). Áp dụng an toàn nhất là mua ở giá sàn hay gần sàn để nhỡ nó không hồi thì ta chấp nhận bán ngay luôn hôm đó, chỉ lỗ thuế phí.

Nếu cổ phiếu mở gap ngày tăng mạnh mà vol không tương xứng thì cứ mạnh tay táng ra bán, thể nào nó cũng lùi lại để mua vào lại rebalance hay trung bình giá.

1 Likes

Với các bác đang kẹt hàng bên tài khoản margin, một mẹo chia sẻ với các bác là không nên nạp thêm tiền vào tài khoản đó (trừ khi bị quá giới hạn call). Khi tài khoản margin đang bị lỗ mà mình nạp tiền vào đó thì sức mua sẽ bị trừ đi (trừ vào khoản margin bị lỗ). Để tối ưu dòng tiền, mình mua bán trên tài khoản đầu 1, ví dụ mua đầu 1 và bán đầu 6 vừa re-balance/tbg lại vừa giảm tỉ trọng margin 1 công đôi việc.

Còn 1 cách nữa, liều hơn, là chúng ta mở nhiều hơn 1 tk chứng khoán (ví dụ nhờ vợ/chồng mở hay mở ở 1 công ty khác), nạp tiền vào tk margin bên đó để tăng sức mua dễ bề re-balance/tbg cứu tài khoản đang lỗ.

Chúc các bác mau về bờ.

1 Likes