Giá dầu thế giới đang là một điều mà mọi người trên thế giới đều đang quan tâm hiện nay khi chứng kiến mức giá cao nhất trong khoảng 13 năm trở lại đây. Nhưng liệu bạn có để ý, là giá dầu khí trên thế giới, bất kể nước nào trên thế giới cũng phải niêm yết bằng đồng USD không? Và hầu như khi nói về câu chuyện dầu khí, chúng ta thường nói về nước Mỹ như người “đứng đầu cuộc chơi”. Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về khái niệm Petrodollar – Vương miện dầu mỏ giúp Mỹ trở thành nước đứng đầu của nền kinh tế thế giới, và tại sao Mỹ lại có quyền lực ảnh hưởng đến giá dầu như vậy nhé!
Bước “bành trướng” sơ khai của đồng USD (đô la Mỹ)
Tiền là phương tiện trao đổi trong các hoạt động thương mại, và giá trị của tiền hình thành từ trị giá đối ứng mà nó đại diện. Giá trị đối ứng càng cao thì tiền đấy càng có giá trị. Mỗi quốc gia, tổ chức in tiền có một đồng tiền khác nhau, và đồng tiền mạnh hay yếu thường phụ thuộc vào sức mạnh của quốc gia đó.
Những đồng tiền trên khắp thế giới
Vậy người ta xác định độ mạnh/yếu của một đồng tiền như thế nào?
Trước kia, khi công nghệ khoa học chưa thực sự phát triển, giá trị của đồng tiền được xác lập dựa vào vàng. Tại sao vàng được lựa chọn? Xin thưa đầu tiên là do vàng quý hiếm, sau đó do bởi nó đẹp và tinh khiết, khó bị ăn mòn, nặng và dẻo, dễ dàng phân biệt so với các kim loại khác. Nôm na là làm giả vàng cực kỳ khó.
Cho đến nay, tổng lượng vàng mà con người đã khai thác ít một cách kinh ngạc – khoảng 125 ngàn tấn, và nó vẫn là đối tượng dự trữ quan trọng ở các ngân hàng trung ương quốc gia, là phương tiện duy trì khả năng thanh khoản và thực hiện chức năng bảo toàn giá trị.
Vì thế, vàng tuy quý nhưng người ta khó lòng mang nó ra để lưu thông, vậy nên mới xuất hiện các loại tiền giấy khác nhau.
Có một câu hỏi đặt ra là, khi giao thương quốc tế, người ta quy đổi giữa các loại tiền khác nhau như thế nào? Xin thưa, chính là việc các quốc gia ngồi lại cùng xác lập một hệ thống niêm yết toàn cầu.
Năm 1944, hội nghị Bretton Woods thiết lập đồng đô la Mỹ (hay còn gọi là USD) là đồng tiền dự trữ thế giới, đồng tiền duy nhất gắn với vàng trong khi tất cả các đồng tiền khác gắn với đồng đôla. Đây gọi là hệ thống bản vị vàng, tổ chức phát hành cam kết sẵn sàng nhận lại tiền giấy USD và trả vàng lại nếu được yêu cầu, tùy theo tỷ giá được niêm yếu trước.
Tại sao đồng USD được chọn, bởi vì Mỹ có dự trữ vàng lớn nhất thời đó, và Mỹ cũng giơ tay xung phong đầy hào hứng nhận trách nhiệm này. Từ đó, đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền sử dụng cho thương mại quốc tế.
Loại bỏ hệ thống “Bản vị Vàng”
Hệ thống bản vị vàng đã kéo dài cho tới năm 1971. Tại thời điểm đó, lạm phát và thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng đã làm suy giảm giá trị đồng USD. Người Mỹ gây sức ép cho 2 chư hầu của họ là Đức và Nhật Bản phải tăng giá trị các đồng tiền Mác Đức và Yên Nhật. Nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế, các quốc gia này miễn cưỡng chấp nhận bước đi này, vì việc tăng giá trị đồng tiền của họ sẽ làm tăng giá hàng hóa của các nước đó và gây tổn hại đến xuất khẩu.
Chế độ bản vị vàng
Dưới thời Johnson cầm quyền, cuộc chiến Việt Nam đã khiến nợ quốc gia của Mỹ là 354 tỷ USD, đến thời Nixon cuộc chiến chưa kết thúc đã khiến chính phủ Mỹ mắc nợ thêm 121 tỷ đưa tổng số nợ lên 475 tỷ USD, một con số kỷ lục khổng lồ, từ đó dẫn tới lạm phát. Rất nhiều quốc gia lo sợ và họ mang USD dự trữ để đổi lấy vàng từ Mỹ, dự trữ vàng của Mỹ ở mức thấp nhất mọi thời đại và có nguy cơ suy kiệt.
Ngày 15/8/1971, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố đóng cửa sổ vàng. Theo đó, đồng đô la Mỹ chính thức từ bỏ tiêu chuẩn vàng. Thỏa thuận Bretton Woods tan vỡ. Và Mỹ buộc phải tìm kiếm một bản vị khác để duy trì giá trị của đồng USD cũng như vị thế thống trị của mình.
Hệ thống Petrodollar – Vương miện dầu mỏ ra đời
Sự phát triển của loài người đã trải qua nhiều thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt ….và bây giờ là thời dầu mỏ. Khác với vàng mang tính lưu trữ, dầu mỏ lại mang tính tiêu hao, bù lại nó có rất nhiều. Dầu mỏ cực kỳ quan trọng, và là yếu tố không thể thiếu trong ngành công nghiệp và chế tạo, các loại động cơ không thể hoạt động mà không có dầu mỏ. Do vậy, dầu mỏ và thành phần của nó hầu như có mặt trong toàn bộ đời sống hoạt động của loài người hiện đại. Vì thế, ai làm chủ được nguồn cung dầu mỏ là làm chủ được nền kinh tế toàn cầu.
Giới tinh hoa Mỹ đã nhìn thấu điều này. Họ đã nhắm tới Ả rập Xê-út, quốc gia có trữ lượng và số lượng khai thác dầu mỏ lớn bậc nhất thế giới. Vậy là thỏa thuận Mỹ – Ả rập Xê-út ra đời.
Hệ thống Petrodollar – Bản vị dầu
Theo thoả thuận, Mỹ sẽ bảo kê và cung cấp vũ khí cho Ả rập Xê-út, và có lẽ quan trọng nhất là đảm bảo bảo vệ ngai vàng hoàng tộc Xê-út khỏi bị Israel xâm lược, lật đổ (thời đó Israel được coi như một quốc gia “sát thủ”, hùng mạnh trong cuộc chiến Trung Đông).
Đổi lại, Ả rập Xê-út phải đáp ứng 2 điều khoản. Đầu tiên là họ phải từ chối tất cả các loại tiền tệ khác để thanh toán cho việc mua dầu mỏ, ngoại trừ đồng đô la Mỹ. Tiếp đó Ả rập Xê-út sẽ mở cửa cho đầu tư tiền dư thừa thu được từ bán dầu của họ vào chứng khoán nợ của Mỹ.
Sau Ả rập Xê-út, lần lượt là toàn bộ các quốc gia Ả Rập tại Trung Đông cũng ký thỏa thuận. Năm 1975, toàn bộ OPEC cũng đều thực hiện 2 điều khoản này để đổi lấy cam kết của Mỹ.
Dầu mỏ, thị trường nguyên liệu lớn nhất, được thanh toán hoàn toàn bằng đôla Mỹ. Nếu bạn muốn mua một thùng dầu, bạn phải đổi tiền tệ của bạn lấy đôla Mỹ và dùng nó để trả cho nhà cung cấp dầu. Trong một giao dịch như vậy, bạn làm suy yếu đồng tiền của bạn (bằng việc bán) và bạn củng cố giá trị của đồng đôla bằng cách làm gia tăng nhu cầu cần nó.
Cả thế giới này, quốc gia nào cũng cần dầu, mua dầu, vậy làm sao có đô la Mỹ để mua? Vậy là họ phải xuất khẩu giá rẻ sang Mỹ, người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi lớn từ các quốc gia trên thế giới.
Chẳng hạn như Nhật Bản, do có rất ít tài nguyên thiên nhiên nên phải nhập khẩu một số lượng lớn dầu mỏ. Muốn có nhiều đô la Mỹ để mua dầu thì tất cả các hàng hóa Nhật sản xuất ra phải ưu tiên xuất sang Mỹ để thanh toán đổi lấy tiền đô la.
Hay như Trung Quốc, khi muốn bán sản phẩm mình cho một nước khác, tất cả được trả bằng đô la Mỹ. Do Trung Quốc xuất khẩu rất nhiều, họ có hàng tỷ đô la dự trữ. Thông qua việc buộc phải mua đô la Mỹ này, Trung Quốc đã giúp hạn chế sự sụt giảm giá trị của đồng đô la. Nhìn theo cách này, Trung Quốc và cả thế giới, thông qua việc mua đồng đôla, đã giúp tài trợ cho sự giàu có của giới đầu sỏ tài chính Mỹ, những kẻ tạo ra hàng đống đôla mới hàng ngày chỉ từ việc in tiền.
Trong khi hàng triệu tờ USD được in ra hàng ngày, chi phí in ra một tờ chỉ đáng vài xu nhưng giá trị lưu thông của nó thì lớn hơn thế hàng ngàn lần. Tất nhiên, Mỹ có thể dùng USD, “bản chất là một tờ giấy” mà chỉ duy nhất Mỹ in ra được, để mua dầu. Thử hỏi trên thế giới này có quốc gia nào, ngoài Mỹ, có thể in tiền để mua dầu và sau đó các quốc gia sản xuất dầu lại giữ nợ cho tiền in đó? Và thế là Mỹ lại càng có thể thoải mái vung tay in USD để phung phí cho các cuộc chiến tranh, cũng nhằm duy trì vị thế của mình.
Tức là có thể nói, sức mạnh thật sự của kinh tế Mỹ không nằm ở giá trị tài sản ròng – mà nó nằm ở hệ thống Petrodollar, hay còn gọi là bản vị dầu mỏ. Chừng nào hệ thống Petrodollar vẫn còn vận hành mượt mà, chừng đó Mỹ vẫn luôn là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Vì thế, muốn chống lại Mỹ trong cuộc chiến tranh kinh tế, các quốc gia khác bắt buộc phải tấn công vào hệ thống petrodollar.
Mỹ sẽ bảo vệ vương miện của mình bằng mọi giá, mọi thủ đoạn. Bất kỳ quốc gia nào có ý định thanh toán tiền mua dầu không phải bằng đô la Mỹ, sẽ lập tức bị Mỹ hủy diệt. Đó là sự đê tiện.
Để có thể quản lý kế hoạch in tiền rộng lớn toàn cầu, năm 1973, Mỹ đã thành lập Hiệp hội Toàn cầu Hệ thống Thông tin Tài chính liên ngân hàng, viết tắt SWIFT – hệ thống nhắn tin kết nối với mọi ngân hàng trên thế giới và chuyển hàng tỷ đô la mỗi ngày.
Như vậy có thể nói, hệ thống Petrodollars thông qua sự kiểm soát bởi Hệ thống nhắn tin SWIFT, là công cụ để Mỹ bá chủ thế giới. Có nó là có tất cả, và “1% người Mỹ tại phố Wall” sẽ làm tất cả để không ai có thể động đến hệ thống Petrodolallrs này, sẵn sàng dùng sức mạnh quân đội để ra tay.
Lybia, quốc gia từng một thời phồn thịnh ở châu Phi, chỉ vì lãnh đạo của họ là Gaddafi muốn thành lập cái gọi là “đồng Dinar vàng” để làm phương tiện giao dịch dầu, lập tức Gaddafi bị sát hại, Lybia trở thành một đống hoang tàn.
Nếu chúng ta nói về Mỹ hay nói về FED, nhưng thật sự tại sao FED lại có được “quyền lực” lớn đến mức làm chao đảo kinh tế thế giới mỗi lần họ công bố lãi suất thì câu trả lời là đến từ hệ thống Petrodollar này. Hi vọng qua bài viết này, các quý nhà đầu tư có thêm những thông tin liên quan đến nhóm hàng hoá dầu thô để từ đó có thể hiểu được những biến động của thị trường cũng như có những hành động hợp lý khi đưa ra các quyết định đầu tư.