Danh sách thoái vốn đợt 2/2024 của tổ chức này xuất hiện các doanh nghiệp quy mô lớn là FPT, Nhựa Tiền Phong cũng như nhiều cái tên khác trên thị trường chứng khoán.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp.
Danh sách đợt này xuất hiện những doanh nghiệp quy mô lớn và 8 đơn vị đang có giao dịch thị trường chứng khoán bao gồm: Tập đoàn FPT (FPT), Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP), Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM), TCT Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VGV), Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish - AGF), Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA), Xây dựng Vật liệu Bến Tre (VXB), Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng Hải Phòng (CID).
Thương vụ dự kiến có giá trị lớn nhất là tại FPT khi SCIC đang sở hữu 5,8% vốn, tương đương với giá trị theo mệnh giá 635 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá thị trường của FPT là 134.500 đồng/cổ phiếu, theo đó nếu bán hết toàn bộ, giá trị thương vụ có thể hơn 8.500 tỷ đồng.
Khoản đầu tư lớn khác là tại Nhựa Tiền Phong khi SCIC này sở hữu đến 37,1% vốn, với giá trị theo mệnh giá hơn 480 tỷ đồng. Với thị giá 42.800 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phần này có giá trị vượt 2.000 tỷ đồng.
Tổ chức này còn muốn thực hiện thoái 87,3% cổ phần VGV và 46,6% vốn đang sở hữu tại HGM. Tính theo giá trị thị trường, lượng cổ phần tại 2 đơn vị này lần lượt là 937 tỷ và 294 tỷ đồng.
Các cổ phần sẽ được rao bán còn có 49,8% vốn VXB, 9% vốn CID, 8,2% cổ phần AGM và 2,5% vốn tại SMA.
Trước đó, trong danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2024, SCIC cũng công bố thoái vốn khỏi 27 doanh nghiệp, trong đó có 9 công ty có giao dịch trên sàn chứng khoán như DMC, SEA, VIW, VNC, VNB, VNP, VEC, QTC, PAI.
SCIC hiện là nhà đầu tư của Chính phủ, là tổ chức tài chính và là một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Năm 2023, tổng công ty ghi nhận doanh thu giảm 30% còn 7.143 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu vẫn đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia, phần còn lại là lãi tiền gửi và đầu tư trái phiếu, doanh thu từ các khoản đầu tư khác...
Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận gộp tăng và khoản lỗ trong công ty liên kết giảm mạnh, SCIC báo lãi trước thuế 5.650 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản của nhà đầu tư này đạt 62.750 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm 2023. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 10% để chiếm 33.343 tỷ đồng và các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng lên mức 28.023 tỷ đồng.
https://vietnambiz.vn/fpt-nhua-tien-phong-agifish-lot-danh-sach-ban-von-cua-scic-2024519955358.htm