Giá ca cao thế giới giảm 25% so với mức đỉnh

Các nhà phân tích cho biết giá ca cao, nguyên liệu chủ yếu được sử dụng để chế biến chocolate, đã giảm mạnh sau khi đạt mức cao kỷ lục gần đây, do các nhà đầu tư quan ngại về việc thị trường này quá "nóng" và có thể trở nên kém thanh khoản.

Nông dân phơi hạt ca cao tại làng Bringakro, Côte d'Ivoire. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngày 1/5, giá ca cao ở mức 8.408 USD/tấn tại New York và 6.783 bảng Anh (8,5 USD)/tấn tại London. Mức giá này đã giảm 25% so với mức đỉnh điểm 11.722 USD/tấn tại New York (Mỹ) và 9.285 bảng Anh/tấn tại London (Anh) hôm 19/4 do những lo ngại về nguồn cung xuất phát từ tình hình thời tiết bất lợi ở hai nước sản xuất ca cao hàng đầu thế giới là Ghana (Ga-na) và Côte d'Ivoire (Cốt-đi-voa).

Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nhận định, các biến động mạnh và sự bất ổn về giá cả trong thời gian gần đây buộc nhiều thương nhân kinh doanh ca cao từ bỏ thị trường này vì thị trường quá khó giao dịch và quá đắt đỏ để duy trì vị thế trên thị trường, từ đó gây ra vấn đề về thanh khoản.

Cũng theo nhà phân tích trên, tính kém thanh khoản đã khiến cho thị trường ca cao trở nên bất ổn định, có nghĩa là rất nhiều nhà giao dịch đã dừng hoặc giảm quy mô hoạt động.

Việc giá ca cao tăng đột ngột gần đây đã gây ra những lo ngại về phản ứng dây chuyền đối với giá bán lẻ chocolate vào thời điểm mà các nền kinh tế lớn đang đối mặt với lạm phát cao.

Giá ca cao, tăng vọt do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu khiến nông dân ở các nước Mỹ Latinh đang ráo riết trồng mới các cây cacao. Nông dân tại các thị trường cung cấp ca cao chính của khu vực như Ecuador, Brazil, Peru và Colombia đang tích cực mua hạt giống và mở rộng diện tích đất trồng ca cao. Hiệp hội các nhà xuất khẩu ca cao Ecuador cho biết, tổng diện tích trồng ca cao của nước này dự kiến vượt qua 600.000 ha trong năm nay, tăng so với mức tương ứng 500.000 ha của năm ngoái.

Ông Paul Hutchinson, Giám đốc Chiến lược Thương mại tại Olam Food Ingredients, một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất thế giới, cho biết: "Không chỉ riêng Ecuador. Chúng tôi cũng thấy sự gia tăng đáng kể ở Peru, Colombia và Brazil".

Ông Nicko Debenham, cựu Giám đốc Phát triển Bền vững tại Barry Callebaut, nhà sản xuất chocolate lớn nhất thế giới, đặt câu hỏi: "Nếu bạn là một nông dân và nhìn thấy những mức giá này, bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ không trồng khoai lang đâu".

Giá ca cao tăng vọt là do cây trồng bệnh và thời tiết xấu làm giảm năng suất ở Tây Phi, khiến sản lượng giảm mạnh trong khi nhu cầu về chocolate ngày càng tăng ở các thị trường mới nổi và người tiêu dùng ở các nước phát triển mua nhiều sản phẩm cao cấp hơn.

Các nhà sản xuất chocolate đang chuyển chi phí tăng vọt của ca cao sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá, giảm kích thước sản phẩm, hoặc thay đổi công thức sản xuất.

Ghana và Ivory Coast cung cấp 2/3 sản lượng ca cao trên toàn cầu, nhưng chính phủ cả hai quốc gia này đều định giá bán cho nông dân để bảo vệ họ khỏi biến động của thị trường. Điều này có nghĩa là người trồng không được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá ca cao kỳ hạn tăng vọt, làm giảm động lực đầu tư vào các đồn điền để tăng năng suất.

Trong khi đó, những nhà sản xuất ở các thị trường tự do ở khu vực Mỹ Latinh đang thu lợi nhuận. Nông dân tại đây đang dần từ bỏ các loại cây trồng khác như chuối và dầu cọ để trồng ca cao. Paul Hutchinson, Giám đốc Chiến lược Thương mại tại Olam Food Ingredients, chỉ ra sự khác biệt giữa các nhà sản xuất ca cao nhỏ lẻ ở Ghana và Bờ Biển Ngà với các hoạt động trồng ca cao quy mô công nghiệp ở Mỹ Latinh.


Hạt ca cao tại khu vực Morales, Bolivar (Colombia). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Những người nông dân nhỏ lẻ ở Ghana và Bờ Biển Ngà hạn chế sử dụng phân bón hoặc thuốc trừ sâu và có những cây ca cao già cỗi, kém năng suất và dễ bị dịch bệnh và thời tiết xấu ảnh hưởng tiêu cực hơn. Trong khi đó, ở Mỹ Latinh, trồng ca cao là một hoạt động công nghiệp. Các đồn điền quy mô lớn sử dụng hạt giống lai kháng bệnh, hệ thống tưới tiêu tiên tiến và nhiều thuốc trừ sâu. Do đó, năng suất ca cao ở Mỹ Latinh đang ở một cấp độ hoàn toàn khác.

Theo ông Hansen, thông thường cần từ 6 tháng đến 12 tháng để những biến động giá được đưa vào giá bán lẻ sản phẩm, nhưng ông cho rằng người tiêu dùng nên chuẩn bị cho sự tăng giá của chocolate. Chocolate đang trở thành sản phẩm xa xỉ mới và các nhà sản xuất dự đoán giá của các sản phẩm sẽ tăng để đáp ứng với mức tăng giá đáng kể này của ca cao.

Một trong những giải pháp trong ngành thực phẩm khi giá nguyên liệu bùng nổ là xây dựng lại công thức chế biến. Tuy nhiên, theo ông Mark Schneider, ông chủ của Nestlé, việc điều chỉnh công thức chế biến và hương vị hiện nay chỉ vì giá ca cao tăng lên, sẽ là một sai lầm. Ông nhấn mạnh người tiêu dùng có những kỳ vọng rất cụ thể đối với các sản phẩm yêu thích của họ. Do đó, công ty muốn chuyển cuộc khủng hoảng nguyên liệu sang giá bán của mình. Nhưng các thương hiệu sản xuất chocolate khác đang lựa chọn một giải pháp là phát minh ra sản phẩm mới không chứa ca cao.

Mới đây, Hội nghị Ca cao Thế giới (WCC) lần thứ 5 diễn ra tại Brussels, Bỉ, với chủ đề "Trả giá cao hơn cho ca cao bền vững" tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo thu nhập cao hơn cho người trồng ca cao, thúc đẩy sản xuất bền vững và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Trong bài phát biểu của mình, Hoàng hậu Bỉ Mathilde nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo một tương lai bền vững cho ngành ca cao. Đây là ngành đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của nhiều quốc gia và sinh kế của hàng triệu người. Tuy nhiên, ngành này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và điều kiện lao động tồi tệ. Hoàng hậu kêu gọi chung tay hành động để đảm bảo một tương lai bền vững cho ngành ca cao để người trồng ca cao được trả công xứng đáng cho sản phẩm của họ và môi trường được bảo vệ.

Lê Minh (TTXVN)

Link gốc

https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-ca-cao-the-gioi-giam-25-so-voi-muc-dinh-20240502120047034.htm