Các chủ nợ của Mỹ đã khá sốc khi tuần trước, Fitch - một trong ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn của Mỹ đã hạ bậc tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+. Fitch trở thành là tổ chức đánh giá tín nhiệm thứ 2 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn của Mỹ hạ cấp tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+. Tổ chức duy nhất còn giữ đánh giá Mỹ AAA là Moody’s. S&P Global thì đã giảm mức tín nhiệm của Mỹ từ 4/2011.
Khách quan thì việc hạ bậc tín nhiệm này có ảnh hưởng nhất định đến thái độ của các nhà đầu tư, tuy nhiên không đến mức “sốc” như mọi người vẫn nghĩ bởi vì, vấn đề thực sự của Mỹ không nằm ở đây.
Fitch nêu ra 3 điểm quan trọng cho quyết định được đưa ra:
-
Suy thoái tài chính dự kiến sẽ xảy ra trong ba năm tới
-
Gánh nặng nợ chung của chính phủ Mỹ cao và ngày càng tăng
-
Suy giảm khả năng quản trị so với các nước cùng được xếp hạng AAA trong 20 năm gần đây, thể hiện qua việc lặp đi lặp lại bế tắc về giới hạn nợ và giải pháp vào phút cuối cùng, cụ thể là việc liên tục nâng trần nợ công.
Những yếu tố này, cùng với một số cú sốc kinh tế cũng như cắt giảm thuế và các sáng kiến chi tiêu mới, đã góp phần giúp nợ của Mỹ tăng liên tiếp trong những thập kỷ qua. Vấn đề chính ở đây là Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được nhưng đã không có những hành động cụ thể để khắc phục điều này.
Khi một quốc gia chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được trong một năm thì được gọi là thâm hụt và khi một quốc gia bị thâm hụt, chênh lệch giữa chi tiêu và thu nhập của họ được gọi là nợ. Nếu thâm hụt năm này qua năm khác có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ.
Về cơ bản, việc Mỹ nâng trần nợ công không có ý nghĩa gì, đó chỉ là con số được nâng lên để ngăn đất nước vỡ nợ, bởi điều cốt lõi là giải pháp việc mang lại thặng dư cho ngân sách.
Theo con số được công bố thì Quý 2 vừa rồi, tỷ lệ Nợ/GDP của Mỹ đã lên 120.49%. Gần đây thì Fitch đã tiếp tục lên tiếng cảnh báo hạ bậc xếp hạng của hàng chục ngân hàng Mỹ, điều này đã tác động kha khá tới thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương.