FPT ra mắt Nhà máy AI tại Nhật Bản, mở rộng dịch vụ cho thuê GPU với biên lợi nhuận dự kiến 50% vào năm 2025

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP FPT (FPT) vào ngày 12/11, Chứng khoán Vietcap cho biết ban lãnh đạo FPT bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các mảng kinh doanh trong năm 2025.

Chi tiêu CNTT tại Mỹ sẽ tăng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump

Nói về mảng công nghệ, ban lãnh đạo FPT kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ phục hồi mạnh hơn vào năm 2025, nhờ chi tiêu CNTT tăng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Trong quý 3/2024, FPT đã ký kết hợp đồng chuyển đổi số (DX) mới trị giá 225 triệu USD (thời hạn 3 năm) với một khách hàng hiện hữu tại Mỹ. Hợp đồng này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu theo hợp đồng đã ký của FPT tại thị trường Mỹ trong quý 4/2024, theo ban lãnh đạo.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, FPT cho rằng chi tiêu CNTT tại Mỹ sẽ tăng. Ban lãnh đạo nhận thấy không có rủi ro đáng kể nào từ việc tăng thuế quan tiềm ẩn đối với xuất khẩu dịch vụ CNTT sang Mỹ.

Mặt khác, các quy định về thị thực nghiêm ngặt hơn đối với lao động nước ngoài có thể sẽ đặt ra những thách thức đối với việc tuyển dụng nhân sự cho các công ty dịch vụ CNTT tại Mỹ, ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây sẽ là thách thức không chỉ đối với FPT mà còn đối với các công ty Ấn Độ cùng ngành.

Biên lợi nhuận dịch vụ cho thuê GPU đạt khoảng 50% vào năm 2025

Song song, nhóm phân tích Vietcap cho biết FPT sẽ ra mắt dịch vụ cho thuê GPU (GPUaaS) tại cả Nhật Bản và Việt Nam với vốn đầu tư XDCB là 50 triệu USD tại mỗi thị trường. Thậm chí, khả năng sẽ đầu tư thêm 50 triệu USD vào mỗi thị trường trong năm 2026 nếu điều kiện thuận lợi.

Ban lãnh đạo dự báo doanh thu GPUaaS sẽ đạt 100 triệu USD, với tỷ lệ hiệu suất sử dụng là 90% và biên EBITDA khoảng 50% vào năm 2025. Tại Nhật Bản, dịch vụ GPUaaS sẽ được kết hợp với các dịch vụ AI, với mức giá dự kiến sẽ phù hợp với các nhà cung cấp tại Nhật Bản. FPT đã hoàn thành việc mua sắm cho giai đoạn I của GPUaaS, mua phần cứng Nvidia H100/GH200 cho hoạt động tại Việt Nam và Nhật Bản, và sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng trước vào ngày 13/11/2024.

Cũng trong ngày 13/11, FPT đã chính thức ra mắt Nhà máy AI (AI Factory) tại Nhật Bản nhằm cung cấp các dịch vụ Trí tuệ nhân tạo (AI) và Điện toán đám mây (Cloud). Nhà máy AI của FPT góp phần phát triển AI có chủ quyền cho Nhật Bản.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Nhà sáng lập Tập đoàn FPT khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi toàn thế giới. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác chiến lược để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây thiết yếu cho các ứng dụng AI trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, theo sáng kiến toàn cầu của NVIDIA.

Chúng tôi cam kết dành nguồn lực đồng hành cùng chính phủ, doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản. Thông qua dự án quan trọng này, chúng tôi đang mở rộng ứng dụng công nghệ AI trên quy mô toàn cầu, đồng thời hiện thực hóa tầm nhìn chung của Nhật Bản và Việt Nam trong việc trở thành các quốc gia AI.”

Trước đó, vào tháng 4 năm 2024, FPT đã công bố phát triển Nhà máy AI thông qua chương trình hợp tác chiến lược toàn diện với NVIDIA. Sự kiện là cột mốc quan trọng trong hành trình AI của FPT, hướng tới mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và phát triển AI trong khu vực, cung cấp các giải pháp AI và Cloud trên quy mô toàn cầu.

Trung tâm dữ liệu D9 dự kiến ra mắt chậm nhất vào năm 2025

Trong lĩnh vực viễn thông, FPT cũng có kế hoạch phát triển mảng truyền hình trả phí và ra mắt trung tâm dữ liệu D9 trong năm 2025. Trong 9 tháng đầu năm, FPT đã thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để ứng phó với những khó khăn của nền kinh tế, giúp cải thiện biên lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông.

Đối với mảng truyền hình trả phí, FPT dự kiến sẽ đầu tư vào các giấy phép mới để nâng cao năng lực quảng cáo và đa dạng hóa nội dung, đồng thời ra mắt nền tảng tương tác mới hướng đến người dùng trẻ tuổi.

Trung tâm dữ liệu D9 của FPT bị trì hoãn do khó khăn trong việc đảm bảo thiết bị trong năm nay, dự kiến sẽ được ra mắt chậm nhất vào năm 2025.

Về mảng giáo dục, phía FPT cho biết mảng này gặp một số khó khăn trong năm 2024, khiến tăng trưởng tuyển sinh chỉ đạt mức một chữ số, nhưng FPT kỳ vọng tăng trưởng tuyển sinh sẽ phục hồi vào năm 2025.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ 2 yếu tố: Chi tiêu cho giáo dục tư thục giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành CNTT và kỹ thuật tại các trường đại học công lập tăng. Tuy nhiên, FPT kỳ vọng tăng trưởng tuyển sinh sẽ phục hồi trong năm 2025 nhờ vào sự cải thiện của nền kinh tế và việc xây dựng thương hiệu của tập đoàn.

Về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu đạt 45.241 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 8.111 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,3% và 19,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) cũng tăng 21,5% lên 5.762 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 3.945 đồng/cổ phiếu.

Như vậy tính riêng trong quý 3/2024, LNTT của FPT đạt 2.913 tỷ đồng, tăng trưởng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng tăng mạnh hơn 21% so với cùng kỳ năm trước lên 2.090 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục mà tập đoàn này đạt được trong một quý.

2 Likes