TS.Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC ) thận trọng đánh giá các khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu tôm sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
TS.Hồ Quốc Lực thận trọng đánh giá xuất khẩu tôm sẽ còn khó khăn trong ít nhất nửa đầu năm nay.
Theo chia sẻ mới đây của TS.Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE), mặc dù các chuyên gia và tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đã dự báo trước những khó khăn của ngành tôm trong thời gian qua, nhưng mức độ và quy mô ảnh hưởng lại vượt xa dự tính.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đã giảm 22% so với năm 2022, còn 3,4 tỷ USD.
Nhu cầu tiêu dùng ảm đạm do suy thoái kinh tế toàn cầu khiến thị trường xuất khẩu tôm gặp nhiều bất lợi. Trong khi đó, nguồn cung tôm quốc tế dư thừa do các nước cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador đẩy mạnh sản xuất khiến giá tôm liên tục giảm sâu.
Bên cạnh những yếu tố khách quan, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta cũng chỉ ra những hạn chế nội tại của ngành tôm Việt Nam, gồm: giá thành sản xuất cao, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thiếu hụt con giống chất lượng cao và năng lực chế biến sâu hạn chế.
"Đây là những rào cản lớn khiến doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế", TS.Hồ Quốc Lực nói.
Đối với triển vọng thị trường năm nay, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta thận trọng đánh giá những khó khăn thách thức đối với hoạt động xuất khẩu tôm sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít nhất 6 tháng đầu năm 2024 và thậm chí, quy mô và mức độ ảnh hưởng còn lớn hơn so với 2023.
Theo đó, căng thẳng tại Biển Đỏ đang là bài toán nan giải đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Âu. Chi phí vận tải tăng cao và rủi ro trong việc đảm bảo tiến độ giao hàng buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm kiếm giải pháp thay thế phức tạp hơn, hoặc tập trung vào các thị trường gần hơn.
Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục tập trung vào các dòng sản phẩm chế biến sâu.
"Vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của bốn nước, bao gồm Việt Nam, cũng là một rủi ro lớn. Vụ kiện này có thể dẫn đến việc tăng chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận và sức cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam", TS.Hồ Quốc Lực đánh giá.
Về chiến lược kinh doanh của Thực phẩm Sao Ta, TS.Hồ Quốc Lực cho biết, công ty tiếp tục chọn Nhật Bản là thị trường chiến lược lâu dài, tập trung phát triển thị trường này, đồng thời từng bước thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Song song với đó, Thực phẩm Sao Ta tiếp tục phát huy thế mạnh đối với các sản phẩm tôm chế biến sâu và chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt cho công tác chống bán phá giá và chống trợ cấp trong năm 2024.
Hiện Thực phẩm Sao Ta là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản, lớn thứ 4 sang Mỹ và lớn thứ 9 sang Hàn Quốc.
Năm nay, Thực phẩm Sao Ta đặt mục tiêu mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất ở mức 5.187 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 5% so với năm 2023.
Kết thúc quý 1/2024, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.461 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 57,4 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 45% và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Qua đó, doanh nghiệp này đã hoàn thành 28% mục tiêu doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo dữ liệu của VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong quý 1/2024 đạt hơn 690 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 15% và sang Trung Quốc tăng tới 350%. Tuy nhiên, thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng. Giá xuất khẩu trung bình nhìn chung có nhích tăng so với hồi cuối năm 2023 nhưng vẫn ở mức thấp.
Duy Quang