FRT update

Sơ bộ quý I/2022 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), doanh số 7,7 nghìn tỷ (tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế gấp 5 lần cùng kỳ, đạt 150 tỷ đồng.

Theo nhận định của chúng tôi, kết quả kinh doanh trên được thúc đẩy từ cả chuỗi FPT shop và chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Cụ thể, kết thúc quý I/2022, chuỗi Long Châu đã có 600 cửa hàng hoạt động (gần gấp 3 lần so với con số 222 cửa hàng cùng kỳ 2021); hơn nữa, doanh thu trung bình/cửa hàng trong quý I/2022 tăng lên 1,5 tỷ đồng/cửa hàng so với mức 1,1 tỷ đồng/cửa hàng trong năm 2021.

Ngoài ra, chuỗi FPT shop cũng tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu máy tính xách tay và điện thoại di động trong quý I/2022 vẫn duy trì tích cực.

Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2022 với doanh thu thuần 27 nghìn tỷ (tăng 20% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 720 tỷ đồng (tăng 30%). Chính sách trả cổ tức tiền mặt được thông qua cho 2021 và 2022 lần lượt là 500 đồng/cổ phiếu và 1.000 đồng/cổ phiếu.

Đặc biệt, cho năm 2022 Ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế của chuỗi nhà thuốc Long Châu là 50 - 100 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với mức lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 4 tỷ đồng. Mục tiêu mở mới cửa hàng Long Châu sẽ tuỳ thuộc vào tình hình kinh doanh, dao động 300-400 cửa hàng.

Theo Ban lãnh đạo Công ty, FRT sẽ không mở ồ ạt quá nhiều cửa hàng mà thay vào đó sẽ tập trung dung hoà giữa việc cải thiện doanh số/cửa hàng và mở cửa hàng mới.

Đối với chuỗi FPT shop, Ban lãnh đạo Công ty nhận định rằng nhu cầu với các sản phẩm chính như máy tính xách tay, điện thoại di động nhìn chung sẽ vẫn tốt thời kỳ hậu dịch bệnh.

Mặc dù doanh số máy tính xách tay đã suy giảm khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, song Ban lãnh đạo cho rằng nhu cầu đối với mặt hàng này sẽ vẫn duy trì tích cực khi thói quen học tập/làm việc sau dịch bệnh cũng sẽ thay đổi, xu hướng trực tuyến nhiều hơn. Ngoài ra, FRT sẽ đẩy mạnh doanh số bán hàng Apple, đặc biệt đối với iPhones khi Ban lãnh đạo khẳng định sẽ đẩy mạnh hoạt động của chuỗi F.Studio hơn trước.

Ban lãnh đạo Công ty cho biết, phía công ty đang trong quá trình lấy giấy phép hoạt động trong lĩnh vực mạng di động ảo (MVNO). MVNO là một mạng di động hoạt động mà không cần sở hữu cơ sở hạ tầng, các MVNOs sẽ hợp tác với các nhà mạng truyền thống MNOs nhằm sử dụng cơ sở hạ tầng của họ.

Ban lãnh đạo FRT nhận định rằng chiến lược này sẽ giúp cho FRT tận dụng lợi thế vốn đã tốt với các nhà mạng lớn như Mobifone, Viettel, Vinafone…, qua đó tăng mức độ tương tác với các khách hàng của FRT thông qua hình thức trên.

Trong giai đoạn đầu năm 2022, Ban lãnh đạo CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT – sàn HOSE) cho biết, nguồn cung hàng hóa của Công ty vẫn không bị đứt gãy do xung đột giữa Nga và Ukraine bởi FRT là đối tác lớn với các nhãn hàng vì thế Công ty được hưởng việc ưu tiên nhập hàng và thường ký trước hợp đồng nhập hàng trong vòng 3 tháng. Đây cũng là nhân tố tích cực giúp FRT ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2022 vượt trội với mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt 65% và gấp 5 lần so với năm 2021. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 28% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của 2022. Ban lãnh đạo kỳ vọng cho FRT có thể sớm cán mốc kế hoạch của 2022. Ban lãnh đạo FRT đưa ra kế hoạch kinh doanh 2022 của công ty với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế mục tiêu 27.000 tỷ đồng và 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với mức thực hiện năm 2021. Trong 2022, chúng tôi nâng doanh thu thuần của FRT từ mức 27.977 tỷ đồng lên 29.092 tỷ đồng (tăng 29% so với năm trước) do nhu cầu ngành hàng ICT vượt kỳ vọng trước đó của chúng tôi. Lợi nhuận sau thuế ước tính ở mức 693 tỷ đồng với biên lãi gộp ở mức 15%. Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, chúng tôi đưa mức giá hợp lý cho cổ phiếu FRT 172.600 đồng/cổ phiếu, tăng 7% so với mức giá hiện tại. Từ đó khuyến nghị giữ cổ phiếu này. Rủi ro: (1) Việc mở rộng chuỗi cửa hàng và cải thiện biên lãi gộp thấp hơn so với kỳ vọng; (2) Cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ; (3) Áp lực trả lãi vay trong ngắn hạn; (4) Rủi ro pha loãng cổ phiếu.

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT – sàn HOSE) đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6,2 nghìn tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ) và 47 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ) trong quý II/2022. Tăng trưởng lợi nhuận chậm lại so với quý 1/2022 (tăng 448% so với cùng kỳ), do doanh thu thuốc và doanh thu máy tính xách tay bình thường trở lại sau khi đạt mức cao bất thường trong quý IV/2021 và quý I/2022. Do quá trình bình thường hóa tiếp tục diễn ra trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi ước tính lợi nhuận 6 tháng cuối năm sẽ giảm 12% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận ròng năm 2022 ước tính đạt 549 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ). Năm 2023, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế của FPT Shop và hệ thống nhà thuốc Long Châu lần lượt tăng 10% và 43% so với cùng kỳ (lợi nhuận trước thuế tăng từ 112 tỷ đồng năm 2022 lên 160 tỷ đồng năm 2023). Về dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận của FRT sẽ được thúc đẩy bởi chuỗi nhà thuốc Long Châu, trong khi tăng trưởng lợi nhuận của FPT Shop có thể duy trì ở mức 10%. Chúng tôi kỳ vọng chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ tiếp tục giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ. FRT đặt mục tiêu sẽ có 3.000 nhà thuốc Long Châu trong 5 năm tới, từ đó hỗ trợ tăng trưởng hơn nữa. Giá mục tiêu của chúng tôi cho FRT là 91.500 đồng/cổ phiếu, dựa trên các chỉ tiêu tài chính năm 2023. Với tiềm năng tăng giá là 3,4% so với giá hiện tại, chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu FRT. Quan điểm ngắn hạn: Tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ chậm lại, do đó dẫn đến việc các nhà đầu tư tích cực chốt lời cổ phiếu

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 21.708 tỷ đồng và 369 tỷ đồng, tăng trưởng 55% và 2,7 lần so với cùng kỳ. Với kết quả này, FRT đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận năm. Chuỗi FPT Shop đem về 15.233 tỷ doanh thu, tăng 32% so với cùng kỳ, đóng góp 70% vào tổng doanh thu. Doanh số bán hàng online tăng 39% và đạt 4 nghìn tỷ đồng, chiếm 26% doanh thu của FPT Shop. Doanh thu chuỗi Long Châu đạt 6.562 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với 2021. Chuỗi FPT Shop có 745 cửa hàng, tăng thêm 98 cửa hàng so với 647 cửa hàng cuối năm 2021. Long Châu sở hữu 800 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 400 nhà thuốc so với đầu năm, hoàn thành kế hoạch mở mới đưa ra đầu năm. Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với FRT với giá mục tiêu là 82.100 đồng (tăng 10,3% so với mức tham chiếu ngày 19/12/2022) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), phản ánh đà tăng trưởng dần chậm lại của FPT Shop, cũng như đà tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng sinh lời dần được cải thiện của chuỗi nhà thuốc Long Châu. Ngoài ra, nhờ mở rộng quy mô và chú trọng cơ cấu sản phẩm, biên lợi nhuận gộp của FRT đang trong xu hướng được cải thiện. Rủi ro đầu tư Tác động của lạm phát lên sức mua và nhu cầu của người tiêu dùng lên mặt hàng ICT mạnh hơn dự kiến Chuỗi Long Châu mở rộng và tối ưu hóa được các hoạt động kinh doanh không đạt kỳ vọng đề ra.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) thêm 19% nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ mua xuống khả quan do giá cổ phiếu của công ty đã tăng 29% trong tháng qua. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi đến từ chúng tôi tăng định giá cho chuỗi nhà thuốc Long Châu thêm 23% do (1) tăng tổng doanh số bán hàng giai đoạn 2025F-29 lên 18% khi chúng tôi nâng giả định về số lượng cửa hàng LC trong năm 2029 từ 2.600 lên 3.000 do quan điểm lạc quan hơn của chúng tôi về khả năng mở rộng cửa hàng của LC từ nay đến năm 2029 và (2) cập nhật dự báo của chúng tôi từ năm 2032 sang năm 2033. Chúng tôi cho rằng Long Châu là chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn nhất Việt Nam với doanh thu/cửa hàng hàng tháng và biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cao nhất (lần lượt đạt 1,1 tỷ đồng và 1,5% vào năm 2022). Chúng tôi kỳ vọng Long Châu sẽ mở 400 cửa hàng vào năm 2023 và thêm 300 cửa hàng mỗi năm trong bốn năm tới để đạt 2.600 cửa hàng vào cuối năm 2027, sau đó mở 200 cửa hàng mỗi năm trong giai đoạn 2028-2029. Chúng tôi duy trì dự báo biên lợi nhuận gộp/ròng đạt 30,6%/4,0% vào năm 2029 (năm cuối cùng mở rộng cửa hàng) cho Long Châu, nhìn chung phù hợp với biên nhuận gộp/ròng trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực châu Á là 30,8%/4,2 %.

Kết thúc quý III/2023, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT – sàn HOSE) đạt doanh thu thuần 8.236 tỷ đồng (tăng 6,8% so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận gộp đạt 16,7% (tăng 120bps) nhờ đóng góp lợi nhuận ngày càng lớn của chuỗi Long Châu. Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ sau thuế 13 tỷ đồng do sức mua yếu cùng ảnh hưởng của cuộc chiến giá khiến chuỗi FPT Shop ghi nhận lỗ, phải nhờ đóng góp lợi nhuận của chuỗi Long Châu thì mức lỗ mới giảm bớt. Ngành hàng ICT đã có dấu hiệu tạo đáy trong quý 2 và đang hồi phục dần trong quý 3. Các tín hiệu vĩ mô tích cực đã bắt đầu xuất hiện, xuất khẩu hồi phục, lạm phát hạ nhiệt, FED cũng phát đi tín hiệu hạ lãi suất trong năm 2024. Dự kiến ngành hàng ICT sẽ tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024. Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng dài hạn của FRT khi mà ngành hàng ICT của chuỗi FPT Shop đã dần đến mức bão hoà. Long Châu với lợi thế cạnh tranh vững vàng hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ, bỏ xa các đối thủ trong ngành. Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần năm 2023 của FRT đạt 32.591 tỷ đồng (tăng 8% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 155 tỷ đồng do ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến giá. Kỳ vọng ngành hàng ICT hồi phục cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của Long Châu sẽ giúp FRT tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, tuy nhiên diễn biến giá trong thời gian gần đây của cổ phiếu đã phản ánh tương đối tiềm năng tăng trưởng của FRT, giá cổ phiếu không còn hấp dẫn khi so với định giá. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FRT với giá mục tiêu 106.000 đồng/CP.