Các chuyên gia cho rằng nếu nguồn cung không đủ sẽ khiến giá vàng miếng SJC chạm mốc 100 triệu/lượng. Tuy vậy, việc Chính phủ tăng cường quản lý sẽ giúp "ghìm cương" giá vàng.
|
Từ đầu năm đến nay, vàng miếng SJC liên tục tăng giá. Chỉ trong chưa đầy 5 tháng, giá vàng miếng SJC đã lập kỷ lục 92,4 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng hơn 18 triệu đồng (+24%) so với đầu năm. Đà tăng giúp nhà đầu tư mua vàng đầu năm đến nay đã có khoản lãi lên tới 16 triệu đồng/lượng (+21%).
Đây được coi là tỷ suất siêu lợi nhuận nếu tính với các kênh đầu tư truyền thống khác trên thị trường như gửi tiết kiệm, ngoại tệ, chứng khoán hay bất động sản…
Trước đó, giá vàng miếng SJC đã liên tục chinh phục các mốc giá 70 triệu, 80 triệu rồi đến 90 triệu đồng/lượng. Với đà tăng này, mốc giá 100 triệu đồng/lượng đang được các nhà đầu tư hướng tới.
Có vượt được 100 triệu đồng/lượng?
Chia sẻ với Tri thức - Znews , PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết giá vàng tăng liên tục có tác động rất lớn tới tâm lý thị trường, người bán muốn giữ lại dẫn tới bóp nguồn cung trong khi người mua thì sốt sắng, chấp nhận giá cao để sở hữu được vàng miếng SJC.
Đặc biệt, ông Thịnh cho rằng vàng SJC từ trước đến nay nguồn cung vẫn ít hơn cầu do Việt Nam khai thác được rất ít, chủ yếu phụ thuộc vào việc nhập vàng từ thế giới. Đây là nguyên nhân khiến giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu không có giải pháp phù hợp.
Trong kịch bản lượng cung không tăng mạnh và giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.400 USD /ounce, tiến tới mốc 2.500 USD /ounce, giá vàng trong nước có thể lên đến 100 triệu đồng/lượng.
Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: NVCC . |
Trong khi đó, tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng giá vàng có vượt mức 100 triệu đồng/lượng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế và chính trị.
Các yếu tố như lạm phát, tỷ giá hối đoái, tình hình kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, và những biến động trên thị trường tài chính đều ảnh hưởng đến giá vàng.
Trong bối cảnh hiện nay, có khả năng giá vàng sẽ vượt mức 100 triệu đồng/lượng. Bởi theo các dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, giá vàng thế giới có thể tăng lên đến 3.000- 3.200 USD /ounce vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
“Trong kịch bản giá vàng thế giới đạt mức này, cộng thêm chênh lệch thì thậm chí còn kéo giá vàng miếng SJC trong nước lên cao hơn”, ông Tuấn nói thêm.
Vị chuyên gia này cho rằng động lực giúp giá vàng tăng sẽ đến từ sự bất ổn chính trị toàn cầu, suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao. Việc các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ cũng làm tăng nhu cầu đầu tư vào vàng.
Nhà đầu tư có thể tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất trong tương lai gần để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, điều này có thể làm giảm giá trị của USD và làm tăng giá vàng.
Trong khi đó, nhu cầu vàng cao đến từ các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ cũng như các nhà đầu tư quốc tế, có thể đẩy giá vàng lên cao. Theo báo cáo, Trung Quốc đã mua vàng liên tục trong 18 tháng qua, không chỉ từ phía chính phủ mà còn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và quỹ đầu tư. Trong khi đó, các quỹ đầu tư của Mỹ lại giảm giữ hoặc bán ra, làm giảm nguồn cung trên thị trường.
"Ngoài ra, có một xu hướng văn hóa mạnh mẽ đối với tích trữ hay đầu cơ vàng ở Việt Nam. Cứ thấy giá tăng là nhiều người đổ xô đi mua vàng vì lo ngại giá sẽ tăng thêm, từ đó đẩy giá cao hơn do nhu cầu tăng", ông Tuấn nói.
Tình thế đã thay đổi
Tuy nhiên, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiêm Cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng giá vàng miếng SJC khó chạm ngưỡng 100 triệu đồng/lượng trong năm nay.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiêm Cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Cụ thể, ông Khánh cho biết sau phiên đấu thầu thứ 7 với số lượng trúng thầu lên đến 12.300 lượng vàng SJC, tăng mạnh hơn rất nhiều so với các phiên đấu thầu thành công trước đó thì tình hình đã có sự thay đổi.
"Lượng vàng cung ra thị trường tăng sẽ giúp hòa hoãn bớt cơn khát vàng", vị chuyên gia này nhận định và nói thêm dù trên thế giới, giá vàng giao ngay đã tăng sát mức 2.400 USD /ounce nhưng trong nước giá vàng miếng SJC vẫn không vượt qua mốc 90 triệu/lượng.
Điều này khiến ông Khánh tin rằng nếu thị trường vàng trong nước đáp ứng được một nguồn cung tương đối ổn định thì giá vàng miếng SJC sẽ có điều kiện để giảm dần về ngang bằng giá thế giới.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong năm nay khả năng giá vàng miếng SJC lên đến 100 triệu đồng/lượng là thấp, xác suất chỉ khoảng 30% do vị chuyên gia này nhận thấy sự can thiệp mạnh mẽ với cường độ cao của cơ quan quản lý trước tình trạng giá vàng tăng "quá nóng" thời gian vừa qua.
Nếu giá vàng miếng SJC tăng quá cao và đến ở điểm mà người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
“Mặt khác, nếu giá vàng miếng SJC tăng quá cao và đến ở điểm mà người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng”, ông Hiếu nhận định.
Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn cũng cho rằng việc Chính phủ tăng cường quản lý thị trường vàng có thể là động lực giúp "ghìm cương" giá vàng, giảm chênh lệch giá giữa vàng trong nước và quốc tế, và hạn chế tình trạng đầu cơ.
“Nếu các biện pháp quản lý làm giảm khả năng sinh lời từ đầu cơ vàng, nhà đầu tư có thể chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác. Điều này có thể làm giảm đà tăng của giá vàng trong nước”, ông Tuấn nói.
https://znews.vn/gia-vang-mieng-co-tang-len-100-trieu-dongluong-post1475938.html