Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên tại ngày 1/7. Theo đó, CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) bất ngờ xuất hiện với vai trò là cổ đông sở hữu số cổ phần lớn nhất tại ngân hàng này khi nắm giữ 85,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 4,9%).
Tiếp theo là CTCP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) - một công ty có quan hệ “mật thiết” với GEX nắm giữ 62,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,58% cổ phần).
3 cổ đông sở hữu trên 1% cổ phần còn lại là CTCP Thắng Phương sở hữu 53,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,07%); bà Lê Thị Mai Loan sở hữu 17,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,03%); bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu 19,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,12%).
Nguồn: Eximbank
Như vậy, danh sách cổ đông mới của Eximbank đã “thay máu” nhóm cổ đông khi trước đó, danh sách nắm giữ trên 1% cổ phần ngân hàng khi ấy là bà Lê Thị Mai Loan, Lương Thị Cẩm Tú, Vietcombank và nhà đầu tư ngoại Sumitomo Mitsui Banking Corporation.
10 năm nội chiến, Eximbank cần một “ông chủ” thật sự
Eximbank từng cùng các ngân hàng TMCP khác như Sacombank hay ACB được xem là bộ 3 quyền lực ngoài Big4 trong nhóm Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sau sự kiện bầu Kiên - cựu Phó Chủ tịch HĐQT bị bắt giữ hồi năm 2012 và chính sách yêu cầu các ngân hàng TMCP phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng từ khách hàng, hoạt động kinh doanh của EIB đi xuống và chạm đáy vào giai đoạn 2014 - 2015 khi chỉ lãi lần lượt 69 tỷ đồng và 61 tỷ đồng mỗi năm.
Đồng thời, nội chiến xảy ra giữa các nhóm cổ đông xảy ra do không có “ông chủ” thật sự - người nắm giữ cổ phần lớn, có thể chi phối.
Theo biên bản họp ĐHĐCĐ năm 2024, lãnh đạo EIB khẳng định việc không có cổ đông lớn có ảnh hưởng nhưng không đến mức trọng yếu. Điều này làm cho EIB chỉ có thể hoạt động an toàn, ổn định, nhưng sẽ thiếu yếu tố nguồn lực mang tính thay đổi tăng trưởng cho nhà băng.
Theo VPBankS, vấn đề chủ sở hữu mới có thể là “key” đầu tư cho giai đoạn tới với cổ phiếu EIB.