FPT: Chờ tin vui xuân về

THÔNG TIN CÔNG TY

  • Tên công ty: Công ty Cổ phần FPT
  • Tên viết tắt: FPT
  • Ngày thành lập: 13/09/1988
  • Vốn điều lệ: 7.839.874.860.000 đồng
  • Vốn chủ sở hữu: 18.602.713.492.420 đồng
  • Trụ sở chính: Số 17 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội, Việt Nam

Phần 1: Phân tích kết quả kinh doanh

Kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần FPT tăng trưởng rất tốt trong giai đoạn 2016-2020, năm 2018 do thoái bớt vốn khỏi FPT Retail nên doanh thu của FPT ghi nhận sụt giảm do không hợp nhất với báo cáo tài chính của FPT Retail. Trong năm 2020, doanh thu của FPT tăng trưởng 7,63%, tăng trưởng lợi nhuận ròng cao hơn đạt 13,06% trong khi tổng chi phí hoạt động của công ty tăng nhẹ từ 23,69% lên 24,18% chứng tỏ các mảng hoạt động khác đang đóng góp đáng kể vào lợi nhuận sau thuế của công ty có thể kể đến như Doanh thu hoạt động tài chính năm 2020 đóng góp 821 tỷ đồng, lợi nhuận khác đóng góp 72,8 tỷ đồng, đều cao hơn so với năm 2019. Mức tăng trưởng doanh thu của FPT đang có dấu hiệu giảm trong năm 2020, nguyên do là vì công ty bị ảnh hưởng tương đối bởi đại dịch covid 19. Trong một năm khó khăn nhưng FPT vẫn có kết quả kinh doanh tăng trưởng cho thấy nhu cầu về ngành nghề của công ty hoạt động là rất lớn và còn nhiều dư địa để khai thác. Tựu chung lại, doanh thu của FPT vẫn tăng trưởng cho thấy thị phần của công ty đang ngày một tăng thêm.
Hệ số lợi nhuận gộp của FPT liên tục được cải thiện và được cải thiện rõ ràng nhất khi FPT thoái bớt vốn của FPT Reatail. Như vậy là các mảng kinh doanh hiện thời của FPT đang mang lại một hệ số lợi nhuận gộp rất tốt đạt 39,61% trong năm 2020. Tỷ trong Tổng chi phí hoạt động/Doanh thu được giữ ở mức ổn định quanh ngưỡng 24%/năm, cho thấy rằng cơ cấu chi phí của FPT đã được xác lập vững chắc. Với những tín hiệu tích cực như bên trên, tổng kết, lợi nhuận sau thuế của FPT cũng đạt mức tăng trưởng tốt, năm 2019 tăng trưởng 20,96% và năm 2020 tăng trưởng 13,06%.

Chỉ số ROE và ROA của FPT đạt mức rất cao cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của FPT là rất tốt. Để hiểu kỹ hơn, ta sẽ đi vào phân tích chất lượng các chỉ số hình thành lên chỉ số ROE của FPT.

(Ở phần trên có chỉ tiêu Vốn chủ sở hữu thực tế = Vốn chủ sở hữu – Dự phòng phải thu khó đòi; do công ty đã hạch toán lợi nhuận các khoản phải thu này nên khi các khoản phải thu đó trở thành khó thì phần lợi nhuận tương ứng trong Vốn chủ sở hữu phải giảm xuống).

Về chất lượng của chỉ số Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu (ROE), ta thấy tỷ suất lợi nhuận ròng (ROS) của FPT liên tục gia tăng qua các năm. Hiệu suất sử dụng tài sản có chiều hướng giảm do Tổng tài sản của FPT đang tăng trưởng nhanh hơn so với tốc độ tăng của doanh thu, kế đến là Hệ số đòn bảy tài chính cũng tăng cho biết công ty đang sử dụng nhiều nợ hơn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình.
Xét trên phương diện mạo hiểm, FPT đang sử dụng 1,29 đồng nợ trên 1 đồng vốn của mình, như vậy cũng có thể nói là FPT đang tương đối mạo hiểm với kế hoạch tài chính của mình. Chỉ số này nên được điều chỉnh về mức 1 hoặc nhỏ hơn 1 để công ty không bị gặp nhiều áp lực tài chính. Khả năng thanh toán ngắn hạn của FPT vẫn nằm ở mức an toàn, vốn lưu động thường xuyên được tài trợ bởi tài sản dài hạn trong suốt giai đoạn 2016-2020 cho thấy chính sách sử dụng vốn của công ty là rất tích cực. Nguồn vốn dài hạn tài trợ cho nguồn vốn lưu động sẽ giúp công ty có nguồn vốn lưu động dồi dào.
Xét toàn diện về những khoản tiền mà FPT sở hữu so với tổng nợ vay thì hiện tại, năng lực tài chính của FPT là rất tốt. Sau khi trừ đi tổng nợ vay thì năm 2020, FPT còn dư ra 4.380 tỷ đồng tiền mặt. Đây là thảnh quả FPT đã tích lũy tài sản từ nhiều năm trước. Đòn cân nợ của FPT là rất vững chắc khi số tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đang sở hữu nhiều hơn so với tổng nợ vay rất nhiều.
Kết luận: Mặc dù mạo hiểm với chính sách tài chính sử dụng 1 đồng vốn kèm 1,29 đồng nợ nhưng với tiềm lực tài chính dồi dào và khả năng thanh toán ngắn hạn tốt, FPT vẫn báo cáo cho các cổ đông một tình trạng sức khỏe tài chính không quá đáng lo ngại.


Phần 2: Phân tích khoản phải thu và hiệu quả quản lý hàng tồn kho

Phân tích khoản phải thu

Trong suốt giai đoạn 2016-2020, các khoản phải thu của FPT được giữ ổn định, đặc biệt chú ý tới Phải thu ngắn hạn khách hàng cũng biến động không nhiều và giữ quanh vùng 5.500 tỷ đồng. Sự kiện này cho thấy FPT có hợp đồng kinh tế rất tốt với các đối tác, đặc biệt về khoản thu tiền. Như ở các công ty công nghệ khác, hợp đồng được ký trả tiền theo từng giai đoạn phù hợp với tiến độ hoàn thành dự án.

Điểm xấu nhất trong khoản phải thu của FPT đó chính là Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, chỉ tiêu này phản ánh rằng công ty đã không thu hồi được một phần tiền đã được ghi nhận vào kết quả kinh doanh của FPT từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và làm giảm Vốn chủ sở hữu do công ty đã ghi nhận lợi nhuận nhiều năm trước đó. Sự kiện này cũng cho thấy rằng ngành nghề của FPT có tồn tại rủi ro về khả năng khách hàng không thanh toán các hợp đồng khi đến hạn. Trong tương lai, FPT phải cẩn trọng hơn trong việc chọn các đối tác làm ăn của mình…
Số vòng quay khoản phải phải thu đang trên đà giảm, tương ứng với Kì thu tiền trên một vòng quay tăng lên, đây cũng là dấu hiệu đánh động về việc FPT đang gặp khó hơn trong vấn đề thu hồi lợi ích từ các hợp đồng kinh tế. Trong tương lai, chúng ta cần phải theo dõi kỹ lưỡng hơn về tiến độ thu hồi lợi ích từ các khách hàng của FPT, nếu FPT cải thiện được kì thu tiền trong giai đoạn tới sẽ giúp doanh nghiệp có các chính sách bán hàng cũng như nền tảng tài chính vững chắc hơn nữa.

Xét về 4 quý năm 2020, Phải thu ngắn hạn khách hàng biến động không nhiều, rủi ro duy nhất đến từ Các khoản phải thu khó đòi tăng mạnh từ 373 tỷ đầu năm lên 626 tỷ đồng cuối năm. Các đối tác của FPT giường như đã gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2020 do tác động bởi dịch bệnh. Bước sang năm 2021, khi vắc-xin phòng chống dịch bệnh covid-19 được tiêm trên diện rộng, dư kiến tinh trạng này sẽ được cải thiện và làm giảm bớt gánh nặng lên các đối tác của FPT cũng như bản thân công ty.
Kết luận: FPT quản lý rất tốt khoản phải thu, đặc biệt công ty không để cho các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng lên nhiều. Rủi ro lớn nhất đến từ việc FPT không thu hồi được hơn 600 tỷ đồng các khoản phải thu khó đòi. Các khoản phải thu khó đòi này được hiểu theo thuyết minh báo cáo tài chính là các khoản phải thu từ các đối tác nhỏ, không có khoản dư nợ xấu nào chiếm từ 10% tổng số nợ quá hạn trở lên. Như trong quá khứ, các khoản phải thu từ những đối tác nhỏ của công ty là rất khó thu hồi và được báo cáo trong nhiều quý liên tiếp (hơn 4 quý liên tiếp) cho thấy khả năng thu hồi lợi ích từ các hợp đồng kinh tế này là rất nhỏ.

Phân tích hiệu quả quản lý hàng tồn kho

Với ngành nghề chủ lực là công nghệ thông tin, viễn thông và giáo dục chủ yếu dựa vào lao động trí óc nên hàng tồn kho của công ty không được phân bổ nhiều vốn và không có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Phần 3: Phân tích giá trị thặng dư và hoạt động đầu tư

Phân tích giá trị thặng dư

FPT đang rất tích cực trong việc tiết kiệm tiền sau khi kinh doanh. Từ 3.472 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn năm 2016, đến năm 2020 con số này đã tăng lên 12.436 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 3,5 lần.
Với nguồn lực tài chính sẵn có, FPT hoàn toàn đủ khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong ngành cũng như ngoài ngành. Làm tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai của doanh nghiệp. Ngoài ra, với số tiền gửi ngân hàng lớn cùng mang lại nguồn thu nhập thụ động cố định lên đến vài trăm tỷ một năm cho công ty.

Phân tích hoạt động đầu tư

Ngoài các khoản tiền gửi có kỳ hạn trong ngân hàng, FPT còn đầu tư vốn vào một số công ty liên kết và các đơn vị khác, cụ thể được trình bày chi tiết như trong hình ảnh.


Kết thúc năm 2020, các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết mang lại 312 tỷ đồng lợi nhuận cho FPT, tương đương suất sinh lời đạt 10,7%/năm là một mức sinh lời tương đối tốt so với gửi tiền ngân hàng.

Trong năm 2020, FPT hiện đang có khoản mục xây dựng dở dang đạt 2.373 tỷ đồng cụ thể Công trình FPT Tower đang có chi phí xây dựng 1.333 tỷ đồng và các công trình khác đang có chi phí xây dựng là 1.040 tỷ đồng. Dự án Ftown 3 đã đi vào hoạt động trong năm 2020. Đối với ngành nghề của FPT là ngành sử dụng rất nhiều lao động, nên hoạt động mở rộng của FPT là các hoạt động xây dựng các tài sản cố định nhằm tạo ra không gian làm việc cho nhân viên. Như vậy có thể nói, FPT đang xây dựng thêm các tòa nhà cũng đồng nghĩa với việc FPT đang mở rộng hoạt động kinh doanh của họ.

Tổng kết: Với vị thế hiện tại, FPT đang là công ty công nghệ tư nhân số 1 Việt Nam và đang vươn mình tăng trưởng ở các thị trường quốc tế. FPT đã khẳng định thương hiệu, uy tín của mình trong rất nhiều năm qua. Tiếp đến với việc có Hệ số lợi nhuận gộp lớn, chi phí được kiểm soát chặt chẽ cùng lượng tiền mặt khổng lồ, FPT luôn trong trạng thái sẵn sàng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong ngành cũng như thử sức mình với các ngành nghề khác có lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, nếu FPT quản lý tốt các khoản phải thu của mình và giảm tỷ trọng các khoản phải thu khó đòi xuống mức thấp đáng kể thì giá trị doanh nghiệp sẽ được nâng lên. Từ đó giúp giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội để tăng giá hơn.

… Còn rất nhiều nữa: Các bạn đọc thông tin thêm theo đường link này nhé: GÓC CƠ BẢN - FPT: Chờ tin vui - vpv-investment

Zalo chat: 03 9894 6666
R.A.B