Chào ACE nhà đầu tư ! Hôm nay, chúng ta sẽ cùng bàn về một câu hỏi rất nóng: Có nên bắt đáy FPT ngay lúc này hay không?
- Thời gian gần đây, cổ phiếu FPT giảm giá khá mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu đây có phải là cơ hội mua tốt hay vẫn còn rủi ro giảm tiếp?
- Trong video này, e sẽ cùng mọi người phân tích từ A đến Z – từ nguyên nhân khiến FPT giảm giá, phân tích kỹ thuật, định giá doanh nghiệp đến các rủi ro tiềm ẩn. Quan trọng nhất, cuối video e sẽ đưa ra một số chiến lược giao dịch hợp lý dành cho ACE đang muốn xuống tiền NGAY GIAI ĐOẠN NÀY !
- Vậy FPT đang ở vùng giá hấp dẫn hay còn có thể giảm sâu hơn? Cùng E đi vào phân tích ngay bây giờ!
Cập nhật KQKD
Doanh thu và lợi nhuận 4Q2024 tiếp nối kết quả tích cực
- Doanh thu 4Q2024 của FPT đạt 17,651 tỷ VND (+20.1% YoY/10.5% QoQ), biên lợi nhuận gộp tương ứng đạt khoảng 36.8%. Lợi nhuận sau thuế 4Q2024 ghi nhận 2,493 tỷ VND (+22% YoY/+1% QoQ). Trong quý 4, mảng kinh doanh CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT chứng kiến doanh số ký mới giảm 7%, đạt 8,471 tỷ VND, dù vậy tổng doanh thu của mảng này vẫn tăng trưởng 24% đạt 8,285 tỷ VND (+26.5% YoY).
Mảng CNTT nước ngoài: duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực
- Lũy kế cả năm, doanh thu ký mới đạt 33,592 tỷ đồng (+13% YoY), chủ yếu do Tập đoàn đã đẩy sớm việc ký kết hợp đồng mới kể từ cuối năm 2023. FPT tiếp tục ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, thắng thầu 48 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật và Châu Á – Thái Bình Dương.
Các dự án đầu tư công nghệ cao mở khóa tiềm năng tăng trưởng
- Cho năm 2025, dự án FPT AI Factory trong lĩnh vực cho thuê GPUaas kết hợp cùng NVIDIA và một số đối tác khác kì vọng mở khóa động lực tăng trưởng cho FPT. Xu hướng già hóa dân số của Nhật Bản dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực cung không đáp ứng đủ nhu cầu là cơ sở hỗ trợ cho sự thành công của dự án, qua đó ước đạt doanh thu 100 triệu USD mỗi năm cùng với tỷ suất sinh lời EBITDA khoảng 50%.
Cơ cấu doanh thu 2024
- FPT là tập đoàn đa ngành tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, với 4 mảng chính: dịch vụ phần mềm, cung cấp hạ tầng viễn thông, giáo dục đào tạo. Chiếm 46% tổng doanh thu của tập đoàn, mảng công nghệ thông tin đang phục vụ các thị trường lớn gồm: Nhật Bản, EU, Mỹ và Đông Nam Á. Hiện đội ngũ kĩ sư công nghệ FPT sở hữu với gần 24,000 người.
Luận điểm đầu tư
- Tăng trưởng tiêu thụ chuyển đổi số sẽ là động lực cho doanh thu. Chi tiêu cho lĩnh vực CNTT toàn cầu sẽ là yếu tố thúc đẩy mảng CNTT của FPT, dự kiến doanh thu mảng CNTT năm 2025 tăng trưởng 22.11%.
- Dự án GPUaas giúp FPT thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản. FPT dự kiến đầu tư 100 triệu USD vào lĩnh vực AI tại Nhật Bản, dự kiến đem về doanh thu 100 triệu USD với tỷ suất EBITDA 50%.
- Kinh doanh giáo dục là mảnh ghép giải quyết khan hiếm nhân lực trong dài hạn. FPT có khả năng tăng thu hút sinh viên bằng cách mở các chương trình đào tạo mới, giúp cho doanh thu 2025 đạt 7,947 tỷ VND.
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Mảng CNTT nước ngoài: duy trì tăng trưởng hai chữ số
Xu hướng sử dụng AI tạo sinh trong các doanh nghiệp và tổ chức sẽ diễn ra mạnh mẽ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ thúc đẩy chi tiêu toàn cầu cho phần mềm và dịch vụ CNTT. Theo Gartner, tổng chi tiêu toàn cầu cho phần mềm/dịch vụ CNTT sẽ tăng trưởng lần lượt +14.0%/+9.4% YoY vào năm 2025 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số để áp dụng công nghệ mới. Kì vọng FPT sẽ tiếp tục bắt kịp các xu hướng mới nhằm đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại các thị trường trọng điểm:
- Thị trường Nhật Bản: Xu hướng già hóa dân số tại Nhật Bản sẽ làm nghiêm trọng tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các doanh nghiệp. Điều này sẽ thúc đẩy xu hướng đầu tư nhiều hơn của doanh nghiệp vào các sản phẩm công nghệ giúp tăng khả năng tự động hóa, cải thiện hiệu suất làm việc và giảm phụ thuộc vào con người. Mặt khác, tình trạng thiếu hụt lao động công nghệ thông tin (CNTT) để xây dựng và vận hành hạ tầng CNTT đang phát triển sẽ mở ra cơ hội với các doanh nghiệp CNTT sở hữu lực lượng lao động trẻ và dồi dào như FPT. Dự án AI Factory với tổng mức đầu tư 100 triệu USD dự kiến sẽ hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm của FPT, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường Nhật Bản, ước tính doanh thu tại đây trong năm 2025/2026 đạt 15,700/20,060 tỷ VND (+27%/29% YoY).
- Thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu: Trong năm 2024, FPT ghi nhận kết quả tăng trưởng vượt bậc tại thị trường Hoa Kỳ khi thành công ký kết hợp đồng quy mô 225 triệu USD trong lĩnh vực Dịch vụ Quản lý (Managed Services), đồng thời cũng là hợp đồng có giá trị lớn nhất của FPT. Sau đó, RWE và FPT cũng đã kí kết hợp đồng dịch vụ quản lý lớn nhất trong lịch sử hoạt động của FPT tại khu vực Châu Âu, giá trị hơn 100 triệu USD. Các hợp đồng trên sẽ bảo đảm công việc cho FPT trong vòng 3-5 năm tới, là động lực tăng trưởng doanh thu duy trì mức cao, đạt 15-25% YoY.
- Theo đó, dự phóng doanh thu mảng CNTT năm 2025 tăng trưởng 24.7% YoY, đạt 38,597 tỷ VND dựa trên: (1) AI Factory hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm và giúp FPT tiếp cận sâu rộng hơn tới khách hàng; (2) Hợp đồng quy mô lớn tiếp tục được kí kết giúp bảo đảm khối lượng công việc trong thời gian dài. Sang năm 2026, tổng doanh thu mảng CNTT nước ngoài dự kiến đạt 47,585 tỷ VND (+23% YoY) và tiếp tục là động lực đóng góp tăng trưởng chính cho doanh thu cả mảng CNTT đạt 56,578 tỷ VND (+20% YoY).
Mảng Giáo dục & đầu tư: đóng góp tích cực vào tăng trưởng
- Trong Q4.24, mảng giáo dục tăng trưởng tốt, đạt doanh thu 1,933 tỷ VND (+12.1% YoY), song mức lỗ của hoạt động đầu tư đẩy lùi kết quả kinh doanh mảng Giáo dục & đầu tư đạt 1,652 tỷ đồng (+0.5% YoY/+13.2% QoQ). Mức tăng trưởng này có phần thấp hơn so với kế hoạch đề ra của FPT trong mùa tựu trường năm học 2024-2025 do doanh nghiệp gặp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các chương trình đào tạo lĩnh vực CNTT của các trường đại học công lập. Dù gặp khó khăn trong ngắn hạn, FPT với vai trò là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong việc đưa các sản phẩm công nghệ sử dụng AI tới khách hàng sẽ có lợi thế thu hút người học nhờ khả năng truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm thực tế vào chương trình giảng dạy các ngành công nghệ vốn là mũi nhọn giáo dục của doanh nghiệp. Hiện FPT đã tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác đào tạo với các trường đại học lớn nhằm nâng cao chương trình giảng dạy gồm: 1) Kí kết hợp đồng ghi nhớ MOU có giá trị khoảng 50 triệu USD với trường Công nghệ Thông tin (NUS Computing) trong việc thành lập phòng nghiên cứu, thu hút chuyên gia đào tạo và tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực AI; 2) Cam kết đầu tư 125 tỷ VND trong việc đào tạo hơn 3,000 nhân sự CNTT chất lượng cao cho thị trường Nhật Bản, với khả năng chuyên môn cao và thành thạo ngôn ngữ tương đương chuẩn đầu ra N3, 3) Ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn với đại học Á Châu – Đài Loan và cho phép sinh viên có được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp lớn là TSMC và UMC.
Trong năm 2025, FPT dự kiến sẽ đưa vào vận hành thêm các trường tại Huế và Hậu Giang, hai địa phương mới trong hệ thống, qua đó nâng số lượng cơ sở mở mới lên gần 20 trường trên toàn quốc, hiện diện tại 14 tỉnh thành. Dự phóng doanh thu mảng giáo dục và đầu tư sẽ tăng 20%/20.79% YoY trong giai đoạn 2025/26, đạt 7,400/8,937 tỷ VND nhờ số lượng học sinh tăng dự kiến 15%/năm, đạt 181,700/208,95 học sinh.
Mảng Viễn thông: động lực tăng trưởng từ PayTV và Data Center
Mảng PayTV cùng Data Center sẽ dẫn dắt doanh thu Viễn thông trong những năm tới bởi thị trường Băng thông rộng bão hòa, khó có thể tăng trưởng vượt mức. Theo Decision Lab, Quý 4/24 đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp FPT vượt qua Netflix về nền tảng video trực tuyến tại Việt Nam, với tỷ lệ thâm nhập đạt 31%, đứng cùng vị trí thứ 2 với Facebook và chỉ đứng sau Youtube với tỷ lệ 73%. Tệp khách hàng chính của dịch vụ trả tiền truyền hình mà FPT cung cấp là nhóm khách hàng thế hệ Gen Y (thế hệ được sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 – 2000) có sự ưu tiên với các nền tảng xem phim Việt Nam. Trong năm, doanh nghiệp đã tích cực mở rộng dịch vụ và đầu tư các chương trình bản quyền, với giá trị giấy phép bản quyền truyền hình tăng 125 tỷ VND so với 2023. Về Data Center, dự án tại TP.HCM đã hoàn thành lắp đặt các hạng mục quan trọng, song một số vấn đề logistic khiến dự án tiếp tục bị trì hoãn triển khai và dự kiến khai trương hoạt động sang Q1/25, so với kế hoạch là Q4/24. Hiện giá trị dở dang xây dựng của dự án tới cuối 2024 là 255 tỷ VND (+5% YoY). Dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp 3,600 rack và trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam (vị trí trước đó thuộc về DC Hòa Lạc của Viettel với 2,400 rack), đồng thời bổ sung 13% công suất lưu trữ dữ liệu hiện tại của FPT.
dự phóng doanh thu mảng viễn thông sẽ tăng trưởng 7%/5.5% trong 2025/26 nhờ sự tăng trưởng của Data Center và mảng quảng cáo online sẽ sôi động trở lại sau giai đoạn doanh nghiệp cắt giảm chi phí. Dù thị trường Data Center bắt đầu có những dự án mới chuẩn bị đầu tư làm gia tăng sức cạnh tranh, song vị thế đầu ngành sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của FPT nhờ: 1) Sự phát triển đến từ nhu cầu lưu trữ dữ liệu phục vụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, 2) Tỷ lệ công suất dữ liệu/đầu người tại Việt Nam ở mức thấp và còn nhiều dư địa để phát triển.
Nhớ like, comment nhé các Fen !