Chỉ đóng góp 15% vào tổng doanh thu nhưng mảng khu công nghiệp và bất động sản đang chiếm tới 39% lợi nhuận của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã: GEX ) trong năm 2023. Do đó, mở rộng và phát triển mạnh mảng này hiện đang là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư của GEX trong thời gian tới.
Năm 2023, Gelex vượt 10% lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch
Ngày 28/3, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Tập đoàn Gelex được tổ chức tại TP. Hà Nội.
Nhìn vào bức tranh kinh doanh năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Gelex đạt 29.998 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ và hoàn thành 80,1% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.397 tỷ đồng, giảm 32,9% so với năm 2022 nhưng vượt 9,8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.
Nguồn: GEX
Tuy doanh thu thuần hợp nhất của GEX không đạt kế hoạch nhưng lợi nhuận trước thuế vượt mức kế hoạch được cho là nhờ công lớn từ mảng khu công nghiệp và bất động sản khi đóng góp tới 39% lợi nhuận.
Trong đó, xét về cơ cấu doanh thu thuần, mảng thiết bị điện đóng góp 15.843 tỷ đồng (chiếm 53%); mảng vật liệu xây dựng là 7.922 tỷ đồng (chiếm 26%); mảng khu công nghiệp và bất động sản là 4.478 tỷ đồng (chiếm 15%); mảng năng lượng và nước sạch doanh thu 1.656 tỷ đồng (chiếm 6%).
Cụ thể, doanh thu thuần từ mảng khu công nghiệp và bất động sản năm 2023 giảm 7,7% so với năm 2022; tuy nhiên lợi nhuận gộp tăng từ 1.761 tỷ đồng thực hiện năm 2022 lên 2.140 tỷ đồng năm 2023. Kết quả này có được là do giá cho thuê khu công nghiệp tại miền Bắc có xu hướng tăng khi nhu cầu cao trong năm qua. Theo SSI Research, giá thuê tại một số khu công nghiệp đã tăng khoảng 15-20% so với cùng kỳ.
ĐVT: tỷ đồng (Nguồn: GEX )
Theo đó, thông qua công ty thành viên là Tổng Công ty Viglacera (mã: VGC ) trực thuộc công ty con trực tiếp của Tập đoàn Gelex là CTCP Hạ tầng Gelex (sở hữu 50,21% cổ phần VGC ), doanh nghiệp này hiện có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 4.000ha, chủ yếu ở miền Bắc; thu hút FDI từ nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như: Samsung, Foxcon, Canon, Amkor, Hyosung, Anam Electronics, Kortek, Orion, Ottogi…
Trong đó, doanh thu năm 2023 đến chủ yếu từ các dự án như KCN Yên Phong 2C, KCN Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh), KCN Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên), KCN Phú Hà (Phú Thọ)… với tổng diện tích đất bàn giao 179ha. Theo báo cáo thường niên 2023 của VGC , quỹ đất kinh doanh hạ tầng KCN đến 31/12/2023 còn lại khoảng 848ha, trong đó diện tích kinh doanh hạ tầng đã đầu tư, sẵn sàng cho thuê là khoảng 90ha.
Như vậy, có thể coi đây là mảng hoạt động duy nhất có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2023, là "gà đẻ trứng vàng" cho GEX trong bối cảnh thị trường đối diện với không ít khó khăn.
Kết thúc 2023, tổng tài sản hợp nhất của Gelex là 55.076 tỷ đồng, tăng 5,1%, chủ yếu do tăng tài sản dài hạn, đầu tư tăng tài sản cố định mảng nước sạch và đầu tư góp vốn/cho vay dài hạn Công ty TNHH Titan Corporation. Trong đó vốn chủ sở hữu là 21.224 tỷ đồng.
Về tình hình nợ, nợ phải trả hợp nhất của Gelex tại 31/12/2023 là 33.853 tỷ đồng, tăng 2.511 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay hợp nhất của Gelex năm 2023 tăng 18,7% so với 2022 chủ yếu do một số công ty thành viên tăng tài trợ cho các tài sản dài hạn. Doanh nghiệp cho biết, đây là kết quả của việc tận dụng mặt bằng lãi suất giảm, tăng đòn bẩy tài chính để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tập trung nguồn lực cho "miếng bánh béo bở"
Trong bối cảnh nền kinh tế đang có sự hồi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, lãnh đạo GELEX đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,7% và 37,5% so với thực hiện của năm 2023.
Nguồn: GEX
Cụ thể, đối với mảng kinh doanh chính là sản xuất kinh doanh thiết bị điện, vật liệu xây dựng, trong năm 2024, bên cạnh việc giữ và tăng trưởng thị phần tại thị trường trong nước với các mặt hàng chiến lược thuộc mảng thiết bị điện, từng bước phát triển mở rộng ra thị trường nước ngoài phù hợp, Gelex sẽ chú trọng tối ưu hóa sản xuất, đẩy mạnh công tác R&D, hợp tác với các đối tác lớn để sản xuất các sản phẩm mới với hàm lượng công nghệ cao, phù hợp nhu cầu thị trường.
Đồng thời, GEX cũng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu chi phí, cân đối công nợ, kiểm soát hàng tồn kho, tinh gọn bộ máy/nhân sự, tăng cường quản trị rủi ro… để nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững vị thế, hỗ trợ cho tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, ở mảng vật liệu xây dựng, Gelex định hướng các đơn vị thúc đẩy các sản phẩm xanh, ứng dụng giải pháp thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Trong năm 2024, GELEX đã lên kế hoạch với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,7% và 37,5% so với thực hiện của năm 2023.
Đối với sản xuất kinh doanh điện và nước sạch, GEX hướng tới quản lý vận hành các nhà máy theo tiêu chí an toàn tin cậy hiệu quả, tối ưu hoá chi phí và hạn chế tối thiểu rủi ro.
Đối với mảng mang lại nguồn lợi nhuận lớn trong năm 2023 là kinh doanh bất động sản, Gelex đặt mục tiêu gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tiện ích, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất.
Đáng chú ý, trong định hướng hoạt động đầu tư lĩnh vực bất động sản của công ty năm 2024, GELEX xác định từng bước đầu tư chuyển đổi bất động sản khu công nghiệp từ một thể thức cơ bản truyền thống thành thể thức thành phố công nghiệp tích hợp đô thị sinh thái, hướng đến phát triển xanh và bền vững. Theo lãnh đạo GEX , thành phố công nghiệp được quy hoạch bài bản sẽ là sự dung hợp giữa không gian sản xuất, sinh sống và thương mại, hướng đến thu hút các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Đồng thời, phát huy những lợi thế sẵn có để triển khai tích cực, có hiệu quả các hoạt động chuẩn bị đầu tư, đền bù, đặc biệt là xúc tiến bán hàng, cho thuê khu công nghiệp, mang lại hiệu quả cao cho mảng bất động sản. Đặc biệt, chú trọng vào dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn và văn phòng cho thuê. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các dự án công nghiệp mới tại các địa phương có lợi thế về đất, hạ tầng giao thông, nguồn điện, nước và chính sách thu hút đầu tư bao gồm nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng, nhà kho xây theo yêu cầu thông qua các công ty thành viên.
Năm 2024, GEX tập trung nguồn lực cho "miếng bánh béo bở" bất động sản, khu công nghiệp. Ảnh: Gelex Group
Có thể thấy, trong thời gian qua, Việt Nam được hưởng lợi lớn khi dòng vốn FDI tăng mạnh, đặc biệt là mức tăng trưởng tích cực của bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Được biết, dòng vốn FDI chảy vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, khi dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào nền kinh tế thì các khu công nghiệp được xem như "thỏi nam châm" hút mạnh dòng tiền.
Nhìn nhận và đánh giá được tiềm năng phát triển của "miếng bánh ngọt" này, trong năm 2024, Gelex tiếp tục đầu tư theo chiều sâu ở mảng sản xuất công nghiệp và triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp. Định hướng trong thời gian tới, GEX sẽ thông qua các công ty thành viên, tiếp tục phát triển quỹ đất tại các địa phương tiềm năng. Mục tiêu đến năm 2030, GEX có 20 khu công nghiệp với tổng diện tích tăng thêm từ 2.000 - 3.000ha.
Chi tiết hơn, tại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2024, Viglacera cho biết sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tại các khu công nghiệp đang triển khai. Bên cạnh đó, khảo sát, đề xuất lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư để triển khai đầu tư các khu công nghiệp mới tại các địa phương sở hữu vị trí có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh.
Đồng thời, sẽ thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai thực hiện các dự án: KCN Phù Ninh (khoảng 400ha), KCN Bắc Sơn (khoảng 200ha) tại Phú Thọ; KCN Đông Mai mở rộng (khoảng 150ha) tại Quảng Ninh; KCN Trấn Yên (khoảng 255ha) tại Yên Bái; KCN Tây Phổ Yên (khoảng 868ha), KCN Sông Công II (khoảng 296ha) tại Thái Nguyên; KCN Số 1 (khoảng 260ha) tại Hưng Yên; KCN Dốc Đá Trắng (khoảng 288ha) tại Khánh Hòa...
Vừa qua, trong tháng 3/2024, Viglacera đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 5.800 tỷ đồng.
Cụ thể, vào ngày 18/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 234/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư "Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, tỉnh Khánh Hòa". Dự án do CTCP Phát triển Khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ - một công ty con của VGC làm chủ đầu tư. Quy mô sử dụng đất của dự án là 288ha với tổng số vốn đầu tư ước tính 1.807,5 tỷ đồng.
GELEX: “Miếng bánh béo bở” bất động sản khu công nghiệp và mục tiêu tham vọng cho 2024- Ảnh 6.
Vị trí dự án KCN Dốc Đá Trắng.
Trước đó, ngày 7/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã ký Quyết định số 225/QĐ-TTg, chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 tại tỉnh Thái Nguyên. Dự án do CTCP Viglacera Thái Nguyên, một công ty con khác cũng của VGC là chủ đầu tư, có quy mô sử dụng đất của dự án là 296,24ha với tổng số vốn đầu tư ước tính 3.985,47 tỷ đồng.
Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp 2 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được giao cho các đơn vị của VGC làm chủ đầu tư.
Trong năm 2024, GEX tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển hệ sinh thái đối tác. Do đó, Gelex đã mở rộng hợp tác quốc tế với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu, tiêu biểu như Frasers Property để phát triển các trung tâm công nghiệp theo mô hình cao cấp.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Liên doanh giữa Gelex và Frasers Property sẽ triển khai phát triển không gian công nghiệp chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng thông qua các loại hình sản phẩm như: RBF - nhà xưởng xây sẵn, RBW - nhà kho xây sẵn, BTS - nhà xưởng và nhà kho xây theo yêu cầu./.