Giá vàng và việc khủng hoảng niềm tin

Số người mua bán vàng để lướt sóng kiếm lời không nhiều, phần lớn họ mua vàng để trú ẩn nhằm bảo toàn tài sản khi bị khủng hoảng niềm tin về các kênh đầu tư sinh lời hiện tại.

Về cơ bản mọi người đều hiểu tích trữ vàng chỉ là để đảm bảo tài sản chứ ít khả năng sinh lời bởi “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời”. Vậy mà trái với suy nghĩ đó, trong năm 2023, 2024 giá vàng tăng quá cao mà không có cách nào hiệu quả để kiểm soát ở cấp vĩ mô và vi mô.

Những quyết sách điều hành nhằm bình ổn giá vàng như Nghị định 24 và mới đây nhất là việc Ngân hàng nhà nước tổ chức đấu thầu giá vàng, tung ra lượng lớn vàng miếng để giảm áp lực cung. Sau mấy lần hoãn, việc đầu thầu đã được tổ chức thành công và giá vàng bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống theo hướng tích cực, rời mốc mức giá kỷ lục 92.5 triệu/ lượng vàng miếng SIC.

Thông tin từ Chính phủ lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh cũng như tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng, khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch tác động làm giá vàng đi xuống.

Giá vàng đã "hạ nhiệt" hơn.

Ngày 13/05/2024 giá vàng miếng SIC có giá 85,5 triệu đồng/lượng mua vào, 88,5 triệu đồng/lượng bán ra , giảm sâu 3,3 triệu đồng khi mua vào và 2,8 triệu đồng khi người dân bán ra. Doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đấu thầu nên số mời thầu là 84 ngàn lượng mà chỉ mới có 6,8 ngàn lượng giao dịch, chưa tới 10%.

Thực tế số người mua bán vàng để lướt sóng kiếm lời không phải là toàn bộ số người mua bán giao dịch vàng, phần lớn họ mua vàng để trú ẩn nhằm bảo toàn tài sản khi bị khủng hoảng niềm tin về các kênh đầu tư sinh lời hiện tại.

Thực tế sau gần nửa thập kỷ sản xuất kinh doanh theo nền kinh tế thị trường, số tài sản, số tiền tạo ra từ giá trị thặng dư nằm trong dân rất lớn, nhưng dòng tiền đó đang ùn ùn chảy vào vàng.

Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC), thời điểm chưa sôi động như năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 43 tấn vàng, nhiều nhất khu vực ASEAN. Năm 2023, 80% nhà đầu tư ở Việt Nam đổ tiền vào vàng. Nguy cơ vàng hoá nền kinh tế ảnh hưởng tới sức sản xuất, chỉ số cạnh tranh của quốc gia là có thật.

Sau dịch bệnh Covid-19, tình hình quốc tế phức tạp với các cuộc chiến tranh ở châu Âu, Trung Đông, sự bất ổn ở châu Phi, cuộc chiến kinh tế giữa cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga… Trong nước, kênh đầu tư sinh lời đều rủi ro cao, thanh khoản thấp. Sản xuất kinh doanh nội địa khủng hoảng vì hàng xuất khẩu thì đơn hàng sụt giảm, hàng tiêu thụ trong nước thì bị hàng Trung Quốc giá rẻ cạnh tranh.

Rất ít doanh nghiệp dám vay vốn mở rộng đầu tư cho sản xuất mà hoạt động cầm chừng, đơn vị nào yếu thì chết hẳn. Bất động sản thì chưa tan băng, giao dịch thực tế rất ít, quỹ nhà đất cao cấp tồn nhiều, còn nhu cầu ở thật như nhà ở xã hội thì lại chưa kịp đầu tư xây dựng xong để tung ra thị trường.

Số ít người giàu sở hữu nhiều nhà đất thì lại không có người ở, con cháu lại lựa chọn đi nước ngoài hay dồn lên thành phố trung tâm. Tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” ở lĩnh vực bất động sản vẫn giữ nguyên dạng. Chứng khoán thì đỏ lửa mất đi sắc tím. Ảnh hưởng của những vụ bắt tham nhũng, thay đổi nhân sự cấp cao, cùng hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng của nhiều đơn vị kinh tế lớn làm cho niềm tin vào chứng khoán thêm mong manh và ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Kênh an toàn nhất là gửi ngân hàng lấy lãi thì lãi suất ngân hàng quá thấp, không đủ bù giá trị lạm phát mất giá của đồng tiền. Chưa kể vài sự kiện bê bối từ hệ thống ngân hàng cũng làm niềm tin thêm suy giảm.

Khủng hoảng niềm tin dẫn đến tâm lý thôi thì "mua vàng cho chắc", bởi giá trị an toàn và dễ thanh khoản của vàng là mạnh mẽ nhất. Khi cần chuyển đổi thành tiền mặt hết sức nhanh chóng và thuận tiện, bởi giao dịch vàng ở cửa hàng vàng tư nhân có thể không cần xuất, nhận hoá đơn. Những khoản tiền cần giữ bí mật nguồn gốc có thể thoải mái khi giao dịch với vàng. Do vậy, dù chênh lệch với vàng thế giới tới 17 triệu đồng/lượng mà có thời điểm người dân giao dịch vàng ngay trên hè phố như mua rau, cà pháo về ăn cơm.

Nguy cơ vàng hút tiền nằm chết trong két gây suy giảm sức mạnh nền kinh tế cận kề. Do biết chắc có tình trạng buôn lậu vàng từ nước ngoài, cửa hàng vàng đang trục lợi từ người dân, nên Chính phủ đã kiềm chế bằng cách tổ chức đấu thầu vàng, thanh tra kiểm tra nguồn gốc vàng, ra Nghị định 24 để siết chặt quản lý, không thể cho tuỳ ý doanh nghiệp nhập vàng về để tạo thêm nguồn cung trong khi nhu cầu mua vàng vẫn đang tăng cao.

Nếu để tự do nhập vàng thì không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng ùn ùn kéo nhau đi nước ngoài giả danh du lịch để mua vàng về bán lại kiếm lời. USD sẽ chảy máu ra ngoài để mua vàng, tỉ giá USD sẽ tăng cao chót vót, tiền Việt mất giá, tiền nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất kinh doanh theo tỉ giá USD sẽ tăng lên. Doanh nghiệp mất hết khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm, sản xuất trong nước sẽ bị bóp chết.

Trung Quốc, Ấn Độ… đang tích cực mua, dự trữ vàng để đảm bảo tài sản, tránh trường hợp Mỹ ồ ạt in thêm USD phá giá thị trường thì số ngoại hối USD họ đang nắm giữ trở thành giấy lộn. Nên thời gian tới vàng vẫn cầu vượt cung, giá cả còn biến động khó lường đi cùng với tâm lý khủng hoảng niềm tin.

Phạm Tuấn-Link gốc

https://diendandoanhnghiep.vn/gia-vang-va-viec-khung-hoang-niem-tin-263359.html