Nhân một ngày mưa, có vài chia sẻ với các anh chị em F0 để chúng ta có thể hạn chế thua lỗ trên chiến trường khốc liệt này. Tất cả những chia sẻ của mình là trải nghiệm cá nhân, có thể đúng có thể sai, và cũng không có mục tiêu công kích hay dạy đời bất kỳ ai.
Topic của mình sẽ là 1 tập hợp của các bài viết ngẫu hứng, nhưng mình sẽ cố gắng xây dựng thành một khung sườn xuyên suốt để anh chị em F0 tham khảo. Mọi người thấy có gì không đúng thì cứ góp ý nhé để mình hiệu chỉnh.
Đặt mục tiêu S.M.A.R.T
Ai vào thị trường chứng khoán cũng để kiếm lời cả, nhưng chúng ta có sự khác nhau về dòng vốn, thời gian, khả năng chịu đựng rủi ro, và mức độ sinh lời mong muốn.
Lấy ví dụ như chúng ta muốn an toàn, thì tỷ lệ sinh lời phải thấp, và thời gian có thể phải lâu dài. Một cổ phiếu bluechip có thể trồi sụt biên độ lớn trong vài tháng hay thậm chí là năm, nhưng nếu đó là một công ty làm ăn tốt thì xu hướng chung vẫn là đi lên.
Ngoại trừ may mắn, thật khó để có thể nhắm mắt đầu tư vào một cổ phiếu nào đấy và kỳ vọng lợi nhuận tính bằng lần trong một khoảng thời gian ngắn. Và cho dù bạn có may mắn như vậy thì đến lần sau bạn cũng sẽ thua hết số tiền đã thắng vào một mã cổ phiếu chọn sai.
Hãy đặt mục tiêu cụ thể (Specific), Measurable (đong đếm được), Achievable (đạt được), Relevant (phù hợp), và Time bound (có thời hạn cụ thể).
Công sức đi liền với thành quả
Những tay cá mập chứng khoán ngoại trừ tiền bạc đều phải bỏ ra rất rất nhiều thời gian để học hỏi, nghiên cứu, và suy nghĩ. Đừng nghĩ rằng đầu tư theo broker, gia nhập một vài nhóm kín, thì bạn có thể thành công dễ dàng ở thị trường này. Khi bạn đặt mục tiêu cho mình, bạn phải xác định công sức mà mình bỏ ra phải tương ứng. Một số người thực sự thành công và kiếm được nhiều tiền từ ttck mà mình vinh hạnh được biết thực sự ngoài đời, họ đều ăn, uống, ngủ, nghĩ chứng khoán cả. Thành công không đến với kẻ lười biếng.
Quản trị rủi ro
Trước khi nghĩ đến việc kiếm lời, hãy nghĩ đến việc không lỗ đã. Quản trị rủi ro là một câu chuyện dài nhiều tập mà mình dự định sẽ chia sẻ sau. Tuy nhiên, mình muốn nhấn mạnh đến việc này vì đây là bài học cực kỳ đau thương và tốn kém của mình. Quản trị không tốt rủi ro sẽ khiến chúng ta mất đi tất cả lợi nhuận cực khổ kiếm được, và mất luôn cả chi phí cơ hội do kẹt nguồn vốn khi cần. Khi bạn lỗ 50%, bạn sẽ cần lời 100% để kiếm lại được khoản tiền đã mất. Khi bạn lỗ 10%, bạn chỉ cần lời 11-12% thôi. Hãy mạnh tay cắt lỗ.
Hiểu rõ bản chất của thị trường
Đã có 1 topic nói về chủ đề VSA rất hay, mình không muốn đi sâu vào: Tu viện VSA. Tuy nhiên, mình muốn nhấn mạnh việc hiểu rõ bản chất của thị trường chứng khoán. Ngoài chức năng chính là một nơi cho các doanh nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư đại chúng để phát triển, nó còn là công cụ kiếm tiền và điều tiết thị trường của các tổ chức. Các tổ chức này có lớn (nhà tạo lập), có nhỏ (đội lái), có nhà nước và cũng có tư nhân, có trong nước và có ngoài nước. Hiểu rõ họ là ai, họ muốn gì, cách họ đạt được cái họ muốn như thế nào sẽ giúp bạn có những quyết định đầu tư phù hợp. Bạn sẽ không chiến thắng được họ đâu, nhưng bạn cần đứng cùng chiến hào với họ để ăn ké một ít thức ăn thừa của họ. Thị trường chứng khoán không phải là một cuộc chơi tổng bằng không (vì doanh nghiệp và nền kinh tế có sự phát triển thật sự và mang lại lợi ích cho nhà đầu tư). Tuy nhiên, ở cuộc chơi ngắn hạn, thì mình xem nó là một cuộc chơi tổng bằng không (zero sum), và big boys (các tay chơi lớn) sẽ ăn khoảng 80-90%, nhỏ lẻ thông mình sẽ ăn khoảng 5%, còn lại là phe thua lỗ.
Tản mạn về các thể loại nhà đầu tư/đầu cơ:
Mình thấy ở nước ngoài họ phân chia rất rõ, và các kiến thức và công cụ cho từng loại cũng khác nhau, xin mạn phép chia sẻ sau đây:
Scalping: tạm gọi là lướt sóng. Đặc điểm là các giao dịch này chỉ tiến hành trong vài giây hoặc 1 vài phút. Họ sẽ mua vào và bán ra ngay lập tức để ăn lời vài điểm % rất nhỏ. Mỗi ngày họ có thể đi rất rất nhiều lệnh và họ tích lợi nhuận nhỏ nhưng theo số lượng lớn. Công cụ họ dùng là các công cụ phân tích kỹ thuật (Đồ thị giá và các chỉ báo). Ở Việt Nam có thể scalping trên sàn phái sinh (và hàng hóa?)…
Day trading: Những người đặt lệnh mua/bán và chốt trong ngày. Họ thường không đặt nhiều lệnh như swing traders, họ sẽ mở vị thế vào đầu ngày và đóng vị thế vào cuối ngày. Ngoài các chỉ báo kỹ thuật họ cũng dựa vào các phân tích về thị trường và xác định xu hướng trong ngày. Ở Việt Nam có thể scalping trên sàn phái sinh (và hàng hóa?).
Swinging: Các vị thế được mở và đóng sau vài ngày (t+). Đây là loại hình chủ đạo ở VN, các nhà đầu cơ sẽ mua cổ phiếu và bán sau đó 3+ ngày. Ngoài các chỉ báo kỹ thuật, các nhà đầu cơ có thể dựa vào phân tích thị trường và xác định xu hướng ngắn hạn.
Positioning: Đây là kiểu đầu tư của Warren Buffet. Một quyết định đầu tư được cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng và thông thường họ sẽ không chốt lời trong vài tháng đến vài năm. Mô hình đầu tư này chưa phổ biến ở VN nhưng nó thích hợp với những người có khả năng phân tích vĩ mô, có tâm lý vững vàng không bị ảnh hưởng bởi những khủng hoảng ngắn hạn, có cái đầu lạnh không bị tác động bởi ý kiến của mọi người xung quanh.
Tiếp nhận thông tin một cách thông minh
Hãy nhớ rằng tất cả các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán (bao gồm cả người viết bài này), đều mong muốn tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc tác động đến hành vi của các người tham gia khác. Những nhà tạo lập thì có các công cụ như là quyết sách của chính phủ hay media chính thống, các đội lái nhỏ thì có các kênh z-a-l-o, t-e-l-e-g-r-a-m, các thể loại chim lợn, chim bìm bịp khắp các diễn đàn. Khi tiếp nhận một thông tin, bạn cần phải bóc tách phần thông tin (facts) ra khỏi các nhận định mang tính chủ quan, cảm xúc.
Có thể lấy ví dụ như gần đây có chuyên gia Lã Giang Trung nhận định ttck về 950. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi là ông ta là ai, ông ta có lợi gì khi thị trường chứng khoán đi xuống 950, ông ta có hại gì khi thị trường chứng khoán đi lên? Các thông tin do ông ta đưa lên có số liệu xác thực không, các số liệu đó có thể được xác nhận bởi các nguồn khác nhau không, có những số liệu gì khác mà ông ta cố tình không đề cập không?
Media Việt Nam gần đây dựa vào nhận xét “thê thảm” của chủ tịch Long mà liên tục bơm bài về một viễn cảnh tối đen của ngành thép. Họ cố tình bỏ qua việc thép đang liên tục tăng trong những ngày gần đây trên sàn giao dịch Thượng Hải kể từ khi TQ mở cửa lại. Họ không đề cập gì đến khả năng TQ thả lỏng và khuyến khích bđs và đầu tư công có thể đẩy nhu cầu thép xây dự lên cao. Mục tiêu của media là gì chúng ta không đi sâu, nhưng chúng ta phải hiểu rõ bản chất của media là công cụ cho giai cấp cầm quyền và cầm tiền để định hướng luồng dư luận mà thôi.
Elon Musk, lái chúa của thị trường chứng khoán Mỹ vừa đưa ra nhận định “cực kỳ bi quan” về nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên đọc kỹ thì hình như mục đích của ông ta là muốn sa thải 10% nhân sự mà đỡ tốn phí thôi. Chúng ta khi tiếp nhận thông tin cần phải đa chiều và có sự đào sâu suy nghĩ.
Chỉ tin thị trường
Tiền của bạn, đừng tin ai cả. Hãy cứ tham gia các rooms khuyến nghị, hãy cứ tham vấn các chuyên gia nhận định về thị trường hay một mã cổ phiếu nào đó, nhưng đừng tin ai cả. Bạn phải nhớ rằng mỗi người đều có mục đích và ý kiến cá nhân riêng và những thứ đúng với họ có thể không đúng với bạn. Tiếp nhận các nguồn thông tin và kiểm chứng lại bằng chính các phân tích của mình để đưa ra quyết định của bản thân.
Cũng đừng tin vào chính mình. Chúng ta thường có xu hướng không chấp nhận sai lầm, và khi thị trường đưa ra những tín hiệu ngược chiều với luồng suy nghĩ của chúng ta, chúng ta sẽ bảo thủ và cố bảo vệ luận điểm của mình. Việc này dẫn đến việc chúng ta bỏ qua cơ hội đầu tư, hoặc không mạnh tay cắt lỗ để bảo toàn tài sản. Những nhà đầu tư, đầu cơ càng giỏi và càng dày dặn kinh nghiệm thì càng dễ phạm sai lầm là quá tự tin vào bản thân. Hãy cho phép bản thân được sai lầm và hãy sẵn sàng sửa lỗi của mình ngay lập tức.
Mình may mắn khi vừa tham gia thị trường chứng khoán không lâu đã “va vào” đợt sập kinh hoàng của năm nay. Cú sập này khiến mình có lúc âm gần non nửa tài khoản. Vì không mạnh dạn cutloss như lời khuyên của những đàn anh đi trước mà mình phải nhìn tài khoản âm đến mức chán nản.
Trong những giờ phút đó, mình lôi sách ra đọc, học hỏi thêm thông tin từ các nguồn khác nhau. Chính từ những thông tin và kiến thức đó giúp mình có can đảm bám trụ không bán tháo trước cổng thiên đường.
Tuy nhiên, khi thị trường hồi lại, mình lại phạm phải sai lầm không mạnh tay cắt lỗ do tâm lý tiếc nuối và sự tự tin mù quáng vào phân tích của bản thân mà không tuân theo nguyên tắc quản trị rủi ro. Cho đến giờ phút này, những sư phụ của mình đều đã chuyển bại thành thắng và đã lấy lại tất cả những gì đã mất và hơn thế nữa thì mình vẫn còn đang cách bờ một tí tẹo.
Hành xử theo cảm xúc và không tuân theo một bộ quy tắc chuẩn mực là cách nhanh nhất để mất hết tất cả trên thị trường khốc liệt này.
Cảm ơn bạn, cũng mong mọi người thành công trong cuộc chơi này thôi. F0 thì phải giúp nhau vậy.
Các chỉ báo kỹ thuật (indicators)
Technical Analysis, hay còn gọi là phân tích kỹ thuật, là việc dự báo xu hướng tương lai dựa trên các thông số quá khứ và hiện tại. Chúng ta thường nói về các chỉ báo kỹ thuật, nhưng mình cảm thấy là chúng ta cần tìm hiểu rõ về bản chất của các chỉ báo này, và hiểu rõ vì sao nó đúng (hay sai).
Đầu tiên phải nhắc lại rằng đây là dự báo, tức là nó có thể đúng, và cũng có thể sai. Nói 1 cách nôm na, nó giống như việc chúng ta ứng dụng kinh nghiệm dân gian như là “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Quá lệ thuộc vào các chỉ báo có thể dẫn đến những sai lầm chết người.
Một số thị trường như Mỹ, các chỉ báo kỹ thuật căn bản hầu như độ chính xác rất thấp. Lý do chính là hầu như mọi người đều hiểu và dùng các chỉ báo này, nên các tay to lợi dụng điểm đó để “giết” ngược lại. Ở Việt Nam chúng ta cũng hay nghe việc các đội lái “vẽ” chart là vậy, họ biết mọi người tìm kiếm những chỉ báo nào trên đồ thị, và họ cố tình điều khiển mọi thứ theo đúng chỉ báo đó để lừa chúng ta. Bên cạnh đó, việc rất nhiều người cùng sử dụng chung một chỉ báo (ví dụ điểm kháng cự hay hỗ trợ) dẫn đến việc chúng ta cùng hay hành động như nhau (ví dụ cùng bán khi đến 1 mức giá cụ thể). Như vậy chỉ báo dự báo đúng hành động hay là do hành động của chúng ta khiến cho chỉ báo trở nên đúng? Đơn cử như các mốc Fibo được áp dụng khá nhiều ở Việt Nam, theo mình nghĩ đó là do hành động khiến chỉ báo trở nên đúng. Nói một cách khác, đường là do nhiều người đi mà thành.
Khi mới bắt đầu tìm hiểu, mình thực sự choáng với các loại đồ thị (nến nhật, bar, heikin ashi, renko…), các mẫu hình vai đầu vai, cốc cầm tay etc. Một điểm mình nhận ra (khá ngạc nhiên), là rất ít tài liệu lý giải lý do các chỉ báo này đúng. Hiểu rõ diễn biến tâm lý đằng sau các chỉ báo sẽ giúp chúng ta áp dụng chúng một cách linh hoạt và ít máy móc hơn. Ví dụ cho mẫu hình vai đầu vai: Sentiment analysis in the Head and Shoulders pattern
Nói sâu hơn một chút về các chỉ báo: tất cả thông tin mà chúng ta có trên thị trường là giá cả và khối lượng. Nếu đào sâu hơn nữa, chúng ta có thể có những thông tin như khối lượng (và giá) bán chủ động và mua chủ động, tuy nhiên những thông tin này cũng có thể gây nhiễu. Hiện tại mình tập trung vào giá và volume thôi. Ngoại trừ các mẫu hình nến thì hiện tại có các loại chỉ báo kỹ thuật sau:
Trend: chỉ báo về xu hướng. Việc xác định xu hướng là cực kỳ quan trọng, vì đi ngược xu hướng giống như việc bơi ngược dòng nước, mất sức vô cùng và dễ chết chìm. Bạn cần nhớ trong xu hướng lớn có xu hướng nhỏ, trong xu hướng nhỏ có xu hướng nhỏ hơn. Ví dụ như bạn là Scalper thì bạn hoàn toàn có thể Long/Call khi xu hướng chung là Down Trend, đơn giản vì trong Down Trend vẫn có các con sóng hồi. Một số chỉ báo xu hướng thường gặp là SMA, EMA, TMA,… Các bạn lưu ý là các cảnh báo trend thường có độ trễ, tức là nó phản ánh việc đã xảy ra chứ không phải là xu hướng tương lai. Đối với những người trade trong khung thời gian ngắn như Scalpers thì họ thường dùng các chỉ báo hạn chế tối đa độ trễ (ví dụ Zero lag SMA, EMA). Tuy nhiên, điểm bù trừ là nếu bạn giảm độ trễ thì rất dễ bị các tín hiệu sai (false signals).
Mean Reversion: các chỉ báo về hiện tượng trở về trung bình. Nó dựa trên 1 lý thuyết cho rằng mọi thứ (ở đây là giá) sẽ có xu hướng quay về điểm trung bình. Các bạn thường nghe các chỉ số như Bollinger Bands nó thuộc về nhóm này.
Relative strenght: các chỉ số về quá mua, quá bán. Tương tự như mean reversion, nó dựa trên lý thuyết cho rằng một khi một món hàng (cổ phiếu) được mua hay bán quá mức thì nó sẽ phải quay lại điểm cân bằng.
Momentum: các chỉ số động lượng. Tưởng tượng giá cả thay đổi như 1 viên đạn bắn ra, nếu tốc độ càng nhanh thì khả năng xuyên thủng càng cao. Các chỉ số tiêu biểu là các đường MACD.
Volume: cả 4 chỉ số trên hầu như đều chỉ tập trung vào giá nhưng bỏ qua 1 yếu tố quan trọng nhất là khối lượng. Điểm yếu của giá là nó rất dễ bị thao túng đặc biệt là với các cổ phiếu có thanh khoản thấp. Nói một cách đơn giản nếu một món hàng nhìn qua có vẻ tốt nhưng lại không có nhiều người mua thì chưa chắc nó đã là một món hời. Các chỉ số tiêu biểu có thể kể đến là VWAP, OBV. Các bạn có thể đọc thêm về VSA trong topic mình có link phía trên để tham khảo thêm về cách phân tích volume.
Có nên trả tiền tham gia các khóa học và hội nhóm?
Không và có. Nếu bạn kỳ vọng tham gia các khóa học và hội nhóm để được phím hàng, theo mình là không. Như mình đã phân tích, về ngắn hạn thì ttck giống như là Zero Sum game, nếu ai cũng thắng hết thì kẻ thua là ai? Nếu 1 ai đó biết chắc chắn 1 mã nào đó sẽ thắng thì họ bán nhà all in chứ cần gì thu phí phím hàng?
Nếu bạn tham gia để học hỏi kiến thức, theo mình nghĩ là không cần. Tài liệu trên mạng rất nhiều, và đa số đều miễn phí cả. Hãy bắt đầu từ đó trước. Một khi đạt đến trình độ nào đó mà cần kiếm sư phụ và thực sự kiếm được sư phụ bạn có thể cân nhắc tham gia các hội nhóm có phí. Theo ý kiến cá nhân của mình thì vẫn là không cần thiết.
Hãy kiếm những người bạn cùng chí hướng để chia sẻ thông tin, trau dồi kiến thức, và nâng cao kỹ năng. Có một người bạn chơi chung sẽ giúp mình rất nhiều về vấn đề tâm lý đặc biệt là khi thị trường vào những giai đoạn khó khăn.
Tản mạn một tí về vấn đề tin tức. Ở thị trường VN hay có những câu như “tin xấu ra là mua”, hay “tin tốt ra là bán”, hay là “tin đã được phản ánh vào giá”. Mình thấy đây là vấn đề mà tất cả F0 cần lưu ý. Như mình đã phân tích, thị trường bị thao túng bởi big boys (thị trường nào cũng vậy, Việt Nam cũng vậy mà Mỹ cũng vậy). Big boys họ có 3 thứ:
Tiền
Quyền
Thông tin
Họ dùng 3 công cụ này một cách nhịp nhàng để thao túng thị trường đi theo hướng mà họ muốn. Dĩ nhiên họ không thể một tay che trời, nhưng họ che cũng gần nửa bầu trời. Các thông tin mà chúng ta tiếp nhận qua bất cứ kênh nào thì họ đã biết trước chúng ta lâu lắm rồi. Thậm chí chính họ là người đưa ra các thông tin hay quyết sách đó. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ có thể “phản ứng” một cách thụ động thôi.
Để tồn tại, chúng ta cần thấu hiểu ý muốn của big boys và thuận theo họ. Ví dụ như họ muốn đè giá thị trường xuống thì chúng ta phải bán (và bán sớm trước những người khác), họ muốn đẩy giá thị trường lên thì chúng ta mua (và mua trước những người khác). Muốn như vậy, chúng ta phải đọc vị được họ thông qua việc phân tích giá, khối lượng, và tiếp nhận thông tin một cách chiến lược. Nói một cách nào đó, mình thấy chơi ck giống như đánh cờ (và mình đánh cờ hơi bị tệ). Chúng ta cần xâu chuỗi các sự kiện và “đọc vị” được đối thủ giấu mặt phía sau bàn cờ để dự tính các nước đi phản đòn.
Cảm ơn bạn. Mình đã gặp được những sư phụ chỉ bảo mình, nên mình trả ơn họ bằng cách truyền lại lửa. Nói 1 cách nào đó là mình đi gieo duyên, và mong các bạn nào vô tình đọc được và thấy có lợi ích thì sẽ lại gieo những duyên này cho những người khác. Bên cạnh đó, viết cũng là một cách để mình lọc lại những suy nghĩ của mình.
Kết ngày hôm nay bằng một chia sẻ về cắt lỗ. Có thể nói là cắt lỗ là bài học đầu tiên mà mình được học, và là bài học cuối cùng (đến giờ phút này) mà mình vẫn phải mãi học. Có thể tâm lý con người chúng ta nói chung là sự tiếc nuối những gì đã mất, và sự kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Chính những suy nghĩ này khiến cho việc cắt lỗ trở nên rất khó. Chúng ta chần chừ, chúng ta không muốn chấp nhận mình sai, chúng ta hy vọng một phép nào đó sẽ giúp mình có thể sửa lại sai lầm của mình. Chúng ta đi tìm những nguồn thông tin để củng cố cho luận điểm sai lầm của mình. Chúng ta không nhìn những cảnh báo đến từ thị trường.
Vì vậy, bài học đầu tiên là phải cắt lỗ. Mua vì cái gì, thì bán vì cái đó. Đa phần chúng ta là Swing trader (trade t+), chúng ta mua cổ phiếu vì hy vọng bán lại và ăn chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Các bạn cần xác định:
Mức độ chịu lỗ (một con số % cụ thể. Theo mình là không quá 10%)
Cách thức quản trị rủi ro (không all-in khi thị trường sideway. Không mua hết trong cùng 1 ngày mà tách ra 1-3 ngày để mua vào).
Hạn chế nắm giữ quá nhiều cổ phiếu
Điều số 3 của mình có vẻ đi ngược lại với rất nhiều lời khuyên của những người khác, mình xin nhận gạch đá. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, khi nắm giữ quá nhiều cổ phiếu mình rất khó quan sát tất cả cổ phiếu này cùng 1 lúc. Điều này dẫn đến sai lầm khi quyết định điểm vào 1 cổ phiếu và chậm trễ khi quyết định điểm ra 1 cổ phiếu. Chúng ta có thời gian và trí lực hữu hạn, chúng ta không nên dàn trải trí lực vào quá nhiều cổ phiếu cùng 1 lúc. Hãy tập trung vào 1-2 cổ phiếu cùng 1 lúc thôi, và ưu tiên xử lý lời lỗ cổ phiếu đó trước khi chuyển đổi danh mục. Nó cũng giống như học trường chuyên, lớp chọn vậy. Chúng ta không thể học giỏi tất cả các môn được (trừ một vài thần đồng hiếm gặp ra).
Khi cổ phiếu của bạn bị lỗ, hãy mạnh dạnh cắt ngay khi có thể. Có thể cổ phiếu đó sẽ lên lại ngay khi bạn vừa cắt lỗ, nhưng điều đó chỉ chứng tỏ là quyết định vào ban đầu của bạn đã sai (sai về thời điểm, sai về phân tích lý do cổ phiếu đó sẽ tăng, etc…). Việc kỳ vọng vào một phép màu nào đó có thể giúp sửa đổi sai lầm của chúng ta cũng giống như việc hy vọng trúng số độc đắc vậy. Thay vì đặt tiền bạc của mình vào tay của vận mệnh, hãy nhanh chóng cắt lỗ và tìm kiếm một cơ hội tốt hơn. Khi bạn làm như vậy, bạn có thể đảm bảo mình có toàn quyền quyết định về thời điểm, mã cổ phiếu, và tổng giá trị đầu tư của mình.
Trong các chỉ báo, RSI và Fibonacci là 2 loại mà Việt Nam dùng nhiều nhất và theo mình đánh giá là 2 trong những chỉ báo tồi tệ nhất.
RSI:
Quá nhiều người dùng, và càng nhiều người dùng thì càng có khả năng bị thao túng
Chỉ số này hầu như không thể thông báo thời gian cụ thể (bạn không biết khi nào giá đảo chiều và có thể vào hay ra quá sớm) https://youtu.be/xIxRXH_yYG0
Fibonacci:
Hằng số của chúa? Bạn nên đi mua vé số thì tốt hơn.
Tương tự rsi, quá nhiều người dùng nó khiến nó vô tình đúng và rất dễ bị thao túng
2 chỉ báo trên, theo ý kiến cá nhân của mình, nếu bạn có dùng thì chỉ nên dùng nó để phán đoán những người khác sẽ hàng xử như thế nào.
Lại là mình đây, hôm nay lại ngồi tổng kết lại nhân 1 ngày thị trường khá buồn ngủ. Mình chia sẻ cách đặt các điểm mốc cắt lỗ của mình, hy vọng sẽ giúp ích được các bạn mới. Nếu các bạn nào có cách nào tốt hơn đừng ngại chia sẻ nhé.
Mình đặt ra rất nhiều mốc chốt lỗ, cứ mốc nào chạm trước thì chốt ngay và luôn:
Chốt lỗ cứng 1: tính theo % của tổng số vốn đầu tư. Mình thấy nước ngoài họ hay để 2%, nhưng ở VN thì mình thấy để chừng 5-10% hợp lý hơn. Nó tùy thuộc vào cổ phiếu mình vào nữa, ví dụ 1 số con penny nó chạy trong ngày rất kinh thì có thể nới biên độ tí nhưng mình nghĩ 10% là mức tối đa. Nếu bạn dùng margin thì nhớ tính thêm margin vào công thức.
Chốt lỗ cứng 2: tính theo mức độ giao động giá trung bình của một ngày (chỉ số ATR). Lấy ví dụ ATR của SSI đang là khoảng 1460 đồng, mình sẽ lấy 1.5x hay 2x tức là khoảng 2190 tối đa (giá hiện tại là 28950 đ). Một cách khác là dùng ATR của 3 ngày (do vấn đề t3), nhưng ATR của 3 ngày của SSI hiện là 2929 đ, hơi cao.
Chốt lỗ động: trong trường hợp mình có lời, mình sẽ di chuyển mức độ cutloss của mình lên theo mức lời. Nếu giá đóng cửa tăng trên 2 ATR (2920 đồng) so với giá mình đã mua ban đầu, mình sẽ di chuyển điểm stoploss số 1 và số 2 của mình lên tương ứng với mức mới (ví dụ như giá mới là 31870 thì stoploss số 2 sẽ là 29680 đồng). Việc chốt lỗ động giúp mình tối ưu hóa lợi nhuận.
Chốt lỗ theo tín hiệu: mình sử dụng một số chỉ báo, và nếu chỉ báo của mình phái tín hiệu thoát thì mình lập tức chốt cho dù đang lỗ hay lời ở mức độ nào. Thông thường 80% trường hợp là chỉ báo của mình sẽ giúp mình thoát trước khi mình phải chốt lỗ theo các mức 1,2,3 như trên. Bạn hãy cố gắng tự nghiên cứu và tìm một chỉ báo nào phù hợp thì bạn sẽ tối giảm mức lỗ.
Theo mình nghĩ Fibonacci cũng có cái diệu dụng của nó đó là kiểm tra breakout có thành công hay không. Đơn cử như đợt breakout ngày hôm qua được xác nhận là fail break vì 3 lý do sau:
Thứ nhất, giá đóng cửa của ngày hôm kia đều cao hơn giá đóng cửa của 2 ngày trước đó.
Thứ hai, giá mở cửa của ngày hôm qua ở dưới mức 0.382 (tính từ 1536.45 đến 1156.54).
Thứ ba, ta lấy giá đóng cửa của ngày hôm kia trừ đi giá thấp nhất của ngày hôm kia. Sau đó đem kết quả tính được cộng với giá đóng cửa của ngày hôm kia thì ta thấy cao hơn mức 0.382 (tính từ 1536.45 đến 1156.54).
Qua ba yếu tố trên, mình đi đến xác nhận là fail break!
Trên đây là quan điểm của mình về fibonacci xin được chia sẻ với bạn. Chúc bạn luôn mạnh khỏe, vui vẻ nhé.
Mình không nghĩ Fibo là vô giá trị, như mình đã nói 1 chỉ số càng nhiều người dùng thì sẽ càng có giá trị để hiểu/đoán tâm lý đám đông. Tuy nhiên, dùng 1 hằng số hư ảo để làm căn cứ cho việc đầu tư thì mình vẫn cảm thấy không ổn. Dĩ nhiên nếu bạn dùng hằng số đó và kiếm được lợi nhuận từ đó thì điều đó là một điều tốt và bạn vẫn nên dùng thôi