Giá vàng trong nước phiên giao dịch ngày 10/5 liên tục được điều chỉnh tăng giá mạnh, qua đó, đưa giá vàng miếng SJC lập đỉnh giá mới, vượt mức giá 92,4 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường trong nước thời điểm lúc 14 giờ chiều ngày 10/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh từ 2.250.000 đồng – 3.100.000 đồng mỗi lượng, qua đó, đưa giá vàng miếng SJC lên đỉnh lịch sử mới, 92,4 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng miếng SJC với mức giá 90.100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 92.400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng mạnh 2.900.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Tương tự, DOJI Sài Gòn và DOJI Hà Nội cũng đồng loạt tăng mạnh 3.100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 2.900.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, lên mức giá 89.900.000 đồng/lượng mua vào và 91.200.000 đồng/lượng bán ra.
Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng miếng SJC lên 2.700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 2.900.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên giao dịch ngày trước đó, lên mức giá 89.900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 92.200.000 đồng/lượng bán ra.
Phú Quý SJC cũng tăng giá vàng miếng thêm 2.700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 2.200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, lên mức giá 89.700.000 đồng/lượng mua vào và 91.500.000 đồng/lượng bán ra.
Tại Ngân hàng Eximbank, giá vàng miếng được nhà băng này điều chỉnh tăng 1.700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 9/5, lên mức giá 88.200.000 đồng/lượng mua vào và 90.200.000 đồng/lượng bán ra.
Cùng với đà tăng như vũ bão của giá vàng miếng SJC, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tại thị trường TP.HCM trong phiên giao dịch chiều nay cũng được doanh nghiệp điều chỉnh tăng mạnh 1.200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1.300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá ở thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 9/5. Hiện giá niêm yết của PNJ là 74.700.000 đồng/lượng mua vào và 76.500.000 đồng/lượng bán ra.
Tương tự, giá vàng nhẫn của các doanh nghiệp khác chiều nay cũng nới rộng thêm biên độ tăng giá lên khoảng 1.100.000 đồng mỗi lượng. Theo đó, giá vàng nhẫn 9999 của SJC đang được niêm yết giá mua - bán 74.600.000 – 76.300.000 đồng/lượng; Nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 75.300.000 – 76.800.000 đồng/lượng; Nhẫn tròn Bảo Tín Minh Châu 75.280.000 – 76.780.000 đồng/lượng; Nhẫn tròn Phú Quý 74.100.000 – 75.600.000 đồng/lượng...
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay cùng thời điểm đang giao dịch quanh mức giá 2.366 USD/ounce, tăng gần 20 USD/ounce so với thời điểm đóng cửa phiên giao dịch trước đó. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới đang chỉ tương đương khoảng 73,3 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau những phiên tăng nóng gần đây, giá vàng miếng SJC trong nước tiếp tục nới rộng chênh lệch giá với thị trường thế giới, với mức chênh lệch thời điểm này đã lên tới hơn 19 triệu đồng/lượng.
Theo giới chuyên gia, giá vàng miếng SJC liên tục tăng mạnh trong thời gian vừa qua là do tâm lý của thị trường. Bởi trước khi đấu thầu vàng, tâm lý nhà đầu tư luôn e ngại sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (HNNN) sẽ kéo giá vàng đi xuống, nên còn ngần ngại. Nhưng sau hai phiên đấu thầu vàng thành công, tâm lý lo ngại không còn vì sau mỗi phiên đấu thầu vàng, giá vàng càng tăng mạnh, khi nguồn cung vàng ra thị trường vẫn còn nhỏ giọt, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chưa kể, giá trúng thầu vàng cũng tương đương với giá mua vào ngoài thị trường của các doanh nghiệp, nên giá vàng không thể giảm ngay trong ngắn hạn.
Thực tế cho thấy, hoạt động đấu thầu vàng đã không thể kéo giá vàng giảm xuống như kỳ vọng. Người dân lại đổ xô đi mua vàng nhiều hơn, khiến cho sức cầu tăng lên, trong khi, nguồn cung vẫn hạn chế. Do đó, để can thiệp thị trường hiệu quả, theo giới chuyên gia, NHNN cần có sự điều chỉnh phù hợp để nhiều doanh nghiệp có thể tham gia tăng cung vàng ra thị trường.