Việc Ấn Độ áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm đang khiến thị trường gạo trên thế giới biến động mạnh. Trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9. Dự báo từ nay đến cuối năm thị trường gạo trên thế giới có thể còn tăng thêm.
Từ trước đến nay, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ còn lớn hơn cả Việt Nam và Thái Lan cộng lại. Do đó, sự giảm sút số lượng gạo xuất khẩu từ quốc gia này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực trên thế giới vốn đang ở mức cao do chịu áp lực từ hạn hán và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraina.
Việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo đang đẩy giá gạo trên thế giới tăng mạnh. Tuy nhiên, về mặt đơn hàng, Việt Nam có thể sẽ không được hưởng lợi nhiều. Bởi thị trường gạo của Ấn Độ chủ yếu là châu Phi, trong khi chi phí vận chuyển từ Việt Nam đi các thị trường này đang rất cao.
Trước đây, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 8-9 triệu tấn gạo/năm, nhưng trong vài năm gần đây, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên gấp đôi và đạt mức hơn 21 triệu tấn (năm 2021), điều này khiến giá gạo xuất khẩu trên thị trường bị giảm xuống.
Lâu nay gạo Việt Nam luôn bị cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Thái Lan về giá. Mới đây, Việt Nam và Thái Lan đã cùng nhau thảo luận giải pháp để nâng giá gạo lên, giúp người nông dân có được lợi nhuận. Do đó, động thái áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu của Ấn Độ có thể là cơ hội cho gạo Việt Nam, Thái Lan.
Trong vụ hè thu vừa qua, doanh nghiệp mua lượng lúa gạo dự trữ lớn nên đây là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều đối tác nước ngoài cũng đang chuyển hướng sang thị trường Việt Nam, Thái Lan… để thay thế nên doanh nghiệp kỳ vọng có nhiều đơn hàng mới.
Nhóm cổ phiếu hưởng lợi: TAR LTG NSC PAN