FED giảm lãi suất, rồi sao nữa?

Chào các bác, nhân dịp đầu tuần sau, FED sẽ có cuộc họp diễn ra vào ngày 17-18/9 để công bố thông tin về mức giảm lãi suất, hôm nay, em muốn chia sẻ với các bác quan điểm của em về việc khi FED giảm lãi suất thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đi về đâu.

Em biết là có rất nhiều bác ở đây khi đọc những thông tin chia sẻ của các bác trong giới tài chính sẽ cảm thấy đôi lúc có một số thuật ngữ khó hiểu. Nên hôm nay, em sẽ cố gắng giải thích một cách dễ hiểu nhất bằng ngôn ngữ đời thường cho các bác, thông qua quy luật cung cầu, vì em nghĩ bác nào ở đây cũng đều đã biết qua quy luật cung cầu rồi.

Và lưu ý là, bài viết này em sẽ không bàn đến việc FED giảm lãi suất thì nền kinh tế hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm, vì điều này là rất khó dự đoán, và cần các chuyên gia tài chính vào cuộc tính toán. Em nghĩ mình chưa đủ trình nên không dám dự đoán bừa các bác ạ.

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu, tại sao năm 2022, FED lại tăng lãi suất? Đó là do kiềm chế lạm phát và thu hồi cung tiền sau đợt bơm tiền ra nền kinh tế vào thời Covid-19.

Vậy thì hiện giờ, tại sao FED phải giảm lãi suất? Đó là do lạm phát đã được kiểm soát (nhìn vào các chỉ số đo lường lạm phát như CPI & PPI đều đã giảm), nên FED sẽ giảm lãi suất để kích cầu nền kinh tế quay trở lại.

CPI mà giảm, đồng nghĩa với việc giá sản phẩm giảm xuống (vì CPI là chỉ số đo lường giá tiêu dùng). Vậy thì theo quy luật cung cầu, đâu là nguyên nhân làm cho giá giảm:

  • Một là, cung tăng lên
  • Hai là, cầu giảm xuống

Mà nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ, thất nghiệp tăng lên → Cho thấy các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất nên mới sa thải nhân viên. Chính vì vậy, từ việc thu hẹp sản xuất giúp ta loại trừ yếu tố đầu tiên ở trên (là do cung tăng lên), và có thể xác định hiện giờ cầu ở Mỹ đang giảm. Nền kinh tế đang yếu, nên người dân cũng ít chi tiêu hơn → doanh nghiệp làm ăn không có lợi nhuận.

Giả sử, hiện giờ bác đang là chủ doanh nghiệp ở Mỹ, bác hãy trả lời 2 câu hỏi này giúp em:

  • Hiện giờ cầu đang ít, bạn có muốn sản xuất nhiều hàng để bán không? Tất nhiên là không, vì có ai mua hàng đâu
  • Và giả sử FED giảm lãi suất xong trong đợt tháng 9 này, bạn có đi vay để mở rộng sản xuất không? Lại càng không, vì tại sao phải đi vay khi mình biết rằng những tháng sau, những quý sau lãi suất sẽ còn giảm sâu hơn nữa?

Và từ yếu tố cầu giảm như em đã nêu ở trên, thì tất nhiên, là doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất, làm nền kinh tế Mỹ yếu đi. Vậy điều này ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Như các bác cũng đã biết, hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là xuất khẩu sang Mỹ. Bây giờ, doanh nghiệp Mỹ thu hẹp quy mô, không mua hàng từ Việt Nam về để sản xuất kinh doanh nữa, thì tất nhiên, nền kinh tế của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Còn về mặt thị trường chứng khoán Việt Nam, em đánh giá trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán vẫn sẽ có tâm lý tích cực và tăng. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, thị trường sẽ giảm điểm.

Bạn hãy nhớ lại ở đầu bài viết, mình cũng đã nói, FED giảm lãi suất do đã kiểm soát được lạm phát. Nhìn vào tin tức đó, tâm lý nhà đầu tư có mừng không? - “Ô mừng quá, FED tăng lãi suất từ năm 2022 đến bây giờ mới giảm lãi suất, chứng tỏ là nền kinh tế hết lạm phát rồi, thật là một tin tích cực”. Nhiều bác chắc sẽ nghĩ như vậy.

Và lúc này, nhìn vào số liệu nền kinh tế Việt Nam thì vẫn tốt, chứng tỏ nội tại kinh tế Việt Nam mình cũng không có gì ảnh hưởng, nên trong ngắn hạn, thị trường sẽ tăng là điều dĩ nhiên (lãi suất giảm → thị trường chứng khoán tăng là những gì chúng ta được dạy trong môn kinh tế vĩ mô lúc học đại học)

Vậy thì trong trung và dài hạn thì sao? Em nghĩ thị trường chứng khoán sẽ giảm điểm, do độ trễ của nền kinh tế.

Đầu tiên, các bác có nhớ là tin tức TNG full đơn hàng cho 6 tháng, full đơn hàng cho cả năm là xuất hiện từ khi nào không? Mấy tin này xuất hiện từ đầu năm. Điều này chứng tỏ là các doanh nghiệp quốc tế nhập khẩu hàng từ Việt Nam mình sẽ đặt hàng trước hàng quý, hàng năm.

Bây giờ, giả sử hết quý III, nền kinh tế bắt đầu yếu, doanh nghiệp Mỹ thấy người dân không có cầu chi tiêu mua sản phẩm nhiều nữa, doanh nghiệp sẽ chủ động thu hẹp quy mô và đặt hàng từ Việt Nam ít hơn cho năm 2025.

Lúc này, bản thân chúng ta là nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường, liệu có biết được tin này không? Full đơn hàng, tin tốt thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đăng lên kéo giá cổ phiếu, còn mấy tin xấu kiểu này doanh nghiệp có tung ra cho các bạn biết không?

Hay chúng ta phải đợi đến hết quý, có số từ báo cáo tài chính, có số liệu từ tổng cục thống kê thì mình mới biết?

Đến lúc chúng ta biết những tin này, thì thị trường chứng khoán cũng đã tạo đỉnh ngắn hạn và đi xuống rồi, đó là lý do vì sao trong trung và dài hạn thì thị trường chứng khoán mới bắt đầu giảm, do có độ trễ thông tin trong nền kinh tế.

Quan điểm của em là vậy, em đã cố gắng hạn chế sử dụng những thuật ngữ tài chính để giải thích dễ hiểu nhất cho các bác. Nếu các bác có quan điểm khác thì hãy chia sẻ cho em để cùng nhau học hỏi nhé.

Các bác có thể chia sẻ quan điểm cho em biết nha

Đầu tư mà chờ tin tức thì ăn c*t, Fed nó giảm lãi suất mà tỷ lệ thất nghiệp tăng, cầu tiêu dùng giảm thì giảm làm cmj ?? Còn việc kinh doanh khi lãi suất giảm thì cơ bản nó cũng tiết giảm được kha khá chi phí rồi. giảm là 1 chu trình chứ ko phải giảm 1 lần là xong. Bài viết mâu thuẫn lúc thì nói quá khứ, lúc thì nói tương lai. Chứng khoán VN thì cái thằng xuất khẩu được bao nhiêu %?? Mỹ là Mỹ, VN là VN đừng có đánh đồng

  1. Đầu tư vẫn phải xem xét tình hình vĩ mô, tình hình kinh tế như thế nào, để đưa ra kịch bản dự đoán và đầu tư. Đưa ra kịch bản xong thì khi FED công bố thông tin có hướng hành động, chứ không phải “chờ tin tức như bác nói”, bác đầu tư mà bác bảo không quan tâm tin tức thì em thua.

  2. Hiện giờ GDP của Việt Nam dựa phần lớn vào các doanh nghiệp xuất khẩu → giả sử trong tương lai xuất khẩu kém thì tình hình kinh tế càng tệ, kinh tế tệ doanh nghiệp làm ăn không có lợi nhuận thì thị trường chứng khoán sao đi lên được. Bác nói câu “Chứng khoán VN thì cái thằng xuất khẩu được bao nhiêu %??” là em thấy sai rồi. Trừ trường hợp chính phủ bơm tiền vào như đợt Covid thị trường CK Mỹ tăng thì may ra.

  3. Em đánh đồng Mỹ và VN chỗ nào vậy bác? Với em nói quá khứ và tương lai chỗ nào bác, em phân tích thì phải phân tích từ quá khứ, sau đó dự đoán kịch bản cho tương lai thôi

Fed nó giảm lãi để kích thích sản xuất kinh doanh tiêu dùng mà bảo là “có ai chịu bỏ tiền ra để kinh doanh ko?”, Hiện giờ GDP dựa vào xuất khẩu nhưng tương lai chắc gì nó dựa vào? khi GDP yếu thì nó sẽ kiếm những thằng khác để kích… Xuất khẩu ko đại diện cho nền kinh tế và đặc biệt hơn là Thị trường chứng khoán. Cái lúc xuất khẩu thăng hoa thì thị trường cũng chả vượt nổi 1k3 thì ảnh hưởng lớn chưa?? Thị trường chứng khoán có nhiều nhóm ngành, top 1 là Bank, top 2 là BĐS. Giảm lãi suất ko phải bơm tiền thì là gì? hỗ trợ người dân, xây dựng lại cơ sở vật chất ko phải bơm tiền thì là gì? Kinh tế yếu thì phải bơm nó mới mạnh lại.

Ơ bác, em bảo là khi nền kinh tế yếu thì doanh nghiệp sẽ THU HẸP QUY MÔ sản xuất kinh doanh, dựa trên 2 luận điểm em đã chứng mình phía trên
1 - cầu yếu
2 - lãi suất giảm nhưng vẫn còn cao. Lấy ví dụ, hiện giờ đi vay 5%, 3 tháng sau đi vay 4.5%, 6 tháng sau đi vay còn 4% hoặc dưới 4% thì bác vay bây giờ chịu lãi hay chờ thêm một khoảng thời gian? Nếu bác trả lời là bác vẫn vay thì ok, bác khác quan điểm với em, vậy thôi.

Thứ hai, bác cho là “Hiện giờ GDP dựa vào xuất khẩu nhưng tương lai chắc gì nó dựa vào? khi GDP yếu thì nó sẽ kiếm những thằng khác để kích…”. Em chưa hề nói kinh tế tương lai dựa vào xuất khẩu, cái em nói ở đây là hiện tại GDP Việt Nam mình tăng, nhưng tăng dựa vào chủ yếu là xuất khẩu nhiều, chứ những ngành khác vẫn còn đáng báo động, cho nên, trong tương lai, nếu Mỹ xấu, xuất khẩu yếu, nội tại cũng đang yếu, số liệu ra giảm, tin xấu liên tục tới thì thị trường giảm thôi. Và đặc biệt, như em vừa nói thì GDP chủ yếu dựa vào xuất khẩu nên không vượt nổi 1k3 là điều dễ hiểu.

Thứ ba, bác nói là “Kinh tế yếu thì phải bơm nó mới mạnh lại”. Tất nhiên là em đồng ý với điều này, nhưng đến thời gian nào nó mới mạnh? Quan điểm của em là nó sẽ giảm trong trung và dài hạn, thì sau đó mới hồi phục và mạnh được, chứ bác làm như hôm nay giảm lãi suất là ngày mai kinh tế mạnh, thị trường chứng khoán bung nóc vậy.

chờ Lãi suất nó về đáy thì chứng khoán là đỉnh, chờ kinh tế nó tốt thì lúc đó VNI đỉnh… Chứng khoán là xu thế chứ chả phải theo thời điểm. Nhìn thời covid mà xem, lúc mà VNI bốc đầu thì kinh tế yếu hay mạnh???

FED giảm lãi suất biết đâu làm điềm chẳng lành, lại như hồi 2002 với 2008 thì toang

1 Likes

Đâu bác có số liệu hay cái gì chứng minh lãi suất về thấp là thị trường chứng khoán lên đỉnh không bác? Còn theo quan điểm của em, không nhất thiết phải chờ kinh tế tốt lên, chỉ cần sau một đợt GDP giảm mạnh, sau đó giảm chậm lại thì đã là tốt hơn ngày hôm qua rồi.

Bác chỉ nhìn mỗi vào thời Covid thôi à, sao bác không nhìn thử rộng ra trước năm 2000 thì như thế nào, và sau năm 2000 ra sao, chẳng hạn đoạn 2001-2002 và 2008. Thời Covid thì như em nói rõ là chính phủ Mỹ bơm tiền ra nền kinh tế thông qua trợ cấp chứ không phải thông qua ngân hàng

Giờ khó nói là điềm lành hay điềm xấu lắm bác ạ, em nghĩ một phần 2002 với 2008 sập là do có thiên nga đen, còn giờ FED giảm lãi suất thì chưa có tin gì, mà đùng cái thiên nga đen đến là cũng toang ạ :joy:

Đã bảo Mỹ là Mỹ, VN là VN… mà bơm tiền thông qua cái gì thì nó vẫn là bơm tiền. VN gồng tỷ giá mấy năm nay, giờ tỷ giá nó giảm thì ko bơm tiền ra chả nhẽ đi bóp?? Bơm tiền thì thằng nào hứng được thằng đó tăng

Cập nhật thông tin cuộc họp FED ngày 17-18/9:

Cục Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3 năm 2020.

Đây chính thức là quyết định gây ngạc nhiên nhất của Fed kể từ năm 2009.

TÓM TẮT PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH FED POWELL (18/9/24):

  1. Fed tin rằng nền kinh tế “nói chung là mạnh”

  2. Fed có “niềm tin ngày càng tăng” rằng sức mạnh của thị trường lao động có thể được duy trì

  3. Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn “ổn định”

  4. Lạm phát đã giảm nhưng “vẫn ở mức trên mục tiêu 2%”

  5. Thị trường lao động hiện nay ít thắt chặt hơn trước đại dịch

  6. Fed đang chuyển sang “lập trường trung lập” nhưng “không theo bất kỳ lộ trình định sẵn nào”

Fed cho biết họ vẫn sẽ hành động theo từng “cuộc họp”.

Tuy nhiên, họ đang phát tín hiệu rõ ràng rằng họ tin lạm phát đang hướng tới mức 2%.

Giờ thay vì giảm 0.25 mà nó giảm thẳng 0.5 thì điềm lành hay điềm xấu đây bác?

Theo quan điểm cá nhân của em là điềm xấu bác ạ. Sau khi giảm xong thì FED cũng chơi bài “vừa đánh vừa xoa”, nào là:

  • Nền kinh tế vẫn ổn, lạm phát kỳ vọng về mức mục tiêu 2% trong năm 2026
  • Tỷ lệ thất nghiệp mặc dù đi lên nhưng vẫn ở mức thấp nên vẫn không có nhiều điều lo lắng cho nền kinh tế.

nếu thật sự nền kinh tế vẫn ổn thì em nghĩ FED sẽ không giảm mạnh vậy, khả năng là nền kinh tế Mỹ đang có nhiều vấn đề khác mà chúng ta vẫn chưa nhận ra được, hoặc chưa có thông tin chờ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, em vẫn đánh giá thị trường tích cực bác ạ, sau đó mới bắt đầu xấu