GAS triển vọng

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS – sàn HOSE) sẽ tăng nhẹ lên 101,9 nghìn tỷ đồng (tăng 1,2% so với năm trước) trong năm 2023 và giảm nhẹ vào năm 2024 (đạt 94,9 nghìn tỷ đồng, giảm 6,8%) khi khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Ukraine qua đi. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế có thể giảm mạnh xuống 13,3 nghìn tỷ đồng (giảm 10,5%) trong năm 2023 và xuống còn 12,2 nghìn tỷ đồng (giảm 8,4%) năm 2024.

Hiệu quả hoạt động sẽ giảm dần khi giá bán khí khô giảm đáng kể theo xu hướng giảm của giá FO (Fuel Oil hay dầu Mazut) trong suốt năm 2023 và 2024, trong khi nguồn khí đầu vào từ các mỏ khí giá rẻ (như bể Nam Côn Sơn) đang cạn kiệt nhanh chóng. Chúng tôi ước tính biên lợi nhuận gộp sẽ giảm dần xuống chỉ còn 20,6% và 19,2%, lần lượt trong các năm 2023 và 2024.

Điểm nhấn đầu tư: (1) Giá khí vẫn có thể duy trì ở mức tốt và sản lượng sẽ tiếp tục đà tăng khi nhiệt điện lấy lại ưu thế so với thủy điện vào năm 2023.

(2) GAS đang phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là đối với nhiệt điện khí. Tổ hợp LNG đầu tiên, LNG Thị Vải, đã hoạt động và dự kiến sẽ tạo ra 800 tỷ đồng Doanh thu thuần từ 100 triệu mét khối LNG bán ra trong năm nay.

(3) Ngoài ra, GAS cũng đang tham gia vào nhiều dự án ngoài khơi quan trọng, đặc biệt là Lô B - Ô Môn, dự án này hứa hẹn sẽ mang lại cho công ty sự tăng trưởng lớn về sản lượng và thu nhập sau khi hoàn thành vào năm 2026F, từ đó củng cố tăng trưởng dài hạn cho công ty.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 87.300 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 14%. Định giá này không bao gồm các dự án Cá Voi Xanh và LNG Sơn Mỹ GĐ2 do sự không chắc chắn, điều kiện không thuận lợi và thiếu thông tin cần thiết trong giai đoạn định giá.

Rủi ro: (1) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ; (2) Rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét; (3) Rủi ro địa chính trị.