Giá cả leo thang, lo lạm phát tăng cao

Giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu như gạo, đường, phở, mì, cà phê... nhấp nhổm tăng, chưa kể các khoản chi phí cố định như tiền điện, nước mùa nắng nóng cũng tăng cao, trong khi lương thưởng "đứng hình" khiến đời sống nhiều người dân khá chật vật.

Giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao khiến người tiêu dùng càng thêm tính toán cho từng bữa ăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ngày này, nhiều bà nội trợ cho biết rất đắn đo mỗi khi chọn mua thực phẩm tại các chợ hay siêu thị vì "đụng đến mặt hàng nào cũng thấy tăng giá".

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ cho biết buộc phải tăng giá bán sản phẩm do giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là các sản phẩm hay nguyên liệu nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi tỉ giá, dù sức mua vẫn khá thấp.

Bà nội trợ "chóng mặt" với giá thực phẩm

Cầm bịch đường cát trắng bước ra từ cửa hàng tạp hóa bên cạnh chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM), bà Lê Thị Chi than thở rằng bằng giờ này năm ngoái, bịch đường bà mua giá 22.000 đồng nhưng nay tăng lên 28.000 đồng. Nhiều loại thực phẩm tươi như thịt, trái cây... cũng không còn giá "mềm" như trước.

"Giờ này mọi năm nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu... rẻ rề, ăn tẹt ga, nhưng năm nay sờ vào gì cũng thấy mắc", bà Chi nói. Việc hàng loạt mặt hàng thiết yếu như trái cây, gạo, đường... tăng giá mạnh khiến nhiều người tiêu dùng cho biết phải cố "thắt lưng buộc bụng", chi tiêu dè sẻn chứ chẳng thể "xông xênh" như trước.

Dành gần 30 phút lượn khắp các gian hàng tại siêu thị trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), bà Mai Kim Chung (ngụ quận 5) hết ngắm hàng giảm giá lại cầm lên, đặt xuống so sánh giá cả tại quầy thực phẩm.

"Trước cầm 100.000 đồng đi chợ là đủ cho bữa cơm gia đình dinh dưỡng, nay quay đi quay lại 100.000 đồng hết cái vèo nhưng vẫn thấy chưa mua được gì", bà Chung cho biết.

Ông C.V.T. - chủ cửa hàng tạp hóa bên cạnh chợ Nguyễn Tri Phương - cho biết khoảng một tháng trở lại đây, giá dầu đã tăng gần 10.000 đồng mỗi loại, cà phê gói và cà phê bột tăng khoảng 15.000 đồng. "Nhiều người mua than thở với tôi kinh tế khó song cái gì cũng sốt giá, tôi cũng đành an ủi và mong khách thông cảm", ông T. cho hay.

Nhiều siêu thị, đơn vị bán lẻ cho biết phải điều chỉnh tăng giá bán nhiều mặt hàng, nhất là hàng nhập khẩu do ảnh hưởng tỉ giá USD tăng cao.

Theo đại diện siêu thị Lotte Mart, các mặt hàng tươi sống, nhập khẩu thường xuyên như trái cây, thủy hải sản... đã phải tăng trung bình 5% giá bán ra so với cuối năm ngoái. Các mặt hàng khô như dầu đậu nành, dầu cọ, dầu ô liu sắp tới sẽ tăng giá 2-8%.

Đặc biệt, dù giá neo cao thời gian qua, mặt hàng gạo cũng sẽ tăng 10%. Đại diện nhiều siêu thị khác cho biết dù cố gắng kìm giá nhưng trước tình trạng nhiều nhà cung cấp đang đề xuất cho tăng 2-10% giá bán với các mặt hàng khô như mì gói, bún, phở, cà phê và mặt hàng chế biến như giò, chả, xúc xích... vì giá đầu vào tăng, do đó khả năng sẽ có một đợt tăng giá mới với nhiều mặt hàng thiết yếu.

Doanh nghiệp cũng đau đầu với giá đầu vào

Ông Đinh Minh Tâm - phó giám đốc Công ty TNHH Cỏ May - cho hay so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo nguyên liệu đầu vào đã tăng khoảng 50%.

"Dù giá gạo nhập tăng cao song doanh nghiệp không thể tăng giá thành phẩm tương đương, chúng tôi phải gồng lỗ, điều chỉnh giá tăng khoảng 20% nhằm bình ổn giá thị trường", ông Tâm nói.

Đại diện Công ty CP lương thực thực phẩm Colusa - Miliket cũng cho biết hoạt động kinh doanh đang chịu áp lực bởi sức mua giảm nhưng hầu hết giá bao bì, nguyên phụ liệu lại tăng 3-8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nguyên liệu chính cho sản xuất như dầu, bột mì, gạo... tăng giá liên tục, thậm chí giá gạo tăng 50-60% và neo khá cao trong thời gian dài khiến giá thành sản phẩm bị đội lên.

"Dù đã cố gắng bình ổn trong thời gian dài nhưng với giá đầu vào tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt như hiện nay, chúng tôi đang tính toán lên kế hoạch tăng giá bán một số sản phẩm", vị này nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan, doanh nghiệp này cũng chịu nhiều áp lực do sự biến động của giá đầu vào, bao gồm giá heo hơi, giá bao bì, nguyên phụ liệu... nhập khẩu.

Với giá heo hơi đang có chiều hướng tăng cao, có thể đạt 70.000 đồng/kg trong thời gian tới, nhiều sản phẩm làm từ thịt cũng sẽ bị đội giá thành.

"Ngoài thịt tươi sống, nhiều sản phẩm chế biến như giò, chả... bắt buộc phải làm từ thịt heo nóng (heo trong nước) thay vì heo nhập. Thịt heo chiếm chủ đạo trong cấu thành giá thành sản xuất. Do đó, mặt hàng này tăng giá sẽ tác động lên giá sản phẩm bán ra, đây là điều khó tránh", ông An nhận định.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết đang cố kìm giá hàng hóa hoặc chỉ tăng nhẹ do sức mua vẫn rất yếu.

Dù cho rằng việc tăng giá bán là điều khó tránh nếu giá thành nhập vào tăng nhưng đại diện các siêu thị như MM Mega Market, Lotte Mart... cho biết sẽ cố gắng kìm giá ở mức tốt nhất bằng việc ưu tiên chọn nhà cung cấp cho giá bán tốt hơn hoặc tìm kiếm các đối tác, tăng liên kết với các hiệp hội để hàng nhập khẩu về có được mức giá cạnh tranh.

"Chúng tôi đẩy mạnh liên kết với các hiệp hội ở những thị trường chính Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ... nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị này để các sản phẩm thực phẩm nhập được giá tốt hơn. Ngoài ra, những sản phẩm như đồ khô, gia dụng... ưu tiên nhập vào thời điểm giá tốt để dự trữ", đại diện Lotte Mart nói.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Dữ liệu: BẢO NGỌC - Đồ họa: TUẤN ANH

Giá xăng dầu, dịch vụ y tế... kéo lạm phát tăng

Lạm phát bốn tháng vừa qua tăng 3,93%, riêng tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều người dân chi tiêu dè chừng hơn vì thu nhập giảm do tình trạng thiếu việc, mất việc, thất nghiệp tăng đáng kể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thu Oanh - vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho biết lạm phát tăng trong bốn tháng đầu năm là do giá nhà ở và vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, cát, giá thuê nhà ở) tăng 5,54% làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,84%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,74% cũng đẩy lạm phát tăng.

"Riêng trong tháng 4, lạm phát tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước do các nhóm hàng hóa dịch vụ như giao thông tăng 1,95% (tăng theo giá nhiên liệu xăng dầu tăng), các nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92%, hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,27%, nhà ở - vật liệu xây dựng tăng 0,21% (tăng theo giá xăng dầu, điện)", bà Oanh cho biết.

Cũng theo bà Oanh, điện là mặt hàng rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động trực tiếp khá lớn tới lạm phát. Chỉ số giá điện sinh hoạt cứ tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI chung của nền kinh tế tăng thêm 0,33 điểm phần trăm.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định áp lực lớn nhất với lạm phát từ nay đến cuối năm là xu hướng tăng giá xăng dầu, tăng giá điện. Đây là hai nhiên liệu đầu vào cho hầu hết ngành sản xuất, hai mặt hàng này tăng giá sẽ đẩy giá cả hầu hết các mặt hàng tăng lên.

Người dân đổ xăng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mệt mỏi với bài toán chi tiêu cho từng bữa ăn

Ghi nhận tại TP.HCM cho thấy không ít cửa hàng ăn uống phải giảm quy mô vì giá nguyên liệu đầu vào tăng mà sức tiêu thụ quá chậm.

Cầm 500.000 đồng ra chợ, chị Nguyễn Thị Ánh Thu (quận 3, TP.HCM) chỉ mới loay hoay mua rau, cá, thịt, mắm... là hết dù lượng thực phẩm mua không được nhiều như lúc trước, chỉ đủ cho bữa ăn nhỉnh hơn một ngày.

Cũng đi tới đi lui chợ Tân Định (quận 1), bà Phạm Thị Hương cho biết từ đầu chợ đến cuối chợ cái gì cũng khó mua vì giá cả tăng cao.

"Đụng vào thứ gì cũng thấy tăng giá, từ rau củ, trứng cho đến gạo, thịt... nên tui tới lui mấy vòng mà vẫn chưa quyết định mua cái gì vừa phải và phù hợp, không bị thâm hụt thu chi mỗi ngày trong gia đình", bà Hương cho biết.

Anh Nguyễn Thi, công nhân ở Khu công nghiệp Tân Bình, cho biết trước đây vợ anh đi chợ khoảng 1,2 triệu đồng nhưng nay tốn 1,8-2 triệu đồng để mua thực phẩm dùng trong một tuần.

"Thực phẩm tăng giá, trong khi lương của tôi vẫn như thế, vẫn chỉ ở mức 8 triệu đồng/tháng tính cả tăng ca, nên cuộc sống chật vật hơn lúc trước", anh Thi than.

Có cửa hàng bán hủ tiếu, bún bò viên... trên đường Trần Quốc Toản (phường Võ Thị Sáu, quận 3), anh Nguyễn Hoàng cho biết phải tạm đóng cửa do sắp vào mùa nghỉ hè, lượng khách không nhiều trong khi chi phí cho nguyên liệu đầu vào ngày một tăng.

"Khách vào ăn uống lưa thưa trong khi nguyên liệu như bò, chả, rau cái gì cũng tăng giá. Một tô bún hay hủ tiếu giá trung bình 35.000 đồng, nhưng nguyên liệu tính ra đã 30.000 đồng, chưa kể công cán nhân viên, thuế, tiền mặt bằng...", anh Hoàng cho biết.

"Sốt" cả với ly cà phê vỉa hè

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại nhiều quán cà phê ven đường ở các quận 1, 5, Tân Bình... một tháng trở lại đây cho thấy nhiều chủ cửa hàng, xe đẩy cà phê đã sửa biển, tăng giá bán cà phê 1.000 - 2.000 đồng/ly.

Theo nhiều chủ kinh doanh, giá cà phê nguyên liệu tăng liên tục, hơn 100% so với năm ngoái do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Mai Thảo - chủ một xe đẩy cà phê trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) - cho biết dù rất muốn giữ giá bán song trước tình hình giá cà phê nguyên liệu tăng gấp đôi, bà đành điều chỉnh giá bán theo thị trường.

"Khoảng một năm trở lại đây, lần nào nhập nguyên liệu cũng có giá mới, tăng ngang giá vàng nên tôi đành tăng giá bán. Tôi cũng đắn đo lắm vì ly cà phê vỉa hè chủ yếu bán cho khách bình dân, shipper, học sinh, sinh viên, dù tăng chỉ 1.000-2.000 đồng cũng đủ làm mất khách", bà Thảo nói.

TS NGÔ TRÍ LONG (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả):

Lo giá điện kéo lạm phát tăng cao

TS NGÔ TRÍ LONG

Lạm phát bốn tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng khá cao, dư địa kiểm soát lạm phát còn ít, chủ yếu do giá dầu và một số mặt hàng khác tăng giá.

Trong khi đó, giá điện chắc chắn sẽ tăng trong năm nay vì EVN đang lỗ một khoản rất lớn, khó có khả năng tái đầu tư.

Chính phủ cũng vừa đồng ý cơ chế cho EVN tăng giá điện ba tháng một lần, mức tăng 3-5% do EVN quyết định, tất nhiên vẫn phải có sự đồng ý của các bộ ngành.

Do vậy kiểm soát lạm phát cả năm 4-4,5% là một thách thức, dư địa còn lại rất ít trong khi tình hình địa chính trị bất ổn nên giá cả thế giới tăng kéo giá trong nước tăng theo.

Để kiểm soát lạm phát năm nay, cần kết hợp nhiều giải pháp như kiểm soát giá xăng dầu, giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ, giải pháp chính sách thương mại.

Ông NGUYỄN BÁ HÙNG (chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam):

Vẫn có nhiều công cụ để kiềm chế lạm phát

Ông NGUYỄN BÁ HÙNG

Cơ chế kiểm soát lạm phát của Việt Nam có một số khác biệt với thế giới, một số mặt hàng được Chính phủ trợ cấp nên khi có biến động về giá, chưa chắc đã thể hiện hết vào chỉ số lạm phát.

Chẳng hạn điện đang được Chính phủ trợ cấp để giá điện bán ngang với giá phát điện. Và dù EVN đã có lộ trình tăng giá điện nhưng nếu rủi ro lạm phát cao, Chính phủ có thể điều chỉnh chậm lộ trình tăng giá điện lại.

Ngay cả giá xăng dầu dù phụ thuộc vào thị trường thế giới nhưng Chính phủ đang duy trì quỹ bình ổn xăng dầu nên nếu giá thế giới biến động, Chính phủ vẫn có thể chủ động quyết định giá lúc nào lên lúc nào xuống.

Với lương thực, nhóm hàng chiếm 25% trong số giỏ hàng hóa tính lạm phát hằng năm, Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực nên khi giá lương thực thế giới tăng, Việt Nam cũng được hưởng lợi. Điều này cũng làm cho giá trong nước nhích lên một chút.

Ngoài giá lương thực, xăng dầu và điện, còn có các yếu tố khác đang tác động đến lạm phát như tỉ giá, khi đồng Việt Nam đã giảm giá 4% so với USD.

Doanh nghiệp trong nước đang nhập khẩu hàng hóa bằng USD, nếu quy ra tiền Việt sẽ tăng thêm 4% và chúng ta đang nhập khẩu lạm phát.

Lạm phát quý 1 năm nay tăng mạnh một phần do tác động của lần tăng giá điện tháng 12-2023. Điều này đẩy tất cả chi phí sinh hoạt, chi phí sản xuất nhích lên.

Có thể khẳng định áp lực tăng lạm phát là có khi quý 1-2023 lạm phát tăng 3,3% nhưng quý 1-2024 tăng 3,77%. Tuy nhiên Chính phủ vẫn có nhiều công cụ để kiểm soát lạm phát, vì vậy khả năng lạm phát cả năm vượt mục tiêu tăng 4-4,5% là không nhiều.

NGUYỄN TRÍ - NHẬT XUÂN - BẢO NGỌC - THẢO THƯƠNG

Link gốc

https://tuoitre.vn/gia-ca-leo-thang-lo-lam-phat-tang-cao-20240516082729404.htm