Giá bạc và bạch kim đồng loạt tăng vọt khi đồng USD và mức lợi suất kho bạc Mỹ suy yếu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/10, bảng giá kim loại đang cho thấy sự phân hoá giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Giá vàng tăng 2.38% lên mức cao nhất kể từ ngày 15/9, cán mốc 1699.22 USD/ounce. Bạc tăng vọt hơn 8% lên mức 20.58 USD/ounce, ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 2/2021. Bạch kim kết phiên với tăng tương đối lớn, 4.75% lên mức 911.3 USD/ounce.

Vào hôm qua, dữ liệu kinh tế cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn 2 năm vào tháng 9. Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cung cấp đã giảm mạnh từ 52.8 xuống 50.9 trong tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 và tiêu cực hơn nhiều so với kỳ vọng ở mức 52.2 trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng, gây áp lực tới chi phí vay. Chỉ số việc làm sản xuất của ISM cũng đã về dưới ngưỡng 50, đạt mức 48.7, thấp hơn con số 54.2 vào tháng 8. Điều đó cũng làm dấy lên lo ngại về nhu cầu lao động tại các nhà máy sẽ tác động tiêu cực tới bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào cuối tuần này.

Dữ liệu bất ngờ kém khả quan đã khiến các nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ thu hẹp tốc độ tăng lãi suất hơn dự kiến trong giai đoạn cuối năm nhằm tránh rủi ro suy thoái. Điều đó đã kéo Dollar Index giảm 0.38% và mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm giảm mạnh 18 điểm xuống còn 3.64%. Đây là nguyên nhân cơ bản hỗ trợ mạnh cho giá kim loại quý tăng vọt trong phiên khi vai trò trú ẩn được củng cố và chi phí cơ hội cho việc nắm giữ giảm, nhất là khi nhiều chuyên gia nhận định rằng bạc và bạch kim đang ở mức “quá bán” trong giai đoạn vừa qua.

Bên cạnh đó, mức tăng của bạch kim cũng được hỗ trợ bởi thông tin nhập khẩu bạch kim của Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 9, đạt mức 27 tấn trong tháng 9, cao gấp gần 24 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do vào tháng 7, New Delhi đã tăng thuế nhập khẩu vàng lên 15% nhưng giữ nguyên thuế nhập khẩu bạch kim ở mức 10.75%. Do đó, các nhà máy tinh chế tại quốc gia này đã nhập khẩu một lượng lớn vàng có chứa một lượng nhỏ bạch kim nhưng đã đăng ký giao dịch với hải quan dưới dạng hợp kim bạch kim để tránh phải trả thuế cao hơn.

Đối với kim loại cơ bản, đồng COMEX mở cửa với mức giá thấp hơn phiên trước đó, chịu áp lực bởi loạt dữ liệu sản xuất tiêu cực tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Đài Loan. Tuy nhiên, sự suy yếu của đồng USD cũng đã kéo giá đảo chiều vào nửa cuối phiên. Bên cạnh đó, lo ngại về những gián đoạn về nguồn cung tại mỏ đồng Los Pelambres của Chile do đối diện với biểu tình từ phía công nhân cũng hỗ trợ cho đà tăng của giá. Kết phiên, áp lực bán ban đầu thắng thế và khiến giá đồng COMEX giảm nhẹ 0.07% xuống 3.41 USD/pound. Giá quặng sắt giảm 1.84% xuống còn 93.7 USD/tấn trong bối cảnh Trung Quốc nghỉ lễ Quốc khánh 5 ngày, khiến nhu cầu sắt thép tạm thời chững lại.
phan tich kim loai 041022